Lớp học tình thương của người cựu chiến binh

Thứ Ba, 23/05/2017, 09:31
Lo lắng bọn trẻ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thời đứng ra xin mở lớp học tình thương để dạy cho các em con chữ, phép tính, dạy điều hay lẽ phải, giáo dục các em tránh xa các tệ nạn xã hội. 

Tham gia kháng chiến từ năm 13 tuổi, ông Nguyễn Hữu Thời (69 tuổi, khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) trở về quê hương sau ngày giải phóng, với xếp hạng thương binh 3/4. 

Vậy mà, hằng ngày, ông vẫn đi vận động người dân gom nhặt từng cây tre, tấm tôn để dựng lớp học tình thương dành cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ trong khu vực.

Cách đây hơn 20 năm, xóm ghe cào thuộc khóm Nguyễn Du của phường Mỹ Bình được biết đến là một địa bàn phức tạp về ANTT. Đặc biệt, trẻ em ở khu vực này thường không được đến trường, vì cha mẹ nghèo khó, gia đình ly tán, con cái phải sống với ông bà, không có giấy khai sinh… Chúng thường tụ tập đánh nhau, trộm cắp vặt. 

Ông Thời và lớp học tình thương của mình.

Lo lắng bọn trẻ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn dẫn đến vi phạm pháp luật, ông Thời đứng ra xin mở lớp học tình thương để dạy cho các em con chữ, phép tính, dạy điều hay lẽ phải, giáo dục các em tránh xa các tệ nạn xã hội. Sau khi dựng được lớp học, ông Thời loay hoay mãi mới vận động “thầy cô” đứng lớp để giảng dạy cho các em.

Thời gian đầu, lớp học chỉ được vài học sinh và giáo viên là những người lớn tuổi có kiến thức, uy tín ở địa phương, nhưng dần về sau, trải qua nhiều lần đổi mới sách giáo khoa, cách dạy cũ không còn phù hợp nữa. Nhận thấy điều đó, ông Thời lại tìm đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để vận động các bạn sinh viên tình nguyện đến lớp học tình thương, dạy không lương cho các em.

Là người thường xuyên tham gia dạy chữ cho các em, bạn Cao Thị Chúc Ly (sinh viên Trường ĐH An Giang), cho biết: “Tuy lớp học đơn sơ, nhưng nhìn thấy các em cẩn thận viết từng con chữ, phép tính lòng tôi như thắt lại. Thấy cuộc đời mình quá may mắn khi được đến trường, còn các em thì thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Con đường tìm đến con chữ sao quá khó với các em, chỉ mong sao lớn lên các em trở thành một con người có ích cho xã hội, tránh xa các tệ nạn xã hội”.

Không dừng lại ở lớp học tình thương, ông Thời còn dùng tiền lương hưu của mình để hình thành CLB Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo. Ban đầu, CLB có 11 ông bà và 4 cháu. Sau 2 năm, số lượng đã tăng 40 cháu. 

Em Võ Thành Đạt (10 tuổi), xúc động cho biết: “Em không được đến trường từ nhỏ. Sau này gặp ông Ba (ông Thời – PV), em mới được đến lớp và giờ có thể tự viết được tên của mình, em vui lắm. Ngoài ra, ông Ba và các cô giáo còn dạy chúng em điều hay lẽ phải, biết kính trọng người lớn, biết hòa đồng với bạn bè, không đánh nhau, trộm cắp”.

Hơn 20 năm, lớp học tình thương đang bị xuống cấp nghiêm trọng, những lúc trời mưa mái tôn bị dột, khiến cả lớp phải gom lại một góc phòng, khi trời nắng thì căn phòng nóng như lửa đốt. Ông Thời chỉ mong sao có được lớp học đàng hoàng cho những học trò của mình.

Bà Trần Thị Diễm Trang – Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình cho biết: “Từ khi lớp học tình thương được hình thành, đã góp phần vào việc xóa mù chữ ở địa phương. Đa phần các em trong lớp học tình thương là con em của lao động nghèo ngoài tỉnh, tìm đến địa phương để mưu sinh, nhiều hộ không hộ khẩu, không số nhà, không giấy đăng kí kết hôn… nên chính quyền gặp khó trong công tác làm giấy khai sinh cho các em. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các em được đến trường đúng tuổi, lãnh đạo địa phương cũng đã phân công cán bộ xác minh, nắm tình hình tạo điều kiện cho các em có đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định…”.

Trần Lĩnh
.
.
.