Xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng

Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:18
Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ XIII, mục 2.6 xác định nhiệm vụ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu.


Dự thảo nêu rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao  trách nhiệm người đứng đầu. Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số ở các cấp, nhất là ở cơ sở”.

Về vấn đề này, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng về công tác cán bộ - một vấn đề vừa cơ bản vừa cấp thiết - là một trong những nhiệm vụ chính yếu trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. 

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì soạn thảo. Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Việc xây dựng Đề án, ban hành Nghị quyết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới, thay thế Chiến lược cũ ra đời cách đây 20 năm. 

Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.

Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ rường cột, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Trước Đại hội XII, vấn đề “cán bộ cấp chiến lược” đã được đề cập nhưng chưa nhiều, chủ yếu mới tập trung vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược - một khâu trong công tác cán bộ. Năm 2017, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ cấp chiến lược.

Đề án đã thẳng thắn đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. 

Đề án xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Như vậy, so với khái niệm cũ, cán bộ cấp vụ, cục, sở, lãnh đạo cấp quận, huyện… hiện không được coi cán bộ chiến lược. Theo Ban Tổ chức Trung ương, cán bộ cấp chiến lược là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với khoảng hơn 600 người.

Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đã đưa ra những đột phá trong công tác cán bộ. Đầu tiên là phải tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp đi đôi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền đưa ra các quy định để chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời mở rộng không gian, cơ chế phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên để họ năng động sáng tạo, làm động lực cho đổi mới phát triển. 

Cùng với đó, Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI xác định thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của đất nước là một trọng tâm và vô cùng cần thiết. Từng bước trong chương trình hoạt động của Đảng cũng như từng cấp, từng ngành, từng địa phương đều phải xúc tiến việc quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho phù hợp.

Để thực hiện tốt, trước hết việc quy hoạch cán bộ chiến lược cần được tiến hành theo quy trình cơ bản, xác định rõ yêu cầu chiến lược đối với cán bộ mà đất nước đang cần. Phát hiện sớm những người có tố chất của người cán bộ cấp chiến lược, tức tìm được nguồn cho “hạt giống đỏ” để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách. Chỉ bố trí sau khi xác định, đánh giá đúng thực chất đối với họ qua các khâu đã tiến hành nêu trên, tránh tình trạng ép “chín non”. Như vậy sẽ tránh tình trạng quy hoạch hình thức, quy hoạch một đằng, làm một nẻo, vừa tốn công sức, tiền của, thời gian, vừa ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, sự trong sáng lành mạnh của công tác cán bộ.

Tầm quan trọng, vai trò của công tác quy hoạch cán bộ đã được Đảng ta khẳng định trong“Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đấtnước”(năm 1997). Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”. Quan điểm này được rút ra từ thực tiễn và lý luận của công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời (năm 1930) đến nay, và xa hơn nữa là sự kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trên cơ sở quy hoạch, việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp chiến lược là vô cùng hệ trọng. Nó đòi hỏi người cán bộ được bố trí thể hiện toàn bộ phẩm chất, năng lực, trình độ tầm chiến lược trong cuộc sống, là những cơ sở bảo đảm cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến lược được giao. Công việc ấy của họ liên quan đến chiến lược quốc gia, đến sự vận động phát triển của đất nước. 

Bố trí đúng cán bộ chiến lược thì đất nước sẽ ổn định, phát triển. Ngược lại, nếu bố trí người kém năng lực, cơ hội, tham vọng quyền lực vào vị trí này thì hệ luỵ nhiều khi không thể đong đếm được, thậm chí là căn nguyên dẫn tới sự suy vong chế độ. Do đó, việc quy hoạch, sử dụng cán bộ chiến lược phải đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, để tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ địa phương, đưa con cháu, họ hàng “đặt chỗ”. Thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng “cả họ làm quan”, cài người nhà, người thân vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương khiến dư luận hết sức bức xúc.

Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. 

Qua 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó có những tồn tại kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chưa được khắc phục. Do đó, dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ XIII tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. 

Theo chúng tôi, trong mục 2.6 của Dự thảo cần có đoạn nói rõ hơn vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ cấp chiến lược nhằm tiếp tục xác định rõ những vấn đề mà Nghị quyết số 26, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã nêu.

TS Trần Tấn Tú
.
.
.