5 bài học lớn từ bão Chanchu

Thứ Hai, 05/06/2006, 08:40
Trong khi ngư dân bị nạn sự sống chỉ tính bằng giờ, bằng phút, chuyện họp bàn diễn ra nửa ngày trời chưa có kết luận. Có thể nói, các cơ quan chức năng đã rất bị động và lúng túng trong xử lý tình huống cứu nạn bão số 1 (bão Chanchu).

Công tác cứu hộ, cứu nạn sau bão Chanchu đã kết thúc. Số phận của hàng chục tàu thuyền và hàng trăm ngư dân mất tích vẫn nằm trong lòng biển khơi. Hậu cơn bão, 5 bài học lớn đã được rút ra để những sự việc đau lòng và đáng tiếc không lặp lại một lần nào nữa.

Bài học thứ nhất: Ông Đỗ Văn Xin, 40 tuổi, trú tổ 63, phường Thanh Khê Tây (Thanh Khê, Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu ĐNa 90152 kể lại: Trước bão 3 ngày, đoàn tàu câu mực khơi của ba địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gồm 37 chiếc chạy về neo đậu ở vùng biển gần đảo Đông Sa của Đài Loan tại tọa độ 20 độ 42 phút vĩ Bắc, 116 độ 47 phút kinh Đông.

Lúc này, tàu tránh gió Đông Bắc là chính, còn bão số 1 thì đã yên tâm vì theo tin báo từ Đài Tiếng nói Việt Nam, bão di chuyển lên phía Bắc theo hướng Tây - Tây Bắc. Trước khi gặp bão chừng 3 tiếng đồng hồ, tức là gần tối 16/5, chúng tôi mới biết bão đi về hướng Đông Bắc. Lúc này trở tay không kịp nữa rồi. Tất cả các tàu thúc thủ tại chỗ triển khai chống bão như chặt bỏ giàn phơi mực, vứt bớt thúng, tăng cường neo…

Anh Bùi Văn Phương, 27 tuổi, thuyền trưởng tàu ĐNa 90261; anh Nguyễn Đức Toàn (37 tuổi), trú tổ 17 Thanh Khê Đông, thuyền trưởng tàu ĐNa 90354 đều rất bức xúc trước thông tin báo bão không cập nhật, thiếu chính xác. Theo họ, bản tin báo bão 6h sáng và 4h chiều giống nhau, trong khi diễn biến bão rất phức tạp, không biết đường nào để tránh. Nếu báo bão cập nhật, chính xác chắc chắn sẽ chạy tàu thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

Như vậy là đã rõ, từ ngày 15/5, bão đã đổi hướng, đường đi của bão được xác định chệch sang hướng Đông Bắc. Thông tin dự báo từ các đài quốc tế đã chứng tỏ điều này và bão đi đúng như dự kiến ban đầu. Nếu thông báo bão nêu cụ thể lộ trình chắc chắn ngư dân tránh được, bởi thông tin liên lạc, máy định vị trên tàu rất đảm bảo. Sự tắc trách này đã gây hậu quả hết sức đau lòng. Chắc chắn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phải chịu trách nhiệm và rút ra bài học xương máu.

Bài học thứ 2: Công luận từ lâu đã nhiều lần cảnh báo về sự mất an toàn trên biển chính từ các giàn phơi mực quá cồng kềnh nhưng ít ai quan tâm. Đó là chưa kể hàng chục thúng chất ngổn ngang trên boong tàu cản gió không nhỏ. Ông Đỗ Văn Xin cho biết: Trước khi bão đến, chúng tôi phá hết giàn phơi, vứt thúng, thả cùng lúc 2 neo loại dây chão phi 42. Khi bão vào liên tục nổ máy gài số tiến để mũi tàu cắt sóng giữ neo khỏi đứt.

Theo ông, những tàu lâm nạn do bị đứt neo. Khi đứt neo, tàu quay ngang sóng và bị nhấn chìm ngay tức khắc. Tàu đứt neo do họ không phá giàn phơi, vứt thúng, cản gió, hoặc bị chết máy. Thực ra, dây neo các tàu hiện nay đều là dây tận dụng lưới cũ, hỏng bện lại, to nhất chỉ phi 40-42mm, độ bền không đảm bảo.

