Siêu dự án giao thông thuỷ xuyên Á trên sông Hồng:

Đồng bằng Bắc Bộ có thể bị sụt lún nghiêm trọng

Thứ Năm, 05/05/2016, 14:27
Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á kết hợp thuỷ điện trên sông Hồng của Tập đoàn Thái Group đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các chuyên gia, nhà khoa học. Chưa bàn tới lợi ích kinh tế, dự án này được cho là sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sông ngòi phía Bắc đồng thời có nguy cơ làm đồng bằng sông Hồng sụt lún sâu khiến hàng triệu người dân mất đất sản xuất nông nghiệp.

Hàng triệu người dân mất đất sản xuất

GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sông Hồng là mạch sống của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Con sông này không chỉ chảy từ Trung Quốc về mà còn kết nối với hàng loạt con sông khác như sông Lô, sông Đà, sông Chảy, sông Luộc...Do vậy, nếu dòng sông Hồng bị làm xáo trộn sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống sông ngòi của đồng bằng Bắc Bộ.

Sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu 6 đập thuỷ điện được xây dựng trên dọc sông Hồng. 

"Trong lịch sử, đồng bằng Bắc Bộ được phát triển theo triền của sông Hồng. Đây là dòng sông cổ, có thể tới hàng nghìn năm tuổi. Nó chủ yếu là phù sa, cát mịn, khác với các dòng sông ở miền núi, rất dốc và đáy đều là đá. Chúng ta phải tuân theo quy luật phát triển của sông Hồng. Nếu đào bới, xây đập thì sao? Khi xây thuỷ điện Hoà Bình, Việt Nam đề nghị Liên Xô tính toán xem sông Hồng có bị biến đổi về độ dốc không. Liên Xô đã tính toán và kết luận độ dốc không thay đổi. Nhưng thực tế mới 30 năm thôi, cộng với tác động khai thác cát, lòng sông Hồng dưới hạ du đã xuống thấp 1 m, kéo theo mực nước hạ thấp" – GS Hồng phân tích.

Về nguy hiểm của việc hạ thấp mực nước, GS Hồng nói thêm: "Khi mực nước hạ thấp sâu, hệ thống thuỷ lợi 2 bên sông Hồng coi như không còn tác dụng, Nhà nước phải đầu tư lại hệ thống trạm bơm mới. Nhưng cái đó công nghệ có thể giải quyết được. Cái khó hơn là dòng sông khi mất đi bùn cát, theo quy luật, nó phải tìm lại bùn cát. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng xói lở bờ sông.

Sau thuỷ điện Hoà Bình, người ta đã nghiên cứu, dòng chảy bị quặn rất nhiều, lấn sâu vào cả chục mét. Như vậy, nếu sông Hồng bị đào bới thì sẽ phá ra 2 bên bờ, Thủ đô Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Cái quan trọng nhất, khi các đập dâng nước, hạ du sẽ không còn nước.

Cửa sông sẽ bị xói mòn tiếp khiến độ dốc bằng 0, nước mặn xâm nhập sâu vào. Vì là vùng phù sa nên khi mực nước hạ thấp thì đất cũng lún, có nghĩa vùng đồng bằng Bắc Bộ bị tụt xuống.

Nếu bị tụt xuống 1 m, nước biển dâng lên thì coi như cả vùng sinh thái đồng bằng sông Hồng không còn nữa, đồng nghĩa hàng chục triệu dân các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên...không còn chỗ để sản xuất. Nếu sông Hồng mất đi thì vựa lúa Bắc Bộ cũng mất đi, vậy ai lo vấn đề an ninh lương thực? Mục tiêu của dự án này chỉ vì giao thông và thuỷ điện mà bỏ mất nông nghiệp. Trong khi Việt Nam hiện nay phải dựa vào nông nghiệp để đi lên".

Không chỉ lo ngại về tác động sinh thái, GS Hồng còn bày tỏ lo ngại khi dự án này do một công ty tư nhân thực hiện.

"Một công ty tư nhân mà lại được làm công trình trên dòng sông huyết mạch thì có đúng luật không? Những công trình này phải do Quốc hội quyết định. Chúng ta đã có kinh nghiệm đối với các thuỷ điện tư nhân ở miền Trung rồi, mỗi khi cần lấy nước mà họ không xả thì cũng bó tay. Không phải ngẫu nhiên mà các công trình lớn đều giao cho EVN thực hiện" – GS Hồng nhấn mạnh.

Phản đối "lửa xa" nhưng lại ủng hộ "lửa gần"

Đứng trên góc độ chuyên gia lâu năm về tài nguyên nước, TS Đào Trọng Tứ - nguyên Phó tổng thư kí Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam khẳng định, không thể đánh đổi 228 MW điện với việc huỷ hoại sông Hồng, nguồn sinh kế của hàng triệu người dân.

Từng phản đối nhiều công trình thuỷ điện vì cho rằng "lợi ít, hại nhiều", TS Tứ chia sẻ: "Chúng ta đã từng mắc sai lầm khi băm nát các dòng sông, nay sai lầm ấy lại sắp xảy ra  đối với sông Hồng. Hạn mặn khốc liệt ở Nam Bộ khiến người dân phản ứng mạnh mẽ đối với các thuỷ điện của Trung Quốc ở thượng nguồn. Nhưng nay các Bộ ngành lại đồng ý chủ trương xây 6 đập trải dọc sông Hồng. Phản đối "lửa xa" nhưng lại ủng hộ "lửa gần". Tôi không thể hiểu nổi".

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trên thượng nguồn sông Hồng, phía Trung Quốc đang khai thác mạnh mẽ nguồn nước để phát triển thuỷ điện. Theo thống kê, trên thượng nguồn sông Thao, sông Lô, sông Đà, phía Trung Quốc đã hoàn thành và có kế hoạch xây dựng hơn 50 thuỷ điện, trong đó có 25 đập ngăn nước trên sông Thao, 24 đập trên sông Đà, 5 đập trên sông Lô - Gâm, 2 đập trên sông Bằng Giang - Kỳ Cùng. Riêng 8 công trình trên sông Đà đã hoàn thành có dung tích các hồ chứa khoảng 2 tỉ m3, công suất khoảng 2000 MW.

Tại Việt Nam, sông Hồng có tiềm năng thuỷ điện lớn nhất trong các hệ thống sông, trong đó tập trung vào 2 chi lưu lớn là sông Đà và sông Lô - Gâm. Trên sông Đà đã có thuỷ điện Hoà Bình công suất lắp máy 1920 MW, thuỷ điện Sơn La 2400 MW, thuỷ điện Lai Châu 1200 MW, Bản Chát 220 MW, Huội Quảng 520 MW, Nậm Chiến 210 MW. Trên sông Lô - Gâm đã có thuỷ điện Tuyên Quang 342 MW...

Trong bối cảnh không thiếu điện, Việt Nam không cần thiết phải phát triển thêm thuỷ điện. 

Khánh Vy
.
.
.