21 quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch

Thứ Hai, 11/10/2021, 20:25

Chiều 11/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP sau 10 ngày thực hiện chỉ thị 18/UBND TP về việc ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Văn Minh chủ trì họp báo.

Ông Phạm Đức Hải cho biết, trong 10 ngày qua, kết quả phòng, chống dịch ngày càng đạt nhiều tín hiệu lạc quan. Cụ thể, ngày 7/10, đã có 19 quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch, ngày 8/10 có thêm huyện Bình Chánh và đến 11/10 thêm quận Bình Tân được đề nghị công bố kiểm soát dịch. Như vậy, tính đến ngày 11/10, có 21 quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Đã có 21 quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch  -0
Người dân thành phố không được chủ quan, cần điều chỉnh thói quen trong sinh hoạt, làm việc trong “tình hình mới”, luôn cảnh giác phòng chống dịch COVID-19.
Đã có 21 quận huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch  -0
Buổi họp báo chiều 11/10 tại TP. Hồ Chí Minh

Thống kê đã có hơn 3,7 triệu người được chi trả gói hỗ trợ đợt 3 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tình hình cho thấy người dân thành phố đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện "bình thường mới". Đáng mừng là có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm những quy định về phòng, chống dịch như: vi phạm về thực hiện 5K, vẫn còn tụ tập đông người, giữ khoảng cách không nghiêm, vẫn còn người dân không đeo khẩu trang... Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoạt động trở lại vẫn chưa nhiều; việc đi lại của người dân TP TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Trong 10 ngày qua vẫn còn phát hiện các ca F0 trong cộng đồng, ngày 8/10 có 2.215 ca F0; ngày 9/10 có 1.662 ca; ngày 10/10 có 1.067 ca. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Phạm Đức Hải nhận định, do vậy người dân thành phố không được chủ quan, cần điều chỉnh thói quen của mình trong sinh hoạt, làm việc trong “tình hình mới”, luôn cảnh giác phòng chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, từ ngày 1/10 tới nay vẫn xảy ra 70 vụ phạm pháp hình sự, lực lượng công an đã khám phá 48 vụ, bắt 54 đối tượng. Về trật tự an toàn giao thông, xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông, chết 17 người, bị thương 20 người. Vấn đề cháy nổ, 10 ngày xảy ra 11 vụ cháy, làm 1 người chết, 4 người bị thương. Nguyên nhân có thể vì cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại do máy móc thiết bị điện chưa được kiểm tra chặt chẽ.

Trong mấy ngày qua người dân TP đổ xô đưa trẻ tới các điểm tiêm phòng thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, người dân lo trẻ bị bỏ lỡ mũi tiêm chủng mở rộng trong đợt dịch bùng phát vừa qua, do thời gian cao điểm dịch, hoạt động này có phần nào gián đoạn. Riêng mũi Lao và Viêm gan siêu vi B đối với trẻ sơ sinh vẫn được triển khai. Hiện, tình hình kiểm soát dịch COVID-19 cơ bản đã ổn định, người dân có thể yên tâm đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng trở lại. Khi đưa trẻ đi tiêm cần thực hiện nghiêm quy định 5K, nắm bắt thông tin từ địa phương.

Đại diện Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, đường dây nóng của Bộ Tư lệnh đã tiếp nhận 516 cuộc gọi với 843 người đăng ký về quê trên 50 tỉnh thành. Bộ Tư lệnh TP sẽ phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, Công an TP Hồ Chí Minh, Sở GT-VT tổ chức đưa bà con về quê.

Dự kiến, từ ngày 15/10 sẽ bắt đầu hỗ trợ cho người dân có nhu cầu. Nếu bà con có khó khăn gì, có thể báo ngay khi đăng ký ở đường dây nóng để được hỗ trợ. Đồng thời, cần tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch.

Huyền Nga
.
.
.