Người dân Yemen phải ăn lá cây vì đói do chiến tranh

Chủ Nhật, 16/09/2018, 18:51

 Nhiều gia đình có con nhỏ bị suy dinh dưỡng cấp và chết dần vì đói ở một vùng quê bị cô lập thuộc miền Bắc Yemen không có gì để  ăn ngoại trừ lá cây luộc từ bãi trồng nho bị bỏ hoang, dấu hiệu cho thấy có sự sa sút trong nỗ lực cứu trợ quốc tế nhằm ngăn chặn nạn đói lan rộng trên khắp đất nước này.


Trong chuyến thăm cuối tuần này, phóng viên Thông tấn AP ghi nhận Trung tâm Y tế khu vực Aslam chật cứng trẻ suy dinh dưỡng nặng. Những trẻ sơ sinh gầy trơ xương, mắt lồi như mắt ếch, ngồi bên trong một bồn rửa bằng nhựa khi nhân viên y tế lần lượt cân.

Có ít nhất 20 trẻ đã chết vì đói trong năm nay chỉ tính riêng trong khu vực. Con số thực tế có thể cao hơn, vì chỉ có vài gia đình báo con chết tại nhà, các cán bộ y tế nói với AP. “Chúng ta đang ở thế kỷ 21, nhưng đây là những gì chiến tranh gây ra cho chúng tôi,” Giám đốc Trung tâm Y tế Aslam, Bác sĩ Mekkiya Mahdi cho biết.

Yemen đã trải qua hơn 3 năm nội chiến tàn phá khả năng đất nước vốn nghèo đói có thể tự nuôi sống bản thân. Cuộc chiến diễn ra giữa lực lượng chiến binh Hồi giáo Shiite thường gọi là Houthis chiếm đóng miền Bắc chống lại liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu được trang bị vũ khí và hậu thuẫn bởi Mỹ. Liên quân luôn tìm cách ném bom phiến quân ở hỗ trợ lực lượng chính phủ Yemen lưu vong.

Một bé gái Yemen bị suy dinh dưỡng đang được cân kiểm tra sức khỏe. Ảnh: AP

Có khoảng 2,9 phụ nữ và trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, 400.000 trẻ em khác đang phải vật lộn kiếm sống để không bị chết đói.

Có ít nhất 8,4 trong tổng số 29 triệu dân Yemen sẽ chết đói nếu họ không nhận được cứu trợ quốc tế, số lượng này tăng gấp ¼ so với năm ngoái, theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc. Con số này có khả năng tăng thêm 3,5 triệu vì đồng tiền mất giá sẽ khiến nhiều người dân không thể mua đủ thực phẩm, Liên hợp quốc cảnh báo.

Các quan chức cứu trợ nhân đạo cảnh báo khi phải đối mặt với cuộc chiến không hồi kết, thì sẽ ngày càng có nhiều người dân chết vì nạn đói.

Khi AP tiếp cận các cơ quan Liên hợp quốc để hỏi về tình hình ở Aslam, họ bày tỏ rõ sự báo động. Trả lời câu hỏi của AP, các nhóm cứu trợ nhân đạo khu vực và quốc tế đã thực hiện một cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lương thực không thể đến được với nhiều gia đình, một quan chức hoạt động nhân đạo cho biết.

Quan chức phát biểu trong điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm liên quan đến hoạt động ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Như một phản ứng tức thì, quan chức này cho biết các cơ quan cứu trợ sẽ phân phát hơn 10.000 bao lương thực đến khu vực, và Đại diện UNICEF, Tiến sĩ Meritxell Relano cho biết tổ chức sẽ tăng cường các đoàn công tác cơ động ở khu vực từ 3 lên đến 4 đoàn và đưa thực phẩm cứu đói đến cơ sở y tế.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Hajjah ghi nhận có đến 17.000 trường hợp suy dinh dưỡng nặng, cao hơn bất cứ năm nào, ông Walid al Shamshan, Trưởng phòng Dinh dưỡng Sở Y tế cho biết.

“Tình trạng ngày càng bi đát và đáng sợ. Thậm chí sau khi điều trị, nhiều trẻ tiếp tục bị suy dinh dưỡng nặng khi chúng trở về nhà trong những ngôi làng không có thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm,” ông al Shamshan đau xót nói.

Aslam là một trong những huyện nghèo nhất của Yemen, nằm ở trung tâm khu vực Houthi nắm giữ. Dân số địa phương có khoảng từ 75.000 đến 106.000 người bao gồm cư dân bản xứ và số lượng dân di cư ngày càng tăng vì chiến tranh đang nổ ra ác liệt ở nơi khác.

Có vẻ như có nhiều lý do vì sao hàng cứu trợ không đến được với nhiều gia đình đang chết dần vì đói. Tỷ lệ cứu trọ đang dần chuyển sang những người dân phải di tản, chiếm đến 20% dân số địa phương, Azma Ali, một cán bộ của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết.

Người dân Yemen ở huyện Aslam phải ăn lá cây để sống trong cuộc chiến không hồi kết. Ảnh: AP

Dưới áp lực nặng nề từ chính quyền Houthi, các cơ quan quốc tế như WFP, UNICEF và các đối tác Yemen phải sử dụng danh sách người nghèo được quan chức Houthi cung cấp.

Giới phê bình quốc tế tố cáo các quan chức có tư tưởng thiên vị. Đặc biệt điều đó chủ yếu chống lại người dân địa phương ở Aslam, nơi nhiều người thuộc tầng lớp Muhammasheen, tiếng Arab có nghĩa “bị gạt ra lề xã hội”, một cộng đồng người Yemen da sẫm bị coi thường bởi phần còn lại của xã hội chỉ chuyên làm công việc cực khổ như: thu gom rác, làm công thuê và ăn xin để kiếm sớm.

Một nhân viên điều phối hoạt động nhân đạo ở Hajjah cho biết quan chức Houthi phân phối viện trợ không công bằng và tố cáo họ ép người dân phải đút lót khoảng 3.500 đồng/bao lương thực để có được hàng cứu trợ. Người dân ở Aslam ngày càng phụ thuộc vào lá từ vườn nho “halas” ở địa phương.

Trong làng al Mashrada, một bé gái 7 tháng tuổi, Zahra khóc run lên cùng với 2 tay gầy trơ xương trước ngực khi mẹ cho ăn. Bé gái bị suy dinh dưỡng nặng, và người mẹ không thể mua sữa cho con.

“Zahra gần đây được điều trị tại trung tâm y tế nhưng tiếp tục suy giảm sức khỏe sau khi về nhà. Cha mẹ không thể thuê xe đưa bé trở lại cơ sở y tế. Nếu họ không thể làm, Zahra sẽ chết,” cán bộ cứu trợ nhân đạo Mahdi quan ngại.

Mẹ của bé Zahra đau buồn nói với AP, “chỉ có những người tai to, mặt lớn” được ưu tiên và tiếp cận nhanh chóng với hàng viện trợ nhân đạo quốc tế, cô có ý nhắc nhở tầng lớp Muhammasheen luôn bị phân biệt đối xử. “Chúng tôi chỉ có Chúa Trời thôi. Chúng tôi nghèo và chẳng có gì,” người mẹ trẻ nói trong nước mắt.

Trúc Phạm
.
.
.