Tòa án luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham dự phiên tòa

Thứ Năm, 21/04/2016, 15:30
Cơ sở vật chất của Tòa án còn hạn chế, trung bình mỗi phòng xử án chỉ chứa được từ 15 đến 20 người nên để đảm bảo an ninh trật tự trong phòng xử án, Hội đồng xét xử chỉ có thể cho những người được Tòa triệu tập với tư cách là người tham gia tố tụng và các nhà báo tham dự phiên tòa đến đưa tin..

Thời gian qua, TAND TP Hà Nội đã đưa nhiều vụ án hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng ra xét xử do hàng chục bị cáo câu kết với nhau thực hiện tội phạm. Do số lượng bị cáo đông, gia đình các bị cáo cũng như nhiều người hiếu kỳ muốn xem xét xử, nhưng vì cơ sở vật chất của Tòa án còn hạn chế, trung bình mỗi phòng xử án chỉ chứa được từ 15 đến 20 người nên để đảm bảo an ninh trật tự trong phòng xử án (thực tế có nhiều vụ đánh cãi chửi nhau trong Tòa án, thậm chí còn nổ mìn gây mất trật tự trị an trong khu vực Tòa án), Hội đồng xét xử chỉ có thể cho những người được Tòa triệu tập với tư cách là người tham gia tố tụng và các nhà báo tham dự phiên tòa đến đưa tin.

Vì thế đã có ý kiến cho rằng, TAND TP Hà Nội không tổ chức xét xử công khai vụ án để người dân được tham dự phiên tòa. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với ông Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội.

PV: Thưa ông, theo quy định của pháp luật, khi một phiên tòa (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính) được mở, những ai được phép tham dự?

Ông Trương Việt Toàn: Tôi khẳng định rằng, tất cả các phiên tòa đều được xét xử công khai theo quy định của pháp luật, trừ các phiên tòa theo quy định của pháp luật phải xử kín. Công khai ở đây đối với bị can, bị cáo, bị hại, những người được Tòa triệu tập với tư cách tham gia tố tụng như: nguyên đơn, bị đơn, luật sư được cấp giấy chứng nhận tham dự phiên tòa, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đại diện cơ quan Nhà nước được Tòa triệu tập để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án.

Ngoài ra, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình được dự để đưa tin và những người dân không liên quan đến vụ án nhưng có nhu cầu tìm hiểu pháp luật cũng có thể dự phiên tòa. Đối với các đại diện các cơ quan báo chí khi tham dự phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan cho Hội đồng xét xử. Đối với người dân hoặc sinh viên khoa Luật nếu muốn dự phiên tòa, phải xuất trình giấy tờ cho lực lượng làm nhiệm vụ để Tòa án quản lý khi xảy ra vụ việc liên quan.

PV: Ông có thể cho biết, theo luật định thì những phiên tòa nào sẽ xét xử kín?

Ông Trương Việt Toàn: Xử kín là một chế định đã được quy định ngay từ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đầu tiên của nước ta. Việc quy định về xử kín vì lợi ích của xã hội, lợi ích của đương sự, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự của đương sự trong vụ án. Quy định này cũng phù hợp với hầu hết luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 của Nước CHXHCN Việt Nam về nguyên tắc xét xử thì “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”.

Ông Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội.

PV: TAND TP Hà Nội đã xử kín vụ án nào chưa? Nếu xử kín thì có giống với Tòa án nước ngoài không, thưa ông?

Ông Trương Việt Toàn: Tôi khẳng định ngay là có. Tuy nhiên, hơn 30 năm công tác ở TAND TP Hà Nội, tôi biết việc xử kín rất ít diễn ra. Như đã nói ở trên, việc xử kín phải căn cứ theo quy định của pháp luật, chứ không phải Tòa án tự xử kín được. Tôi lấy một ví dụ cụ thể, tháng 10- 2004, TAND TP Hà Nội xét xử một bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao về tội hiếp dâm trẻ em. Việc xử kín là do yêu cầu của bị hại và Tòa án căn cứ theo Điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự.

So sánh với Tòa án nước ngoài thì mới đây, ngày 16- 4, Tòa án Mỹ khi mở phiên tòa xét xử Hồng Quang Minh (tức Minh “béo”) bị cáo buộc về ba tội danh liên quan đến trẻ em cũng hạn chế những người tham dự phiên tòa. Theo báo chí phản ánh, người thân của Minh “béo” có đến địa điểm nơi diễn ra phiên luận tội nhưng không được xuất hiện trong phiên luận tội.

PV: Được biết, do điều kiện các phòng xử án còn chật nên chưa đáp ứng được yêu cầu chung, ông có thể cho biết thời gian tới, TAND TP Hà Nội sẽ có những thay đổi gì để người dân dự phiên tòa được thuận lợi?

Ông Trương Việt Toàn: Các quy định chung của ngành Toà án hiện nay đã quy định rõ đối với những thành phần tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, với đặc điểm về cơ sở vật chất còn hạn chế nên chưa đáp ứng hết được cho người dân có nhu cầu tham dự phiên tòa để hiểu biết thêm pháp luật. Vì thế thời gian tới, TAND TP Hà Nội sẽ cố gắng từng bước cải thiện cơ sở vật chất để người dân có thể tham dự phiên tòa được thuận lợi hơn. Nếu người dân có nhu cầu tham dự phiên tòa đã đáp ứng đầy đủ các quy định của Tòa án mà vẫn không được Hội đồng xét xử cho dự thì có thể trao đổi với đồng chí Chánh Văn phòng TAND TP Hà Nội (qua bộ phận tiếp công dân) để được giải quyết.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.