Xử lý nghiêm sai phạm trong việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm

Chủ Nhật, 15/04/2018, 07:31
Hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) với mức xử phạt có thể lên tới 3 tỷ đồng hoặc 10 năm tù. Liệu mức xử phạt mới này có đủ sức răn đe, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về BHXH, BHYT? 


LTS: Mới đây, một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã bị cơ quan  Bảo hiểm xã hội (BHXH)  đề nghị Công an vào cuộc điều tra, xử lý hình sự về nợ đọng, trốn đóng BHXH. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, trong đó có quy định xử lý hình sự với hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) với mức xử phạt có thể lên tới 3 tỷ đồng hoặc 10 năm tù. Liệu mức xử phạt mới này có đủ sức răn đe, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về BHXH, BHYT? Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra BHXH Việt Nam đã trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này.

PV- Ông có thể cho biết tại sao những hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT lại được đưa vào Luật Hình sự?

Ông Trần Đức Long: Trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì cơ quan BHXH đã thực hiện với các chế tài dân sự, khởi kiện ra tòa đối với các doanh nghiệp (DN) trốn đóng và nợ đóng BHXH.

Từ 1-6-2016, BHXH Việt Nam được giao thực hiện chức năng thanh tra đóng nên chúng tôi đã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Mức xử phạt cá nhân tối đa là 75 triệu đồng và mức xử phạt với tổ chức, đơn vị gấp đôi là 150 triệu đồng cũng không đủ sức răn đe. Một số DN vẫn cố tình vi phạm cần xử lý ở mức cao hơn, vì thế việc đưa vào luật hình sự để xử lý các vi phạm trong tham gia đóng và thực hiện chính sách BHXH là cần thiết.

Nhiều đại diện như tổ chức công đoàn đã khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa

PV- Thực tế ngay cả việc khởi kiện nợ BHXH của tổ chức công đoàn được quy định trong luật nhưng vẫn khó thực hiện, vậy thì việc hình sự hóa các hành vi gian lận, trốn đóng bảo hiểm thật sự khả thi, thưa ông?

Ông Trần Đức Long: Việc khởi kiện trước đây, như tôi đã nói thì giao cho cơ quan BHXH thực hiện là có hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi chuyển giao việc thực hiện khởi kiện sang tổ chức công đoàn thì vướng mắc bởi một số quy định của Luật Công đoàn và của các tổ chức công đoàn cho nên việc khởi kiện của các tổ chức công đoàn thực sự khó khăn. Chính vì thế việc hình sự hóa các hành vi gian lận trong thu nộp, đóng BHXH, BHYT, BHTN là cần thiết và hy vọng rằng, với việc hình sự hóa này sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

PV- Chế tài xử phạt lên tới 3 tỷ đồng hoặc phạt tù lên tới 10 năm liệu có đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp?

Ông Trần Đức Long: Với hình thức xử phạt có thể lên tới 3 tỷ đồng và phạt tù lên tới 10 năm thì tôi hy vọng rằng sẽ đủ sức răn đe với các hành vi gian lận BHXH, BHYT và hành vi trốn đóng, đặc biệt đối với các DN cố tình chây ì.

Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả thì chúng ta cũng phải lường đến các tình huống mà DN sẽ tìm cách để lách luật và gây khó khăn trong quá trình áp dụng các hình thức xử phạt. Để  thực hiện được, theo tôi cần xây dựng được một quy trình phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan BHXH phải chuẩn bị hồ sơ ban đầu cho các cơ quan pháp luật một cách chu đáo, đầy đủ và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan pháp luật.

PV- Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những sai phạm gì, thưa ông?

Ông Trần Đức Long: Năm 2017, cơ quan BHXH đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 15.903 doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động; phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả thực hiện thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 42.263 lao động chưa được tham gia BHXH hoặc tham gia chưa đầy đủ với số tiền 88,2 tỷ đồng; 3.102 lao động đóng không đúng đối tượng với số tiền 9,04 tỷ đồng; 50.734 lao động đóng không đúng mức quy định với số tiền truy đóng 47,3 tỷ đồng. Lập biên bản vi phạm hành chính 505 doanh nghiệp và xử phạt hành chính với số tiền phạt lên tới 7,9 tỷ đồng.

Trước khi thanh tra, kiểm tra số tiền doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là hơn 2.776,3 tỷ đồng, qua quá trình thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp đã nộp 1.464 tỷ đồng. Con số nợ đóng vừa nêu trên mới là số nợ mà doanh nghiệp báo với cơ quan BHXH chứ thực trạng thì con số trốn đóng và đóng thấp hơn mức lương thực tế là rất lớn.

Trong năm 2017, Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an kiểm tra đột xuất theo chuyên đề về BHYT tại 4 địa phương gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng. Kết quả, không chấp nhận thanh toán chi phí KCB BHYT do chi sai quy định là 56,95 tỷ đồng; không chấp nhận thanh toán vượt trần vượt quỹ do nguyên nhân chủ quan là 14,8 tỷ đồng; ngoài ra, còn giao BHXH các tỉnh tiếp tục rà soát, thẩm định lại số liệu theo những sai sót mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra là 152,9  tỷ triệu đồng…

PV- Vậy Vụ thanh tra - Kiểm tra BHXH Việt Nam sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả công tác được giao trong việc xử lý các DN chây ì, nợ đọng BHXH thời gian tới?

Ông Trần Đức Long: Năm 2018, BHXH sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thanh tra các DN có số nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lớn; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Kết quả thanh tra của Ngành BHXH sẽ là những căn cứ đầu tiên để xử lý hình sự những vi phạm đối với các DN cố tình chây ì và vi phạm trong lĩnh vực này.

Mới đây, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự với doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Hiện nay, danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH cũng dã được nhiều tỉnh, thành phố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là một giải pháp kịp thời trong công tác phối hợp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Xin trân trọng cảm ơn ông Trần Đức Long!

Anh Hiếu (thực hiện)
.
.
.