Và như vậy, vấn đề cấp bách là phải đổi mới giàn phơi mực bớt cồng kềnh, có thể nghiên cứu tháo dỡ dễ dàng khi gặp gió bão. Năm 2005, đã có đề tài khoa học nghiên cứu cách tháo dỡ giàn phơi mực do Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng làm chủ đề tài nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu gì! 

Bài học thứ 3: Theo số liệu thống kê, các tàu an toàn sau bão chỉ cứu sống 3 ngư dân trong các tàu chìm, trong đó 1 người ở Quảng Ngãi, 2 người ở Quảng Nam. 26 người trên tàu 90190 an toàn do tàu trôi dạt vào bãi đá ngầm không bị chìm và được cứu sau đó. Nguyên nhân ngư dân trên các tàu chìm tử nạn do họ không mặc áo phao.

Ông Đỗ Văn Xin cho biết: Mặc áo phao vào gây tâm lý hoang mang lo sợ, bởi sự nguy hiểm đã cận kề. Các thuyền trưởng khác cũng chung ý kiến như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đủ cơ sở khẳng định, ngư dân không mặc áo phao một phần do tâm lý nhưng chủ yếu do áo phao rất thiếu.

Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết: Chiều 19/5, cứu sống 1 thanh niên chừng 17 tuổi người Quảng Ngãi tên Tân khi anh này đã kiệt sức, trên người có áo phao. 2 người khác được cứu cũng nhờ chiếc can nhựa. Điều này chứng tỏ phao cứu sinh vô cùng cần thiết đối với lao động nghề biển. Thế nhưng, cả chủ tàu đến thuyền trưởng và ngư dân đã không trang bị phao cứu sinh. Trách nhiệm này, ngoài chủ tàu, thuyền trưởng, chắc chắn thuộc về Sở Thủy sản nông lâm, Ban chỉ huy PCLB thành phố, kể cả các trạm cửa biển của Bộ đội Biên phòng.

Bài học thứ 4: Ngày 18/5, thông tin về tai họa này đã về đến các gia đình nạn nhân. Tuy vậy phải một vài ngày sau, các cơ quan chức năng mới biết và mãi tối 21/5, tức là hơn 4 ngày sau bão mới triển khai công tác cứu hộ bằng 2 tàu SAR. Nói đúng hơn 2 tàu này không thực hiện việc cứu nạn mà đi chở nạn nhân về. Giá như việc cứu hộ thực hiện ngay trong ngày 18/5, đằng này mãi sáng 21/5, các cơ quan chức năng mới họp bàn và sau đó liên tiếp nhiều cuộc họp bàn.

Trong khi ngư dân bị nạn sự sống chỉ tính bằng giờ, bằng phút, chuyện họp bàn diễn ra nửa ngày trời chưa có kết luận. Có thể nói, các cơ quan chức năng đã rất bị động và lúng túng trong xử lý tình huống cứu nạn bão số 1. Đây cũng là bài học đắt giá rất đáng đề cập.

Bài học thứ 5: Nếu bão vừa qua chỉ một vài tàu sau khi bị nạn không ai biết tai họa đã xảy ra. Rất may họ đánh bắt theo đội hình hàng chục chiếc, sau bão tàu an toàn đã thực hiện cứu nạn kịp thời. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bão quá tàn khốc, ngư dân không ai trang bị phao cứu sinh nên tỷ lệ được cứu sống quá ít. Chắc chắn sự trả giá quá đắt của tính mạng hàng trăm ngư dân trong bão số 1 sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần đổi mới cho các cơ quan chức năng và cả thuyền trưởng, ngư dân.

Với cơ quan chức năng phải tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao khả năng tự cứu mình. Với ngư dân cũng phải thay đổi tư duy, không cổ hủ đến nỗi chết đến nơi vẫn không dám mặc áo phao. Điều cần thiết nhất là phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh, an toàn tính mạng phải đặt lên hàng đầu

Nguyễn Cầu
.
.
.