15% dân số đang bị rối loạn tâm thần?

Thứ Tư, 28/10/2015, 18:46
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc đau lòng do người bệnh tâm thần gây ra, khiến dư luận không còn có thể thờ ơ trước vấn đề sức khỏe tâm thần (SKTT) được nữa...


Chỉ trong vòng vài tháng qua, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ người tâm thần gây án mạng. Vụ  bà Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, ngụ Bến Tre) bệnh tâm thần từ lâu, đã vào bệnh viện đâm cháu bé mới 11 ngày tuổi bằng dao bầu vào sáng 8/8/2015 làm rúng động dư luận cả nước.

Ít ngày sau, lại thêm một vụ án mạng ở Bắc Giang khiến 2 người tử vong, cũng do người bị bệnh tâm thần gây ra. Hai nạn nhân thiệt mạng oan là ông Nguyễn Văn Thái và bà Vũ Thị Lương, còn thủ phạm là Nguyễn Văn Hùng, em ruột ông Thái-người bệnh tâm thần vừa ra viện được hơn 1 tháng.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước trao đổi để xây dựng Chiến lượcquốc gia về sức khỏe tâm thần

Vụ việc thương tâm còn chưa nguôi ngoai thì lại đến Vũ Văn Đản, người bị tâm thần, truy sát vợ con, người thân, hàng xóm láng giềng vào trưa 23/8/2015 tại Gia Lai. Ngay sau đó, ngày 1/9/2015, dư luận thêm một lần bàng hoàng khi Nguyễn Văn Doanh cũng là một người bệnh tâm thần bất ngờ đâm chết cô giáo Bùi Thị Thêm (Hải Phòng) khi cô đang trên đường đi dạy học.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Số người bị rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng, cho nên nếu không phát hiện, giám sát và điều trị đúng thì hậu quả sẽ khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Phát hiện, quản lý và điều trị sớm sẽ ngăn chặn được những vụ án mạng, thậm chí là giết người hàng loạt, như đã xảy ra. Chiến lược quốc gia về SKTT rất quan trọng, để mang lại lợi ích cho chính người bệnh và xã hội.

Nhiều người đã trở thành nạn nhân của khi bị người tâm thần tấn công.

TS. Lại Đức Trường (Văn phòng WHO Việt Nam) cho biết, tỉ lệ người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam hiện khoảng 13,5 triệu (chiếm 15% dân số) là gánh nặng rất lớn của xã hội, trong khi khoảng trống điều trị lên tới 70-80%. Số bác sĩ chuyên khoa tâm thần chủ yếu ở Trung ương và các thành phố lớn.

Hầu như việc điều trị bệnh nhân tâm thần chưa lồng ghép vào hệ thống chung và tuyến huyện dường như không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) tâm thần; việc điều trị bằng thuốc, tâm lý trị liệu rất hạn chế. Không có dịch vụ cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ, trẻ em, thiên tai, người sau thảm họa, tù nhân trong khi họ rất cần được chăm sóc tâm lý để tránh bị rối loạn. Đây là những thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang gia tăng các vấn đề về SKTT…

Theo các chuyên gia quốc tế, người bị rối loạn tâm thần có xu hướng bị loại bỏ khỏi xã hội, bị miệt thị, vì thế họ cần được hỗ trợ xã hội cả về nhà cửa, việc làm và học tập. Để làm được việc này, Bộ LĐ-TB&XH cần chủ trì trong xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp, cung cấp các dịch vụ về SKTT như chẩn đoán, điều trị, quản lý, phục hồi chức năng, hỗ trợ xã hội v.v...

Đối tượng Vũ Văn Đản - người mắc bệnh tâm thần gây vụ thảm án kinh hoàng ở Gia Lai.

Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường có lợi cho SKTT và sức khỏe chung với việc nâng cao nhận thức, xóa bỏ miệt thị về người bị rối loạn tâm thần. Việc lồng ghép trong các chương trình sức khỏe liên quan sẽ giúp phát hiện sớm người bị SKTT cùng với phòng ngừa bạo lực, giảm stress, kiểm soát rượu và chất gây nghiện.

Nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược, TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đề xuất: Cần khẩn thiết lồng ghép dịch vụ SKTT tại cộng đồng với các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính khác. Tại cộng đồng, vai trò của chính quyền địa phương và ban, ngành đoàn thể là cực kỳ quan trọng và gia đình lại có vai trò rất đặc biệt trong chăm sóc bênh nhân rối loạn SKTT. Cung cấp nguồn tài chính bền vững là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Nhằm ngăn chặn đau thương, tang tóc dưới những mái nhà, để những đứa trẻ không còn bơ vơ và những gia đình không còn chia ly vĩnh viễn vì bệnh tật của người khác,là lý do để ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về SKTT giai đoạn 2016-202, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành SKTT, như GS. Hary Minas (Đại học Melbourne, Australia), TS. Lokky Wai, TS. Lại Đức Trường  (WHO) và Việt Nam.

Thanh Hằng
.
.
.