Ford biến đậu nành thành ghế ngồi như thế nào?

Thứ Ba, 05/12/2017, 10:08
Có hàng chục triệu người sử dụng đậu nành hàng ngày, nhưng không phải ai cũng biết ngũ cốc này đang được tái sử dụng để làm ghế ngồi trong xe hơi.

Ghế ngồi trên nhiều dòng xe Ford đang được chế tạo từ đậu nành
Cách đây 10 năm, Ford đã lần đầu tiên sử dụng loại đệm mút chiết xuất từ hạt đậu nành trong chiếc xe Mustang đời 2008. Kể từ năm 2011, nguyên liệu này đã được Ford chính thức sử dụng cho việc sản xuất đệm ngồi, lưng ghế, tựa đầu cho các dòng xe tại khu vực Bắc Mỹ.

Sau khi cho ra đời hơn 18,5 triệu chiếc xe hơi và sử dụng khoảng 500 tỷ hạt đậu nành vào sản xuất, tính đến nay, Ford đã ngăn chặn được hơn 103 nghìn tấn carbon dioxide xâm nhập vào không khí. Theo báo cáo của Đại học North Carolina State (Hoa Kỳ), con số này tương đương với tỉ lệ tiêu thụ CO2 của bốn triệu cây xanh mỗi năm.

Tính đột phá trong việc sử dụng đệm đậu nành như một giải pháp thiên nhiên thay thế cho các sản phẩm làm tử hóa dầu đã truyền cảm hứng cho Ford sử dụng sản phẩm này vào năm 2007, mang lại những lợi ích bền vững cho các sản phẩm xe hơi mà không gây ảnh hưởng đến độ bền hay hiệu suất.

Ý tưởng này lần đầu tiên đến từ nhà sáng lập công ty, Henry Ford với mong muốn áp dụng nguyên liệu sinh học vào sản xuất từ những năm 1940 và luôn cố gắng hiện thực hoá tầm nhìn đó. Từ năm 2000, Ford đã tập trung nghiên cứu và thử nghiệm những biện pháp tái sử dụng từ thiên nhiên nhằm thay thế các nguyên liệu nhựa làm từ hóa dầu.

Vào những ngày đầu, việc áp dụng ý tưởng vào thị trường thật sự là một bài toán nan giải. Những chiếc đệm mút ở thời điểm đó có chất lượng rất thấp, và không hề đạt bất cứ tiêu chuẩn nghiêm ngặt nào về cho việc tạo ra ghế ngồi trong xe. Độ bền của các mẫu đệm ngồi thử nghiệm sơ khai đều không đạt chuẩn 15 năm của các sản phẩm đệm xe hơi, chưa kể mùi đệm đậu nành cũng khá khó chịu.

Khi ấy, Ford đã phải nhờ tới sự trợ giúp từ rất nhiều cá nhân và tổ chức, bao gồm tiền tài trợ cho các sản phẩm thử nghiệm từ Ủy ban Đậu nành Hoa Kỳ cũng như sự ủng hộ và sáng kiến quan trọng của Bill Ford, CEO lúc bấy giờ, đồng thời thuyết phục ông trở thành người “cầm lái”, đảm bảo dự án đi đúng hướng.

Năm 2008, khi giá xăng dầu tăng vọt, giá trị của những chiếc đệm mút bỗng trở nên rõ ràng hơn. Việc các sản phẩm làm từ polyol dầu được thay thế không chỉ tốt cho môi trường mà còn giúp cho kinh doanh phát triển.

Tiếp nối thành công của những chiếc đệm mút chiết xuất từ đậu nành, Ford bắt đầu phát triển những nguyên liệu tái sử dụng khác để tích hợp với sản phẩm của mình, từ đó giúp giảm thiểu lượng khí thải từ hiệu ứng nhà kính. Trong một vài trường hợp, các chất liệu trên còn có khả năng giảm trọng lượng và nhờ vậy làm tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu cho nhiều dòng xe của Ford.

Việc áp dụng vật liệu sinh học vào chế tạo xe cộ không thể khả thi chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Ford đã có thể áp dụng 8 nguyên liệu có tính bền vững vào sản xuất, gồm đậu nành, lúa mạch, gạo, thầu dầu, Atiso đỏ, xen-lu-lô-zơ thực vật, đay và dừa. Trong quá trình thí nghiệm, danh sách tài nguyên tái sử dụng mà Ford nghiên cứu có gần như tất cả các vật liệu của một trang trại, từ rơm, vỏ cà chua, tre, sợi cây thùa, bồ công anh cho tới tảo.  

Ford cũng đang khám phá các ứng dụng của carbon và là nhà sản xuất xe hơi tiên phong trong ngành công nghiệp xe hơi phát triển đệm mút và sản phẩm nhựa sử dụng khí CO2. Sau 10 năm, Ford tiếp tục hợp tác với Ủy ban Đậu nành Hoa Kỳ để phát triển những vật liệu có nguồn gốc từ đậu nành cho các sản phẩm hợp chất cao su như vòng đệm, nút cao su và cần gạt nước trên ô tô.

Minh Quang
.
.
.