Vài suy nghĩ xung quanh clip CSGT nghi mãi lộ

Chủ Nhật, 01/04/2018, 08:38
Gần đây, một số báo điện tử có ghi và đưa lên mạng về việc một số CSGT có hành vi nghi nhận mãi lộ, mới đây là clip liên quan CSGT Hà Nội. Về vấn đề này, Báo CAND nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Các phản ánh dưới nhiều góc độ, có phê phán, chỉ trích song cũng có nhiều ý kiến nêu kiến nghị, giải pháp với tinh thần thẳng thắn, xây dựng. 


Để có cách nhìn đa chiều, Báo CAND xin đăng ý kiến của độc giả là TS Vũ Thị Hương Lý, cán bộ Học viện Chính trị CAND. Vừa qua, tôi cũng như nhiều độc giả khác đã xem đoạn video clip trên mạng internet của một trang báo điện tử về hành vi của một số CSGT Hà Nội dường như đang nhận tiền “mãi lộ” của người vi phạm Luật Giao thông đường bộ.  

Sau khi đoạn clip trên được đăng tải, ngay lập tức nó đã được lan tỏa, chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên nhiều trang mạng xã hội, thu hút số lượng lớn độc giả quan tâm bình luận và trở thành một diễn đàn trao đổi nhiều góc độ mà trong đó cùng với phê phán, bình luận mang tính xây dựng, còn có những bình luận với lời lẽ thái quá, có tính chất thóa mạ cả lực lượng CSGT nói chung.

Clip ghi hình CSGT Hà Nội nghi mãi lộ.

Bản thân tôi khi xem video clip, trước hết, tôi hoan nghênh các phóng viên của báo đã chủ động tìm hiểu, phát hiện vấn đề để phản ánh. Điều này sẽ giúp cho lực lượng CSGT tăng cường biện pháp chống tiêu cực trong thi hành công vụ, góp phần thuần khiết nội bộ.  

Bên cạnh đó, cùng với những day dứt, nỗi buồn về những việc làm không đúng của một số đồng đội mình, tôi cũng day dứt, trăn trở trong cách xử lý thông tin ban đầu của quí báo. 

Điều day dứt, trăn trở đó là có đơn giản, vội vàng quá không khi chỉ phát hiện vấn đề tiêu cực rồi nhanh chóng đẩy lên không gian mạng? Tôi đã mang những suy nghĩ và trăn trở ấy để trao đổi với bạn bè trong và ngoài lực lượng và một số người dân. 

Từ những trao đổi, tranh luận đó, tôi thấy còn có những cách xử lý khác cho kết quả đấu tranh chống tiêu cực như trong vụ việc này còn tích cực hơn nữa.

Cái hơn ở đây là người bị phê phán sẽ sửa chữa khuyết điểm với sự ăn năn, day dứt nhiều hơn, nhưng cũng không ai có thể lợi dụng việc phê phán đó để có những dụng ý tiêu cực; tức là đấu tranh chống tiêu cực nhưng không để phát sinh những tiêu cực khác. Bằng cách nào đây?! 

Giả định mình là lãnh đạo cơ quan báo chí, trong sự việc này, thay vì việc ngay lập tức cho sự việc lên không gian mạng, tôi sẽ trực tiếp trao đổi với Giám đốc Công an TP Hà Nội hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Bộ Công an và yêu cầu xem xét, xác minh, xử lý và trả lời công luận về những vấn đề mà các phóng viên đã thu thập được trong video clip nêu trên và có những bước đi tiếp theo nếu yêu cầu này không được giải quyết theo qui định của Luật Báo chí. 

Còn nếu tôi là phóng viên trực tiếp tác nghiệp để có được những thông tin nêu trên (những thông tin tài liệu mà rất vất vả, khó khăn mới có thể thu thập được), tôi sẽ đề xuất với tổng biên tập cách xử lý thông tin, đó là sẽ trao đổi, cung cấp thông tin tài liệu với lãnh đạo các đơn vị Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, đề nghị ngăn chặn, làm rõ, xử lý kết quả trong thời gian sớm nhất, tạo nên tiếng nói chung và đồng thuận cao hơn. 

Tôi tin rằng các đồng chí lãnh đạo đơn vị Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an sẽ luôn đón nhận với sự cảm ơn sâu sắc, đồng thời, xử lý nhanh chóng, kịp thời theo quy định của pháp luật và Điều lệnh CAND và yêu cầu của quí báo trước thông tin được cung cấp. 

Tôi tin rằng, với tinh thần nhân văn, nhân ái sâu sắc từ truyền thống của dân tộc, nhiều bạn đọc và nhân dân sẽ đồng tình với cách giải quyết này, đó cũng là cách giải quyết thể hiện được phương châm lấy “xây” để “chống” trong đấu tranh chống tiêu cực hiện nay. 

Trước hết cách đưa tin thiếu định hướng đã tạo ra việc tiêu cực của dư luận, trong đó có cả việc những phần tử xấu lợi dụng để thóa mạ, bôi nhọ, phủ nhận, nói xấu lực lượng CSGT, mà đại đa số là những chiến sĩ CSGT đang ngày đêm dầm mưa, dãi nắng, khắc phục khó khăn, gian khổ trên các ngả đường, các đô thị để đảm bảo cho các tuyến giao thông thông suốt, an toàn, trong số họ có những người thậm chí đã mất mát, hi sinh xương máu, tính mạng khi thi hành công vụ. 

Tiếp đó, cần thấy những cán bộ, chiến sĩ CSGT thoái hóa, biến chất có hành vi tiêu cực từ trước đến nay chỉ là một bộ phận, họ không thể đại diện cho lực lượng CSGT cũng như lực lượng CAND nói chung. 

Là một cán bộ đang công tác trong lực lượng công an, đồng thời là một độc giả trẻ luôn có cách nhìn và giải quyết các vấn đề một cách nhiệt huyết, xây dựng và tin tưởng vào cuộc sống hôm nay, tôi luôn đánh giá rất cao những thông tin mà các cơ quan báo chí đã mang lại, góp phần giúp tôi mở rộng hơn về tầm nhìn và nhận thức nhiều vấn đề phong phú của cuộc sống. 

Tôi tin rằng, cảm nhận của tôi về vấn đề trên cũng là cảm nhận của nhiều đọc giả khác, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Công an. Với tình cảm chân thành ấy, tôi cũng luôn dành sự quí mến, trân trọng với những người làm báo nói chung và tôi cho rằng, báo chí đang ngày càng đồng hành, giúp tuyên truyền, phản ánh và giám sát hữu hiệu hoạt động của bộ máy công quyền. 

Và tôi mong, cách đưa tin, xử lý thông tin trước hành vi, vụ việc dù lớn hay nhỏ thì phương pháp truyền tải luôn có ý nghĩa quan trọng, một khi phương pháp đúng thì đó là liều thuốc hữu hiệu để đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch lực lượng.

Vũ Thị Hương Lý
.
.
.