Nghị lực của cô gái tật nguyền và ước nguyện kiếm đủ tiền sang cát cho mẹ

Thứ Ba, 17/11/2015, 08:22
Hai mẹ con bị tai nạn giao thông, mẹ mất lúc đó Lan mới 3 tuổi. Tỉnh dậy sau 8 ngày hôn mê, Lan không thể đi lại được nữa vì em bị liệt nửa người, lún một bên sọ. 

Gặp Nguyễn Thị Lan, ở thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tại tầng 3 của Trung tâm Thương mại Vincom trên đường Bà Triệu, Hà Nội, chúng tôi chựng lại vài giây bởi cô gái này có gương mặt sáng và đẹp, nếu không để ý kỹ thì sẽ không nhận ra một bên chân trái “tấp tểnh” và bàn tay với các ngón co quắp đang cố duỗi ra của Lan.

Lan bán hàng thuê ở đây, dù cơ thể có chút khiếm khuyết, nhưng với nụ cười duyên, Lan luôn được khách hàng yêu mến. Công việc phải đứng 8 tiếng/ngày khiến đôi chân vốn yếu ớt có lúc tưởng chừng ngã quỵ, nhưng vì mưu sinh, cô gái đã nỗ lực hết mình để trụ vững. “Em đang cố dành dụm đủ tiền để mấy hôm nữa về sang cát cho mẹ” – Lan khoe. “Công việc trọng đại thế mà chỉ mình em gánh vác thôi sao?” – tôi hỏi.

Khóe mắt cay cay, Lan buồn buồn kể: “Mẹ em mất hơn 10 năm rồi mà chưa sang cát được, nhiều lý do lắm. Nhà chỉ còn mình em, họ hàng cũng không thấy ai bảo giúp gì. Nhưng em đã tiết kiệm được 10 triệu rồi, giờ em chỉ chờ lấy 2 tháng lương nữa là đủ tiền lo cho mẹ”. Nghe cô gái nói số tiền 10 triệu là tiền tiết kiệm từ những phần thưởng và sự giúp đỡ của thầy giáo khi em còn học phổ thông, chúng tôi thực sự vui mừng.

Cách đây hơn 10 năm, vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, bố Lan chở mẹ con Lan trên xe máy đi chúc Tết thì bị TNGT khiến mẹ em tử vong tại chỗ, hai bố con bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Khi ấy, Lan mới là cô bé 3 tuổi. Tỉnh dậy sau 8 ngày hôn mê, Lan không thể đi lại được nữa vì em bị liệt nửa người, lún một bên sọ. Tuy bố bị thương rất nặng, nhưng ông vẫn cố gắng chống chọi để nuôi dạy 2 con gái (trên Lan có một chị gái).

Bố Lan chăm sóc con bằng tình yêu của cả cha lẫn mẹ, hễ lúc nào rỗi là ông lại xoa chân tay cho con, giúp con phục hồi chức năng. Khi Lan đòi đi học, ông cõng con đến trường, cho con ngồi học bằng xe lăn. Ông đi khắp nơi tìm mua thuốc về chữa bệnh cho con. Nhiều năm sau Lan đã đứng được và tập những bước đi đầu tiên. Chưa kịp mừng vui thì gia đình nhỏ ấy lại một lần nữa đột ngột đón tin dữ: bố Lan bị ung thư phổi và tủy.

Bàn tay trái bị co quắp, chân trái tập tễnh nhưng Lan vẫn đứng bán hàng cả ngày.

Bệnh tàn phá cơ thể nhanh chóng đến nỗi ông không còn sức để đưa con gái tới trường. Ông dạy cho con đi xe đạp để cô bé tự đi trên đôi chân của mình. Ngày đầu tiên đạp xe đến trường, Lan đã gặp tai nạn do tay và chân của cô vẫn chưa phục hồi. Nỗi đau đó dường như bóp nghẹt trái tim người cha. Lan cảm nhận được điều đó và cô không ngừng nỗ lực tập luyện. Để rồi khi cha mất, Lan đã vững vàng đạp được xe đến trường, để ông có thể tạm thời yên lòng nhắm mắt.

Lớp 9, Lan đã trở thành cô bé mồ côi. Cuộc sống của cô không còn chỗ dựa, chỉ còn người chị gái đang đi học trong Huế. Ngoài thời gian đến trường, cô trồng rau, nuôi gà để trang trải cuộc sống. Năm học vừa rồi, Lan không đậu đại học. Cô quyết tâm lên Hà Nội bán hàng thuê để ôn thi cho năm sau. Lan ao ước mình có được tấm thẻ bảo hiểm y tế dành cho người nghèo để khi đau ốm còn có chỗ dựa. Nhìn nụ cười lúc nào cũng luôn nở trên môi cô gái tật nguyền giàu nghị lực, chúng tôi tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến với em.

Trần Hằng
.
.
.