Nghị lực của cô bé bán vé số có khuôn mặt 'không dám nhìn'

Chủ Nhật, 15/03/2015, 10:33
Nhiều năm qua, khi qua, lại tỉnh lộ 8, ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nhiều người đã truyền tai nhau đầy vẻ “huyền bí” về một cô gái có khuôn mặt dị dạng ngồi bán vé số trước của nhà. Nhưng sau những lời đồn ấy, ít ai biết rằng cô gái đó là một người con siêng năng, hiếu thảo...

Cô gái đó là Đỗ Thùy Dương (26 tuổi), con gái ông Đỗ Tấn Phát. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phát cố nén đi nỗi đau khi kể về cô con gái đáng thương của mình.

Năm 1972, ông Phát nhập ngũ vào Đội quân y Quân Khu 9, phụ trách khâu giao nhận hàng Bắc - Nam, thuộc chiến trường Miền Đông, đóng chốt tại núi Bà Đen (Tây Ninh).

Ông Đỗ Tấn Phát cùng con gái Đỗ Thùy Dương.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Phát trở về huyện Mỹ Xuyên sinh sống cùng gia đình. Năm 1983, ông kết duyên với bà Ngô Thị Khiếm (ngụ xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng).

Đến năm 1988, cô con gái đầu lòng Đỗ Thùy Dương ra đời với khuôn mặt kháu khỉnh, dễ thương. Tuy nhiên, đến 3 tuổi, bên phải đầu của em không mọc tóc và bắt đầu phình to lên. Bấm bụng chạy đi vay mượn tiền, ông Phát chở con đi khám bệnh thì các bác sĩ cho biết Dương bị bệnh não úng thuỷ và bướu do di chứng chất độc da cam.

Nhìn con mỗi ngày, nỗi đau của vợ chồng ông Phát như tăng thêm bội lần vì trong nhà không có tiền để đưa con điều trị. Vì thế mà khuôn mặt Dương ngày càng hiện lên những khối u kỳ dị.

Lên 5 tuổi, khuôn mặt Dương bắt đầu biến dạng hoàn toàn. Khối u lớn từ trên đầu chảy dài xuống che khuất mắt bên trái, cùng các khối u khác ở gò má, miệng, tai lớn nhanh khiến khuôn mặt biến dạng hoàn toàn. Bây giờ, ông Phát lại phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để đưa con đi khám tại các bệnh viện, như: Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Chợ Rẫy và Ung bướu… Nhưng cứ đi đến đâu các bác sĩ đều lắc đầu vì bệnh của Dương đã nằm ngoài khả năng chữa trị.

Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Khiếm phải đi nơi khác làm thuê kiếm tiền chữa trị cho con. Mọi chuyện chăm lo con, cái do một tay ông Phát đảm trách. Hàng ngày, để có tiền thuốc men cho con gái, ông phải tất bật với nhiều công việc làm thuê làm mướn. Nỗi đau của con gái là quá lớn, dù khổ dù cực đến đâu ông cũng cam chịu.

Nhưng bù lại, gia đình ông rất vui vì lòng hiếu thảo của con mình. Dương rất ngoan, luôn quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ. Dù đã lớn, nhưng Dương chỉ bập bẹ đôi chữ như những đứa trẻ mới tập nói.

Mỗi khi cha đi làm về, trên người còn đầy mồ hôi, em vội chạy lấy khăn lau cho cha. Chứng kiến những giọt mồ hôi lăn trên mặt của cha và đôi lần thấy cha khóc, Dương thấu hiểu được cuộc sống khổ cực của gia đình. Có những lúc đang bị bệnh tật hành hạ, Dương giấu cha cố nén nỗi đau trong người để gượng dậy phụ giúp việc trong nhà.

Nhiều lần bị cha trách móc, Dương nói: “Nếu con nói ra chỉ sợ làm cha buồn và lo lắng nhiều hơn”.

Vì khối u quái ác trên khuôn mặt, mỗi khi ăn uống Dương rất khó nhọc, em phải dùng tay kéo miệng ra để đưa từng muỗng thức ăn vào bên trong. Mọi sinh hoạt từ chuyện ăn uống cho đến sinh hoạt cá nhân Dương tự mình làm hết.

26 tuổi, nhưng em nặng vẻn vẹn 30kg. Dù đang gánh chịu bệnh tật, nhưng Dương biết cách đi lấy vé số về bán trước nhà, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Lúc đầu, nhiều người qua, lại nhìn khuôn mặt của em sợ hãi không dám mua ủng hộ. Nhưng về sau, mọi người mới thấu hiểu được cuộc sống của em, của gia đình em nên chuyện buôn bán đã khá hơn.

Hiện, người em trai của Thùy Dương đã tiếp bước cha mình nhập ngũ vào Trung đoàn 20 đóng tại tỉnh Kiên Giang. Ở nhà chỉ còn hai cha con nương tựa nhau mà sống.

Bây giờ, đối với ông Phát, ước mơ lớn nhất là làm sao có tiền để tiếp tục chạy chữa căn bệnh quái ác đang ngày đêm hành hạ con gái mình.

Văn Đức – N.H.
.
.
.