Quảng Bình:

Lớp học đặc biệt trong thung lũng bản Đòng

Thứ Tư, 19/11/2014, 21:40
Phải vượt qua chặng đường đầy đá núi lởm chởm len lỏi giữa rừng Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hùng vĩ mới đến được bản Đòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Khó khăn là vậy, song để đánh thức con chữ cho đồng bào ở bản Đòng, hàng ngày có 2 thầy giáo trẻ vẫn miệt mài với công việc trồng người.

Cách đây độ mươi năm cả bàn Đòng chẳng ai biết chữ, nhiều lần lên xã họp thấy những người xung quanh cầm tờ báo, cầm tờ giấy để đọc, trưởng bản Đòng thấy lạ và thích thú lắm. Nhiều đêm trưởng bản không ngủ chỉ ao ước đọc được chữ, rồi bày cái chữ cho dân bản. Nhưng giữa núi rừng heo hút bên dãy Trường Sơn của bản Đòng, người dưới xuôi lên chẳng ai ở lại được quá vài hôm thì nói gì đến việc dạy chữ. Nghĩ vậy, trưởng bản buồn lắm.

Năm 2004, cả bản Đòng uống rượu ăn mừng suốt đêm không ngủ vì có thầy giáo già ở dưới xuôi lên hứa ở lại dạy chữ cho bản. Thầy giáo già giới thiệu với dân bản mình tên Vinh, ở Nghệ An vào đây giúp dân bản biết cái chữ. Thầy chỉ giới thiệu ngắn gọn vậy thôi, nhưng dân bản Đòng biết cái bụng của thầy quý hóa lắm. Lớp học của thầy Vinh có đêm có gần cả trăm bà con dân bản, nhưng có lúc chỉ có vài người. Lớp học của thầy Vinh cũng di động theo việc làm của bà con dân bản, khi thầy dạy bên bờ suối, khi thầy dạy bên sườn đồi…Cứ vậy, gần 2 năm trời miệt mài thầy giáo Vinh đã dạy cho cả bản biết đọc, biết viết. Khi đám trẻ trong bản đã biết cầm cái bút, người dân bản đã biết đọc tờ giấy thì thầy giáo Vinh chia tay dân bản. Không ai biết thầy đi đâu, làm gì, dân bản chỉ biết ôm nhau khóc khi tiễn chân thầy khuất sau rặng núi. Thầy Vinh rời bản, ít năm sau đám trẻ trong bản lớn lên lại có nguy cơ mù chữ.

Lớp học đặc biệt ở bản Đòng, xã Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Năm 2007, lãnh đạo huyện Bố Trạch, Quảng Bình sau hơn 1 ngày quăng quật với đường núi đến với bản Đòng. Nhìn những đứa trẻ tồng ngồng trước hiên nhà, huyện quyết định mở lớp học tại bản Đòng. Quyết định là vậy, song cũng phải mất 3 năm sau đến năm 2010, lớp học đầu tiên ở bản Đòng mới được mở với 4 học sinh lớp 1, và buổi khai giảng lớp học đầu tiên này được tổ chức ở…hiên nhà anh Nguyễn Văn Chiều, một người con của bản. Sau hai năm đánh vật với con chữ ở hiên nhà anh Chiều, dân bản đã góp công, góp sức làm một lớp học lợp lá cọ, thưng phên tre, cây rừng cho các em có lớp.

Để dạy các em cái chữ, 2 thầy giáo Hoàng Văn Sáu và thầy Trần Văn Linh của Trường Dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Tân Trạch được phân công lên đây cắm bản. Hàng ngày, ngoài việc dạy chữ cho các em, các thầy lại xắn quần, lội suối cùng dân bản xuống suối bắt cá, lên rừng đào măng để phục vụ sinh hoạt. Nhìn chiếc giường ngủ được kê ngay trong góc lớp học của các thầy, chúng tôi hiểu các thầy đã chấp nhận bao khó khăn với việc dạy chữ nơi đây. Hiện nay lớp học ở bản Đòng có 7 học sinh, trong đó lớp 1 một em, em học lớp 3 và lớp 5 có bốn em. Để dạy được tất cả các em, thầy Sáu và thầy Linh thay nhau lên lớp ngay trong cùng lớp học. Và tấm bảng đen được chia làm 3 phần để học sinh 3 lớp học chương trình khác nhau.

Giữa mù mịt thung lũng núi rừng, không điện thắp sáng, không sóng điện, thoại, không trạm y tế, không nước sạch…hàng ngày hai thầy chỉ biết lấy niềm vui khi mỗi trò của mình biết thêm được một chữ, làm thêm được một phép tính. “Sang năm 4 em học lớp 5 sẽ được về xuôi học nội trú trường cấp 2, rồi các em học cấp ba, biết đâu vào đại học…” nghe thầy Sáu nói về các học trò của mình trong sự vui mừng hi vọng, thiết nghĩ chỉ có tận tâm với nghề các thầy mới vượt qua được những khó khăn thường nhật hôm nay. Đã mấy năm thầy Sáu, thầy Linh gắn bó với các em học sinh bản Đòng từ bữa ăn, giấc ngủ. Những ngày đầu thầy dạy trò tiếng Việt, trò dạy thầy tiếng dân tộc. Giờ đây, cả thầy và trò đều biết tiếng nói của nhau và quý hơn là hiểu cái bụng nhau đang nghĩ gì, làm gì

Dương Sông Lam
.
.
.