Cảnh báo tình trạng đuối nước ở khu vực khai thác đá

Thứ Năm, 08/05/2014, 16:34
Hồ Tà Pạ (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) toạ lạc ở triền đồi, đối diện với núi Tô (Phụng Hoàng Sơn) có vị trí rất đẹp.

Trước đây, là hố khai thác đá nhưng từ 10 năm nay sau khi có lệnh tạm ngừng khai, nơi đây trở thành điểm vui chơi tự phát của nhiều người dân. Vào các dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần, rất đông khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh, nhất là các thanh thiếu niên, học sinh đến vui chơi, chụp ảnh.

Do quá trình khai thác đá vào năm 2002, nên giữa đồi núi tạo ra một hồ nước có độ sâu khoảng 15m và rộng gần 2.000m, quanh năm nước xanh trong rất đẹp.  Tuy nhiên, tại đây cũng đã có không ít vụ đuối nước xảy ra. Điển hình là vụ đuối nuớc ngày 1/5 vừa qua, đã làm 2 em Trương Lê Hoàng My (13 tuổi) và Trương Hạnh Duyên (12 tuổi, cùng ngụ ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chết thảm khi cùng gia đình đến tham quan phong cảnh.

Thợ lặn tìm kiếm thi thể 2m cháu bé bị đuối nước tử vong.

Đại úy Nguyễn Thế Phong, Đội trưởng Đội hình sự (Công an huyện Tri Tôn) cho biết: “Khi gia đình tìm không được 2 em nên mới báo với chính quyền địa phương. Lúc đó, chúng tôi liền cho thợ lặn xuống hồ để tìm vớt các em. Đến khoảng nửa giờ sau, chúng tôi đã tìm thi thể của 2 em và xác định là đã tử vong”.

Đây là một trong nhiều vụ chết đuối thương tâm xảy ra tại khu vực này nhưng chính quyền và người dân, nhất là các bậc phụ huynh vẫn còn khá lơ là, chủ quan trong việc quản lý trẻ em khi đến tham quan. Mặc dù, đã có biển cảnh báo hồ nước sâu, nguy hiểm nhưng khi 8 em nhỏ xin đi tắm hồ, gia đình vẫn đồng ý. Do chủ quan, tất cả các em đều biết bơi nên không ai quan tâm, giám sát. Chỉ đến khi nghe tiếng tri hô thì gia đình mới tá hỏa chạy đi ứng cứu, nhưng chỉ kịp thời cứu sống được 6 em, còn 2 em xấu số thì phải nhờ đến lực lượng chức năng.

Đây là, bài học để cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh trong việc quản lý con em của mình khi đến những khu vực sông, suối, ao, hồ, chỉ vì phút lơ là mà có thể sẽ tiếc nuối cả đời. Và trách nhiệm cũng được đặt ra với chính quyền nơi đây, khi vẫn còn chủ quan trong việc quản lý những khu vực nguy hiểm như thế này. Anh Huỳnh Thanh Nhàn, người dân địa phương cho biết: “Hồ này thì sâu lắm, biển báo nguy hiểm thì lại để khuất tầm nhìn nên nguời dân không thấy, xuống tắm, dẫn đến vụ việc đau lòng như thế này. Đây không phải là lần đầu tiên, mà những năm truớc đã từng xảy ra nhiều vụ như thế này”.

Có biển cảnh báo nguy hiểm, có cả cha mẹ, gia đình đi cùng và các em đều biết bơi nhưng hậu quả đáng tiếc vẫn xảy ra. Điều này cho thấy, dù các em biết bơi vẫn không thể xử trí khi gặp phải các sự cố như gặp nước chảy xiếc, đuối sức, chuột rút… Còn gia đình thì vẫn còn khá chủ quan trong việc trông giữ con em và về phía chính quyền địa phương thì cần có trách nhiệm quản lý những khu vực ao, hồ sâu nguy hiểm, nghiêm cấm trẻ nhỏ đến gần.

Ngoài ra, phải xử lý nghiêm các đơn vị thi công trên địa bàn nếu bỏ dở công trình gây chết người. Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, cần lắm sự chung tay góp sức của toàn xã hội, nhất là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng ngừa, quan tâm, quản lý đến con em mình, đừng để tai nạn xảy đến thì hối hận cũng đã muộn màng

Quỳnh Mai – Trọng Phúc
.
.
.