Mục tiêu đón 300 ngàn du khách Nga:

Không chỉ đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ

Thứ Hai, 07/07/2014, 10:27
Đối với ngành Du lịch Việt Nam, thị trường khách Nga luôn được xác định là thị trường trọng điểm và được ưu tiên phát triển.
Theo đó, ngành Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại các thành phố lớn của Nga với kỳ vọng đến năm 2015, Việt Nam sẽ đón 350.000 lượt du khách Nga. Tuy nhiên, để đón một lượng lớn du khách Nga thì ngành Du lịch cũng cần phải có chiến lược trong việc phát triển dịch vụ, hạ tầng, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên một cách bền vững.

Hướng dẫn viên (HDV) tiếng Nga, theo thống kê của Tổng cục Du lịch thì số lượng thẻ được cấp còn khá khiêm tốn. Cả nước hiện có khoảng 430 người đã được cấp thẻ, hoạt động chủ yếu tại Thủ đô Hà Nội (122 người), TP Hồ Chí Minh (112 người), Khánh Hòa (76 người), Đà Nẵng (42 người), Bình Thuận (17 người). Như vậy, so với số lượng trên 298 nghìn lượt du khách thì con số 430 HDV tiếng Nga quả là khiêm tốn. Hiện tại, như Khánh Hòa năm 2013 đã đón 150.000 lượt khách, dự kiến năm 2014, sẽ thu hút 180.000 lượt khách, nhưng lại chỉ có 76 HDV du lịch tiếng Nga được cấp thẻ. Hay như tỉnh Bình Thuận - nơi có bãi biển Mũi Né vô cùng hấp dẫn đối với du khách Nga - cũng chỉ có 17 HDV tiếng Nga.Trong khi đó, dự kiến vào năm 2015 Việt Nam đón khoảng 350.000 lượt khách Nga thì nguồn lực HDV sẽ thiếu trầm trọng.

Trên thực tế, việc thiếu HDV tiếng Nga dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị lữ hành sử dụng HDV "chui" để hành nghề, tức là chỉ cần tuyển người biết tiếng Nga, sau đó đào tạo thêm về nghiệp vụ, kỹ năng hướng dẫn... Họ có thể là những người đã từng đi lao động xuất khẩu hoặc học tập ở Nga, có khả năng giao tiếp với người Nga nhưng lại không được cấp thẻ hành nghề HDV du lịch.

Các hành vi trên vi phạm Luật Du lịch Việt Nam, nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nổi của vấn đề, đó là đáp ứng được ngoại ngữ mà không đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề… dẫn đến chất lượng HDV thấp. Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực còn làm gia tăng việc các công ty du lịch Nga sử dụng trực tiếp HDV người Nga để dẫn đoàn mà không cần đến HDV Việt Nam. Điều này dẫn đến Du lịch Việt Nam thiệt đơn thiệt kép: Vừa thiệt hại về kinh tế, vừa không kiểm soát được chất lượng dịch vụ du lịch cũng như tính chính xác của thông tin về điểm đến, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của du lịch.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đề xuất, để giải quyết vấn đề thiếu HDV tiếng Nga, trước mắt cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và HDV du lịch; xử phạt nghiêm minh những đơn vị, cá nhân vi phạm quy định của Luật Du lịch, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế. Về lâu dài, các địa phương, đặc biệt là những nơi đang có nguồn khách Nga dồi dào cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cũng như định hướng đào tạo tiếng Nga cho HDV trên địa bàn để đón dòng khách này trong thời gian tới

Trân Trân
.
.
.