Bờ biển Cửa Đại bị sóng biển xâm thực nghiêm trọng

Thứ Ba, 14/10/2014, 09:45
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã tốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm để đầu tư xây dựng bờ kè ven biển Cửa Đại chống biển xâm thực, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả cao…

Ông Nguyễn Xuân, đại diện khách sạn (KS) Hội An Beach, cho biết: Sau một trận sóng xảy ra vào ngày 6/10, đã có 1,5km của 7,6km bờ biển khu vực Cửa Đại bị sóng biển "nuốt chửng" sạt lở nghiêm trọng, hư hại nhiều hạng mục đã thi công gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Trong đó, KS Hội An Beach và công viên các KS bên cạnh như: Victoria, Golden Sand… bị sóng biển đánh tan tành, cuốn trôi rào chắn sóng, khu vực kè mềm bị phá hỏng hoàn toàn. Kể cả phần móng trụ cũng bị đổ xuống biển, kéo theo sạt lở bãi dừa.

Việc sóng biển xâm thực làm mất bờ biển là một tổn thất lớn cho các khách sạn. "Hiện tại chúng tôi phải dùng những bao cát và đá vào kè ở những đoạn có nguy cơ bị xói lở, bảo vệ những vùng chưa chịu tác động bão lũ, nhưng chắc cũng khó bảo vệ nổi…", ông Xuân lo lắng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch TP Hội An: Thời gian qua, chính quyền địa phương và nhiều khách sạn đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để kè bờ biển Cửa Đại, nhưng vẫn không hiệu quả. Do đó, có không ít dự án phải bỏ hoang, hoặc ngừng thi công… Việc sử dụng kè mềm để ngăn sóng biển xâm thực chỉ là giải pháp tình thế để hạn chế bờ biển sạt lở thêm làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các KS…

"Chỉ trong vòng 7 năm, bờ biển Cửa Đại đã mất 150m đất do biển lấn sâu vào đất liền. Từ năm 2012 đến 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng để kè từ 200-300m; nhưng chỉ là chắp vá, được chỗ này, mất chỗ kia, do nhiều điểm sạt lở rộng ra hơn. Hiện, đoạn kè dài 750m, với tổng số vốn là 37 tỷ đang được đầu tư. Tuy nhiên việc đầu tư kè cứng hay kè mềm phải tùy thuộc vào địa hình. Tại một số vùng cát sạt lở, việc đầu tư kè mềm mang lại hiệu quả cao hơn…", ông Dũng cho biết thêm.

Trao đổi với ông Lê Đình Dương, Trưởng Ban chỉ huy đơn vị bảo vệ biển Cửa Đại, TP Hội An, cho hay: "Trước mắt ứng phó với mưa bão, đơn vị thi công thực hiện kè khẩn cấp 300m, dùng bao cát, đá kè các vị trí nguy cơ sạt lở, với mỗi 1m3 cát/bao, theo đó, cứ 3 ngày phải hoàn thành thực hiện 10m kè. Gần 1 tháng qua, đơn vị đã huy động 60 công nhân làm ngày đêm. Hơn 300 bao địa kỹ thuật được nhập từ Hà Lan và đóng cọc cừ lá sen làm bờ xây ngăn sóng với chiều dài 8m, đóng sâu xuống 4m, đóng tạm thời 50m trước. Đồng thời, hoàn thành kéo dây neo giữ 100 cây dừa, bao vây bãi biển bằng lưới, nhằm tránh cát bay"

A. Khang - T. Huyền
.
.
.