Triệt tiêu các nhóm lợi ích "sân sau"

Thứ Năm, 10/05/2018, 08:27
Ngày 23-4, tại Kỳ họp thứ 24, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cùng một số cán bộ cao cấp khác.


Ngày 4-5, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Trong những sai phạm của bà Thanh, chúng ta dễ dàng nhận thấy cái "sân sau" của gia đình bà Thanh vừa to, vừa rộng và từ đó, doanh nghiệp của chồng bà đã giành những dự án béo bở mà không doanh nghiệp chân chính nào ở tỉnh có được.

Từ thực tế, phải khẳng định luôn rằng những người dân bình thường thì không bao giờ có "sân sau" cả, chỉ có cán bộ lãnh đạo mới có điều kiện xây dựng được "sân sau". Cán bộ càng to thì càng nhiều "sân" và sân càng dài, càng rộng. 

Những cái sân được tạo ra bằng việc cấp đất, cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, cho phép các nhà máy hoạt động mà chưa được phê duyệt, không đảm bảo về điều kiện môi trường. Đó là các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, các tuyến đường được mở mang trong tương lai; là việc đấu thầu xây dựng, cung ứng các máy móc, thiết bị vật tư, nhà xưởng, thiết bị y tế, bệnh viện, trường học…

Bà Phan Thị Mỹ Thanh vừa phải nhận mức án kỷ luật nghiêm khắc.

Đáp lại thì những "sân sau" sẽ trả ơn cho người đã giúp mình bằng những khoản phần trăm khổng lồ từ những chương trình, dự án mà họ giành được; là những căn biệt thự có giá trị hàng triệu USD, là cả trăm, nghìn mét vuông đất ở những vị trí đắc địa, đứng tên vợ, chồng, con cái, người thân; là những tháng lương đều đều, là cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp trả để bảo vệ cái "sân", là những suất học bổng mời con em của người "bao sân" đi học ở các nước tiên tiến nhất thế giới; là những chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệp ở nước ngoài mà doanh nghiệp bao từ A đến Z. Đó cũng là những bữa ăn chơi ở nhà hàng, khách sạn nổi tiếng với các loại sơn hào, hải vị…

Với không ít lãnh đạo, khi cán bộ cấp dưới, nhất là người dân lâm vào hoàn cảnh hoạn nạn, gặp những khúc mắc trong công việc và trong cuộc sống mà muốn gặp "sếp" để mong có được sự chia sẻ, giải quyết những yêu cầu chính đáng thì vô cùng khó khăn.

Nhiều người dân than rằng "gặp lãnh đạo còn khó hơn lên… trời", nhưng với những chủ "sân sau" thì có thể vào nhà sếp bất kể lúc nào họ thích, kể cả đi bằng cửa trước hoặc luồn vào cửa sau. Nhiều khi cũng chẳng cần đến nhà sếp mà chỉ cần rút điện thoại gọi một cuộc là công việc được giải quyết ngay tắp lự.

Khi một nhóm người, một thành phần xã hội, một lực lượng nào đó được ưu ái, có những đặc quyền đặc lợi, đứng trên luật pháp thì tất sẽ sinh ra những ảnh hưởng tiêu cực, nguồn gốc của bất công, mâu thuẫn, loạn lạc và nhiều thứ tệ nạn xã hội khác.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn sẽ rơi vào tình trạng yếu thế, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp muốn duy trì và phát triển được không chỉ tập trung đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng… để cạnh tranh mà buộc phải nghĩ đến việc làm cách nào để bôi trơn, để có chỗ "chống lưng" cho an toàn. Điều này có nghĩa là các công ty có thể đã học được cách chung sống với tham nhũng đến độ họ không còn cảm thấy tham nhũng là một điều bất cập lớn đối với hoạt động của họ. Chung chi, hối lộ không chỉ là chìa khóa dẫn đến thành công mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh ở Việt Nam.

Vì vậy, thứ tự ưu tiên để làm ăn thuận lợi, phát đạt, hiệu quả mà lại an toàn cao thì lợi thế "quan hệ" và "tiền tệ" có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt được xếp lên hàng đầu. Soi vào thực tế, ở nước ta có những cán bộ có nhiều cái "sân" to, nhỏ, rộng, dài khác nhau, thể hiện ở một loạt các vụ việc, vụ án đang được điều tra làm rõ. Ở đó người ta đều thấy thấp thoáng những cái "sân" với đầy những điều bí ẩn.

Nếu không xử lý nghiêm khắc ngay từ những vụ việc tiêu cực, tham nhũng nhỏ, thì trong tương lai sẽ có những sai phạm, tiêu cực lớn hơn. Không loại thải ngay những con người sai phạm đó ra khỏi hệ thống thì họ lại sẽ tiếp tục sai phạm, trở nên coi thường, không sợ pháp luật. Và nguy hại hơn nữa là nó âm thầm làm xói mòn niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.

"Một bộ phận không nhỏ" cán bộ hư hỏng không còn là khái niệm chung chung trong văn bản mà đã dần bị phơi bày ra trước công luận, được xác định địa chỉ, danh tính rõ ràng lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ. Quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng cho thấy đã không còn "vùng cấm".

Cù Tất Dũng
.
.
.