ATVSTP mùa dịch bệnh: Người dân chưa thể yên tâm

Thứ Năm, 10/04/2008, 15:30
Năm 2007, hơn 61% trong số 52.650 cơ sở vi phạm VSATTP trên toàn quốc chỉ bị xử lý ở mức cảnh cáo, chỉ có gần 26% cơ sở bị phạt tiền. Đặc biệt, so với năm 2006, số vụ ngộ độc có chiều hướng gia tăng mạnh - 50,3%, số người mắc tăng 2,7%, số vụ ngộ độc lớn tăng 8,57%. Năm 2007, cả nước có 248 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.329 người mắc, 55 người chết, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật (36%), độc tố tự nhiên (27%).

122 bệnh nhân ở 14 tỉnh, thành dương tính với phẩy khuẩn tả

Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đang lây lan ở nhiều tỉnh phía Bắc. Vì thế, một trong những tâm điểm được nhiều đại biểu quan tâm chính là diễn biến dịch bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết: tính từ 6/3 đến nay, cả nước đã có 854 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có 122 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

15 tỉnh, thành có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm gồm Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Quảng Bình.

Số bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và tiêu chảy cấp có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả hiện vẫn tập trung nhiều nhất ở Hà Nội. Phần lớn các các quận, huyện ở Hà Nội đều có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm (Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Từ Liêm…) với số cộng dồn lên tới 596 trường hợp. Số bệnh nhân ở các điểm nóng như Hà Nội, Hà Tây đang có chiều hướng giảm, nhưng số địa phương có dịch lại tăng lên.

Trước đó, Ths Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết: Hiện có cả bệnh nhân đã uống vaccin tả nhưng vẫn mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả. Hiệu lực của vaccin tả chỉ đạt khoảng 70%. Nhiều chuyên gia khẳng định, tác nhân lây lan bệnh chủ yếu là từ các thực phẩm nguy cơ cao, thiếu vệ sinh như rau sống, mắm tôm, lòng lợn, tiết canh...

PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: 78% người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm thích ăn hàng và bệnh nhân chủ yếu rơi vào người từ 20-29 tuổi. Ngành Y tế liên tục khuyến cáo người dân phòng tránh dịch bệnh đường tiêu hoá bằng cách ăn chín uống sôi, giữ bàn tay sạch, nhưng nhìn vào những kết quả công tác đảm bảo VSATTP trong thời gian qua, hẳn nhiều người dân chưa thể yên tâm.

Người dân chưa thể yên tâm

Theo đánh giá thực hiện các biện pháp cấp bách đảm bảo VSATTP, tính đến năm 2008, mức đầu tư cho chương trình VSATTP nói chung còn quá thấp (1.100 đồng/người dân/năm). Đã có đề án kiện toàn hệ thống quản lý VSATTP từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện; thành lập Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở Trung tâm Kiểm nghiệm VSATTP thuộc Viện Dinh dưỡng; thành lập 4 trung tâm kiểm nghiệm VSATTP khu vực; tăng cường nhân lực thanh tra VSATTP... nhưng trên thực tế, hoạt động này triển khai khá chậm và chưa cải thiện được tình hình.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra liên tục phát hiện sai phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, giết mổ gia súc, gia cầm mất vệ sinh nghiêm trọng, thủy sản tiêu thụ nội địa không được kiểm tra chất lượng, nhiều bếp ăn tập thể, trường học, cơ sở kinh doanh ăn uống không đủ điều kiện VSATTP, mức xử lý cảnh cáo, nhắc nhở, tạm đình chỉ đối với các cơ sở vi phạm chưa đủ sức răn đe...

Năm 2007, hơn 61% trong số 52.650 cơ sở vi phạm VSATTP trên toàn quốc chỉ bị xử lý ở mức cảnh cáo, chỉ có gần 26% cơ sở bị phạt tiền. Đặc biệt, so với năm 2006, số vụ ngộ độc có chiều hướng gia tăng mạnh - 50,3%, số người mắc tăng 2,7%, số vụ ngộ độc lớn tăng 8,57%. Năm 2007, cả nước có 248 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.329 người mắc, 55 người chết, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật (36%), độc tố tự nhiên (27%).

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP đã đưa ra nhiều kiến nghị rất thiết thực đối với Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ban, ngành: Cần nhanh chóng ban hành Nghị định "Kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về VSATTP từ Trung ương đến địa phương"; đầu tư đủ nguồn lực 1 USD/người dân/năm; khẩn trương xây dựng Luật Thực phẩm; xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành VSATTP đủ về số lượng, chất lượng và chế tài xử lý; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND các cấp và từng đảng viên trong việc phối hợp đảm bảo VSATTP.

Mong rằng, những giải pháp đồng bộ này sẽ nhanh chóng đi vào thực hiện và cải thiện được chất lượng VSATTP năm 2008

Thanh Loan
.
.
.