Quốc gia NATO duy nhất vẫn yêu xe bọc thép Nga

Thứ Bảy, 21/10/2017, 21:31

Slovakia đã cho thấy sự quan tâm đến việc mua Tigr (Mãnh hổ), một loại xe bọc thép vượt mọi địa hình chiến đấu. Phát biểu với Thông tân Sputnik hôm 21-10, ông Sergey Suvorov, giám đốc truyền thông công ty Công nghiệp Quân sự Nga chỉ ra những đặc tính mà ông kết luận cuối cùng thúc đẩy Slovakia đi đến lựa chọn của nước này.


Ông Sergey Suvorov cho biết Slovakia dự kiến mua hàng loạt phiên bản Tigr nâng cấp, SBM-VPK233136, một loại xe cảnh sát được thiết kế để vận chuyển nhân viên an ninh và hàng tiếp viện trên đường quốc lộ và địa hình gồ ghề. 

Nó cũng được sử dụng như một loại xe cơ giới thực hiện hoạt động chống khủng bố, bảo vệ cán bộ an ninh tránh được đạn và mảnh nổ của vũ khí hạng nhẹ.

“Đây là một loại xe bọc thép không chỉ có vũ khí thông thường. Nó có thể chở 9 người, bao gồm tài xế, và tốc độ trung bình 125 km/giờ. Hệ thống phòng vệ GOST-5, tức lớp giáp của nó có thể chống đạn 7,62mm được bắn ra từ súng trường tấn công Kalashnikov”, ông Suvorov chia sẻ.

Xe bọc thép Tigr của Nga. Ảnh: Thông tấn Sputnik

Ông nhắc lại rằng Slovakia vẫn là quốc gia thành viên NATO duy nhất thích mua sắm Tigr hơn Xe đa năng cơ động cao (HMMWV) của Mỹ, loại xe cơ giới quân sự “hoạt động không hiệu quả” ở châu Âu và “chất lượng kém hơn” so với sản phẩm của Nga.

Ông lưu ý trong thời gian diễn ra triển lãm quốc phòng IDEX-2003 ở Abu Dhabi “HMMWV của Mỹ bị mắc kẹt trong khi Tigr vượt dốc với tốc độ cao”.

“Trong thời gian ngắn, đem so tất cả mọi khía cạnh giữa HMMWV với Tigr, mặc dù rất khó đưa ra kết luận chính xác về chúng, bởi vì HMMWV nhỏ hơn Tigr. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp HMMWV vẫn đứng sau Tigr xét theo độ tin cậy, khả năng vượt địa hình và an ninh”, ông Suvorov phân tích.

Ông chỉ ra rằng khi lựa chọn xe chuyên dụng thích hợp dành cho Bộ Nội vụ, khách hàng Slovakia sẽ được “hướng dẫn đầy đủ đặc tính và lợi thế của Tigr so với các sản phẩm khác trên thị trường”.

 “Và điều đó chỉ ra tằng, Tigr được Nga sản xuất an toàn, đáng tin cậy và rẻ hơn so với các loại xe bọc thép của Mỹ, Đức, Pháp và Thụy Sĩ”, ông Suvorov nhấn mạnh.

Ông Suvorov cho biết thêm các đối thủ cạnh tranh phương Tây đang cố gắng hết sức để phá vỡ hợp động giữa Nga và Slovakia nhằm mục đích bán thiết bị quân sự. “Họ đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau, bao gồm yếu tố chế tài trừng phạt Nga”, theo Suvorov.

Giám đốc truyền thông Công ty Công nghiệp Quốc phòng Nga hy vọng khó khăn liên quan đến đàm phán mua sắm thiết bị quân sự giữa Nga và Slovakia sẽ được giải quyết trước khi kết thúc năm 2018 và “các bên sẽ nhanh chóng chuyển sang hợp tác thường xuyên”.

Toại Khanh
.
.
.