60 ngày tăng tốc GPMB dự án đường vành đai 3 qua Hà Nội

Thứ Sáu, 05/12/2008, 09:44
Dự án xây dựng giai đoạn 1, đoạn Mai Dịch - Pháp Vân thuộc dự án đường Vành đai 3, TP Hà Nội, đã được khởi động từ năm 2001, theo Quyết định số 597/QĐ-TTg ngày 16/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch phía Tây thành phố, gắn liền với giao thông Bắc - Nam. Tuy nhiên, đây lại là một trong những dự án "rùa".
Theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội, dự án đường vành đai 3 có các dự án thành phần như dự án xây Cầu cạn Pháp Vân; dự án đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Pháp Vân) đi qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì; dự án đường Vành đai 3 và nút giao trên địa bàn quận Thanh Xuân do Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Đường vành đai 3 địa bàn quận Thanh Xuân vẫn ngổn ngang. Ảnh: N.Y.

Đến thời điểm này, dự án xây Cầu cạn Pháp Vân, dự án đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Pháp Vân) vẫn còn vài chục hộ dân chưa di chuyển do chưa bố trí xong nhà tái định cư, nghĩa trang cũng vẫn còn 500 ngôi mộ chưa di dời… nhưng các quận Hoàng Mai và Thanh Trì đều cho biết có thể khắc phục và hoàn thành GPMB trước Tết Nguyên đán.

Đặc biệt khó khăn nhất hiện nay là vướng 400 hộ GPMB tại nút giao thông trên địa bàn quận Thanh Xuân. Theo ông Hoàng Công Hồng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, hết năm 2007, 1063 hộ đã hoàn tất GPMB xong trên truyến đường Khuất Duy Tiến đến đoạn nút giao Thanh Xuân. Nhưng sau khi Hà Nội hợp nhất, UBND TP đã ban hành Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Như vậy, việc thực hiện Quyết định số 2885/QĐ-UBND ngày 17/7/2008 của UBND TP trước đó về việc phê duyệt một số chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án đường Vành đai 3 không còn có hiệu lực pháp lý, do đó quận Thanh Xuân không phê duyệt phương án cho 90 hộ dân đã công khai phương án của 3 phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam.

Hơn nữa, giá nhà tái định cư thực hiện theo Quyết định 137 trước đây và Quyết định 18 hiện nay được xây dựng cụ thể cho từng dự án cao gần gấp 2 lần so với giá tái định cư đã áp dụng cho các hộ dân đã di chuyển trước (theo giá tại Quyết định 15).

Giá bồi thường tài sản vật kiến trúc có tăng, tuy nhiên các hộ thuộc dự án Vành đai 3 nút giao Thanh Xuân đa phần đang sử dụng nhà cấp 4 nên mức bồi thường về tài sản theo Quyết định số 40 mới của UBND có tăng nhưng mức tăng không bằng giá nhà tái định cư. Đồng thời, những trường hợp có cùng nguồn gốc sử dụng đất như các hộ trước đây đã di chuyển nay phải mua nhà tái định cư nhân với hệ số 1,2 theo quy định… gây khiếu kiện, thắc mắc cho các hộ dân.

"Một năm trước, kế hoạch đặt ra là phải giải phóng xong mặt bằng nút giao thông này trước ngày 26/6/2009. Vậy nhưng, từ đó tới nay, phần việc làm được mới chỉ dừng lại ở khâu điều tra khảo sát 319 hộ thuộc 3 phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam và công khai phương án thẩm tra với 82 hộ dân khác", ông Biền cho biết.

Sau khi nghe chủ đầu tư, Ban Chỉ đạo GPMB và các quận, huyện nêu những khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, với những hộ trong diện GPMB còn lại trên địa bàn quận Thanh Xuân, TP đồng ý để quận Thanh Xuân được thực hiện theo cơ chế đặc thù, tức là rút ngắn quy trình GPMB xuống còn 60 ngày bắt đầu từ ngày 3/12 để kịp bàn giao cho Ban quản lý dự án Thăng Long có mặt bằng sạch để thi công vào ngày 3/2/2009.

Trình Chính phủ cơ chế đặc thù

"Thời gian phải hoàn thành dự án đường Vành đai 3 không còn dài, chỉ còn hơn 600 ngày nữa, TP Hà Nội quyết tâm tập trung vào "chiến dịch" GPMB, áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh việc GPMB, tạo đất sạch cho đơn vị thi công", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo kiên quyết cho biết.

Dự án đường Vành đai 3 là một dự án quan trọng được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, là tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông giữa phía Nam và phía Bắc Thủ đô, và là một trong những công trình trọng điểm 1.000 năm Thăng Long. TP đồng ý sẽ có cơ chế đặc thù và báo cáo Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Người dân được đền bù mức tối đa

Liên quan đến vấn đề "nóng" nhất là giá nhà đền bù, UBND TP giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp cùng Ban Chỉ đạo GPMB TP sớm đưa ra quyết định chính thức về giá mua nhà tái định cư đối với các hộ dân trong diện GPMB tại nút giao thông Thanh Xuân theo hướng vẫn thực hiện theo giá cũ của Quyết định 15 (giá mới cao gấp đôi) và hệ số 1,2. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đề nghị đến ngày 15/12, các đơn vị trên phải hoàn thành và báo cáo để UBND TP quyết định kịp thời.

Để đảm bảo công bằng và hỗ trợ cho người dân có nơi tạm cư, tái định cư đủ điều kiện sinh hoạt, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các đơn vị trực tiếp làm công tác GPMB phải vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt, cố gắng để người dân được đền bù ở mức tối đa theo đúng pháp luật.

Ngọc Yến
.
.
.