4 người đã tử vong vì ngộ độc nấm

Thứ Sáu, 21/03/2014, 09:42
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 14 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm từ tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tính đến ngày 20/3, đã có 4 bệnh nhân ngộ độc nấm bị tử vong. Những bệnh nhân còn lại phần lớn đều trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu.

Liên tiếp các ca ngộ độc nấm

Có mặt tại Khoa hồi sức, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được tiếp xúc với nhóm những bệnh nhân bị ngộ độc nấm mấy ngày qua. Bệnh nhân Bàn Văn Hạnh, 18 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, da xanh tái. Các bác sỹ phải thường xuyên túc trực bênh cạnh giường bệnh để theo dõi diễn biến gan, thận…

Bên cạnh cháu Hạnh là anh Bàn Văn Đạt, 43 tuổi - bố cháu. Điều may mắn là anh Đạt đã tỉnh táo sau mấy ngày điều trị. Chưa khỏi hết bàng hoàng, anh Đạt kể lại với chúng tôi: Buổi trưa ngày 13/3, anh và con trai vừa lên nương làm rẫy trở về nhà. Đang là mùa mưa ẩm ướt, nấm mọc trắng quanh nhà. Thấy nấm màu trắng, lại tươi mơn mởn khá ngon mắt, anh Đạt liền bảo Hạnh hái 1 ít mang về nấu canh ăn với món cá kho vừa bắt được dưới suối. Sau đó, anh Hạnh gọi thêm 2 người họ hàng cùng đến ăn. Rất may, vợ và con gái anh bận đi chợ nên không về nhà ăn cơm trưa. Khi bát canh nấm nóng hổi thơm phức được bưng lên, 4 người đã cùng nhau ăn. Thật không ngờ, sau đó, cả 4 người đều có biểu hiện ngộ độc là nôn mửa, tiêu chảy, co giật… Vừa rớt nước mắt, anh Đạt vừa kể: May mắn là hôm đó tôi ăn ít nên giờ đã tỉnh lại. Thằng Hạnh ăn nhiều nên giờ không biết sống chết thế nào.

Bệnh nhân Bàn Văn Mạnh bị ngộ độc nấm vẫn đang trong tình trạng hôn mê.

Tiến sỹ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Từ ngày 9/3 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 14 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc nấm chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là gồm 5 bệnh nhân đến từ huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cấp cứu tại Trung tâm vào ngày 9/3 sau khi ăn nấm trắng hái trên rừng. Nhóm ngộ độc thứ 2 cũng đến từ huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên vào cấp cứu ngày 12/3 với 3 người bị hôn mê, 2 người còn tỉnh. Nhóm thứ 3 là 4 người đến từ Tuyên Quang nhập viện ngày 16/3 thì 2 người hôn mê, 2 người còn tỉnh.

Mặc dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng trong số 14 bệnh nhân ngộ độc cấp cứu thì đã có 4 bệnh nhân ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên đã tử vong là các bệnh nhân Vũ Thị Hồi, 60 tuổi; Lý Thị Thơm 38 tuổi; Lý Thị Thùy, 14 tuổi và Lý Minh Khôi 13 tuổi.

Theo Tiến sỹ Phạm Duệ, số bệnh nhân còn lại, khả năng cứu thoát được bàn tay tử thần chỉ có khoảng 4 bệnh nhân. Các bệnh nhân khi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu thì tiên lượng rất xấu, khả năng tử vong cao. Bởi những bệnh nhân này đều có men gan tăng cao, suy gan thận nặng. Để cứu được các bệnh nhân này chỉ có thể sử dụng biện pháp thay tạng. Các bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng hội chẩn với nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi TW… để tìm ra phương án ghép tạng nhưng nguồn người cho không có sẵn. Cơ hội sống sót của các bệnh nhân ngộ độc bị hôn mê rất mong manh.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm

Vào thời điểm mùa xuân, mùa mưa, thời tiết ấm ẩm, nấm mọc nhiều nên rất dễ xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Nhiều người cho rằng các loại nấm có màu sắc sặc sỡ thì mới là nấm độc. Tuy nhiên, trên thực tế có cả những loại nấm trắng cũng có độc tố. Không ít người dân vì thiếu hiểu biết nên đã phải chuốc lấy hậu quả thật đau lòng chính là mạng sống của mình. Một điều đáng tiếc nữa chính là việc các bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu muộn, diễn biến ngộ độc đã nặng. Nhóm bệnh nhân thứ 3 ở Tuyên Quang được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc sau 58 giờ bị ngộ độc nên khả năng cứu chữa rất thấp.

Theo Tiến sỹ Phạm Duệ, để tránh ăn phải nấm độc, người dân nên tìm mua các loại nấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do nuôi trồng chứ không nên hái nấm hoang, nấm mọc ở rừng hay mọc ở ven đường để ăn. Phần lớn những bệnh nhân bị ngộ độc nấm đều đi hái nấm hoang về ăn. Khi bị ngộ độc nấm, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để chữa trị. Nếu ngay sau khi ăn mà phát hiện nấm độc, cần tìm cách móc họng để nôn ra. Nếu trong gia đình có sẵn than hoạt thì uống theo tỉ lệ 1 gam-2 gam cho 1kg thể trọng. Nếu để sau 2h, thức ăn đã tiêu hóa hết, độc tố ngấm sâu vào người.

4 người đã tử vong, nhiều người khác vẫn đang được điều trị trong tình trạng hôn mê sâu, đây là cái giá quá đắt khi người dân tùy tiện sử dụng nấm dại, nấm hoang làm thức ăn. Mong rằng, bài viết một lần nữa sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo, giúp người dân có thêm nhận thức, nâng cao hiểu biết để lựa chọn những loại thực phẩm đảm bảo an toàn. Các địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền về tới tận các thôn, bản để hạn chế một cách tối đa các ca ngộ độc nấm.

“Mùa xuân nấm rừng sinh sôi, phát triển, người dân dễ thu hái và sử dụng gây ngộ độc”: Theo ông Thân Đức Nhã, cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì ngộ độc nấm thường xảy ra ở Việt Nam. Việt Nam có số loài nấm trong tự nhiên rất đa dạng, có tới gần 2.000 loài nấm lớn và trong đó cũng có mặt hầu hết các loài nấm độc đã được thống kê trên thế giới. Trong thiên nhiên tồn tại cả nấm dại, nấm ăn được và nấm độc, vì thế bà con sống ở vùng núi cao thường hay bị nhầm lẫn hái về ăn. Với đa số loài nấm độc, chúng không tiết chất độc ra môi trường, mà lại tích luỹ ngay trong cơ thể chúng và chỉ gây ngộ độc khi sinh vật hoặc người ăn phải, những loại này sẽ rất độc. Như với loài nấm Amanita phlloides và Amanita verna chỉ cần 50g nấm tươi đủ để giết chết 1 thanh niên khoẻ mạnh và không có thuốc nào cứu nổi. Theo cảnh báo của các nhà khoa học thì vào các tháng mùa xuân từ tháng 2-4 hàng năm hoặc những khi chuyển mùa là thời điểm thích hợp cho nấm mọc và thu hái. Nếu không có chuyên môn sẽ rất khó phân biệt nấm ăn được và nấm độc.

Trần Hằng

Nguyễn Hương
.
.
.