14 năm nay không ai giám sát an toàn điện
>> Cả trăm buồng ATM bị rò rỉ điện
Ông Phạm Văn Minh - Trưởng phòng An toàn điện (Điện lực Hà Nội) cho biết: "Cho đến hết ngày 8/4, Điện lực Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng (NH) kiểm tra được 1.128 cột ATM, phát hiện 152 cột có hiện tượng rò điện. Mức rò nhẹ nhất từ 20V đến cao nhất là 108V. Riêng địa bàn quận Hoàn Kiếm có 76 máy không đảm bảo". Cột ATM của các ngân hàng lớn, có uy tín; ngân hàng nước ngoài như: BIDV, Vietcombank, ANZ… cũng không an toàn đã cho thấy sự chủ quan của các NH trong việc giám sát an toàn điện. Tất cả những cột này đã được Điện lực Hà Nội đề nghị các NH tạm ngưng cung cấp dịch vụ để xử lý, trong đó 71 cột có nguy cơ cao đã bị cắt điện.
Theo kết quả kiểm tra của Điện lực Hà Nội, những nguyên nhân dẫn đến sự rò điện là do cột ATM quá cũ, không đảm bảo an toàn; do không có nối đất an toàn hoặc nối đất an toàn không đúng cách. Các chấu cắm cung cấp điện cho thiết bị rút tiền (3 chấu), phần lớn bị bỏ chấu tiếp đất, các mối nối điện còn sơ sài không đảm bảo.
Các NH đã quá chủ quan về an toàn điện, đến nỗi phích cắm của ATM thường có 3 chấu, trong đó có 1 chấu đóng vai trò như cọc tiếp đất để triệt tiêu dòng điện, nhưng đơn vị lắp đặt thường… cắt bỏ chấu thứ 3 với lý do: Không có ổ cắm 3 chấu. Việc phải đóng cọc tiếp đất để thay cho chấu bị cắt thì cũng nơi làm nơi không, vì chỗ thuê địa điểm không cho đóng cọc… Thêm nữa, hiện một vấn đề lớn đang đặt ra là: Không có một cơ quan quản lý Nhà nước nào giám sát an toàn đối với những thiết bị tuy là sở hữu của cá nhân/tổ chức nhưng được sử dụng tại nơi công cộng… Những thiệt hại về tinh thần và lòng tin của khách hàng đối với dịch vụ ATM qua sự việc này là không hề nhỏ. Bên NH cho rằng Điện lực không thể bỏ qua trách nhiệm của mình, còn Điện lực lại cho rằng đấy là việc của NH.
Theo giải thích của ông Minh, trước năm 1996, việc quản lý an toàn về điện thuộc trách nhiệm của Sở Công nghiệp; nhưng sau đó Sở Điện lực chuyển sang mô hình doanh nghiệp, chỉ còn chức năng cung cấp chứ không còn chức năng giám sát Nhà nước. Như vậy là từ 14 năm nay, việc quản lý an toàn điện của các phương tiện công cộng chẳng thuộc trách nhiệm của ai.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà (Giám đốc Công ty Luật Hồng Hà) cho rằng: "Có 3 chủ thể có thể phải chịu trách nhiệm về việc hàng loạt các máy ATM bị rò điện, đó là ngân hàng chủ sở hữu các máy ATM, công ty điện lực cung cấp điện cho máy ATM và đơn vị cung cấp hoặc nhà sản xuất máy ATM - trong trường hợp máy ATM còn thời hạn bảo hành (hoặc đơn vị thi công lắp đặt máy ATM, đèn quảng cáo, nguồn điện cho phòng máy ATM). Tuy nhiên, để xác định cụ thể trách nhiệm thuộc về những chủ thể nào thì phải dựa vào các kết quả điều tra cụ thể. Và dù kết quả điều tra thế nào thì các NH chủ sở hữu hệ thống máy ATM cũng vẫn là chủ thể chính chịu trách nhiệm về sự cố này".
Sự việc đã xảy ra, điều cần nói hiện nay là việc giám sát an toàn những phương tiện công cộng cần phải được chấn chỉnh. Luật sư Nông Thị Hồng Hà cũng cho rằng: Quả thật là cho đến nay, trách nhiệm bảo đảm an toàn cho hệ thống cũng như cho người sử dụng máy ATM vẫn được coi là "việc riêng" của mỗi NH, chưa có một cơ quan nào đứng ra quản lý, giám sát về an toàn của hệ thống ATM nói riêng cũng như của các thiết bị khác lắp đặt tại các nơi công cộng nói chung. Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, giao cho một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, giám sát về an toàn của các thiết bị này