Báo CAND và Agribank trao 300 triệu đồng cho người dân vùng lũ Lai Châu

Thứ Tư, 27/06/2018, 20:14
Trở lại Lai Châu sau ngày xảy trận đại hồng thủy, hiện lên dưới cơn mưa nặng hạt là khung cảnh tang thương với nỗi đau tột cùng cho người ở lại. Số người chết, người bị thương, những ngôi nhà trôi theo dòng lũ tăng lên từng ngày, sự đau thương vì thế cũng nhân lên gấp bội


Đêm 26-6, một ngôi làng ở huyện Sìn Hồ tiếp tục bị xóa sổ, rất may hơn 300 người đã được tỉnh Lai Châu vận động di dời đến địa điểm an toàn trong buổi chiều cùng ngày nên tránh được thương vong lớn. 

Chia sẻ mất mát và đau thương với người dân vùng lũ Lai Châu, Báo CAND và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trao 300 triệu đồng cho thân nhân có người chết, bị thương, bị trôi mất nhà...

Đại diện Báo CAND và Ngân hàng Agribank Việt Nam thăm hỏi chị Vũ Thị Mai Phương

Dọc theo đường đi vào huyện Tam Đường là khung cảnh tan hoang, những gương mặt thất thần đứng bên dòng suối, nỗi hoảng sợ vẫn còn đọng lại trong ánh mắt của họ khi nhớ tới cơn lũ bất ngờ ập đến trong đêm. Lòng suối bị hàng nghìn tấn đất đá vùi kín. Có tảng đá nặng cả tấn nằm giữa đường, lực lượng cứu hộ phải dùng máy khoan công phá cả nửa ngày giao thông mới thông suốt.

Nhìn lòng suối cuồn cuộn, đá lớn đá nhỏ lởm chởm, nước mắt của chị Vũ Thị Mai Phương (ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) hòa lẫn với nước mưa, chị đau đớn nói: “Tôi ra đây để xem có thể tìm được anh ấy không”. Chồng chị Phương bị lũ cuốn mất tích đến nay đã 3 ngày nhưng chị vẫn hy vọng chồng mình còn sống. Chị bảo, chỉ hy vọng có một phép mầu, nếu không cũng phải tìm thấy xác. Mẹ con chị Phương sau khi thoát chết đã quay về nhà ở TP Lai Châu. Hàng ngày chị vẫn đến hiện trường, đi dọc dòng suối xem lực lượng cứu hộ có tìm thấy thi thể chồng hay không. Nhìn 30 bể cá tầm và cá hồi ước tính 10 tỷ đồng của gia đình bị san phẳng, chị lại trực trào nước mắt. Nỗi đau quá lớn khiến người phụ nữ thất thần không biết phải đối mặt với tương lai ra sao

Mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đã biến nhiều vùng của Lai Châu chìm trong biển nước và lâm vào cô lập hoàn toàn, thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Theo Thiếu tướng Lê Văn Bảy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu thì đến trưa 27-6 đã có 16 người chết, 9 người mất tích, 11 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính 500 tỷ đồng. Nặng nề nhất là có 96 ngôi nhà và 30 bản trôi hoàn toàn, các công trình thủy lợi, cột điện và đặc biệt giao thông bị thiệt hại lớn.

Những hình ảnh tan hoang sau lũ

Rất may chiều 26-6 tỉnh Lai Châu đã tổ chức vận động được 27 hộ với hơn 300 người dân ở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở thì ngay trong đêm đất đá gây lở núi đã xóa sổ cả bản, làm hư hỏng 24 ngôi nhà. Huyện Sìn Hồ còn 7 người mất tích, trong đó có 5 người ở 3 lán tại bản Nậm Há, xã Noong Hẻo bị lũ cuốn trôi, đến nay mới tìm được một thi thể. Hiện huyện này có 9 xã nằm trong nguy cơ sạt lở. Ngày 27-6, huyện tiếp tục di chuyển người dân ở bản Nậm Khăm ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Đến thời điểm này, giao thông cơ bản vẫn cô lập hoàn toàn, từ TP Lai Châu không đi đến được một số huyện, nhiều xã không có đường vào được. Tỉnh Lai Châu khẩn trương chỉ đạo tháo gỡ các trục tuyến huyết mạch quan trọng, tập trung thông đường về Hà Nội và Điện Biên. Công tác cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ đang được huy động ngày đêm.

Cảnh tan hoang sau cơn lũ.

Thiếu tướng Lê Văn Bảy cho biết, Công an tỉnh Lai Châu đã huy động hàng nghìn lượt CBCS thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ, giúp dân khắc phục mưa lũ, ổn định cuộc sống, đảm bảo ANTT. Ngoài ra đã huy động hàng trăm lượt xe, ô tô, xuồng máy, xuồng cao su để tham gia phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Công an tỉnh còn cấp 500 áo phao, phao cứu sinh; 90 danh mục thuốc các loại cho người dân vùng lũ. 

Mưa lũ đã làm nhà tạm giữ của Công an huyện Sìn Hồ và Đồn Công an Dào San (huyện Phong Thổ) bị sạt lở. Một số CBCS Công an bị thương khi làm nhiệm vụ, nhiều đồng chí có nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi, hư hỏng. Đau thương nhất là gia đình đồng chí công an viên Lỳ Xì Po, ở bản Là Si, xã Thu Lũm, huyện Mường Te bị thương, con trai anh đang ngủ bị nước cuốn trôi, đến nay chưa tìm thấy thi thể.

Mưa vẫn tiếp tục, nước từ thượng nguồn vẫn đổ về

Công tác cứu hộ, cứu nạn ở Lai Châu vẫn còn vô vàn khó khăn do đất đá tiếp tục sạt lở, mưa vẫn rơi và nhiều vùng vẫn còn cô lập không thể đưa máy móc, phương tiện và con người vào cứu hộ. 

Thiếu tướng Lê Văn Bảy cho biết, Công an tỉnh Lai Châu tiếp tục ứng trực 100% cùng với các lực lượng khác thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo ANTT.


Trần Hằng - Trần Xuân
.
.
.