Tổ chức thi tuyển, lấy phiếu tín nhiệm để tránh tệ “mua quan bán chức”!

Chủ Nhật, 11/11/2018, 08:30
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh một số nội dung quan trọng nhằm xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chặt chẽ, công tâm, minh bạch, khách quan.

Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết quan điểm của mình về công tác quy hoạch cán bộ?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Trước hết, có thể nói quy hoạch cán bộ là vấn đề được quan tâm từ nhiều nhiệm kỳ chứ không phải chỉ nhiệm kỳ này. Đặc biệt, từ Nghị quyết Trung ương 3, khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng đã đặt ra vấn đề tiêu chuẩn đạo đức và quy hoạch cán bộ. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn để xảy ra nhiều hạn chế như nạn “chạy chức, chạy quyền”, cục bộ, bè phái, bổ nhiệm người nhà mà không bổ nhiệm người tài và nhiều yếu tố khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. 

Lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có những đổi mới và thực hiện rất quyết liệt, rất cụ thể, nhằm xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong thời gian tới. Theo tôi, đây là vấn đề rất quan trọng, cần thiết bởi lẽ chiến lược cán bộ mang tính chất lâu dài, bền vững, đảm bảo lựa chọn được những con người đủ tầm, đủ tâm, đủ năng lực để hình thành nên một thế hệ cán bộ thời gian tới có đầy đủ phẩm chất, năng lực cán bộ để chỉ đạo điều hành công việc đảm bảo hiệu quả, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tương lai.

PV: Điểm mới của lần này so với trước là không quy hoạch cho nhiều khóa, mà chỉ tập trung cho khóa tới: 2021-2026. Theo ông, việc quy hoạch gần, sát như vậy thì có ưu điểm gì khác không?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Quy hoạch gần có nghĩa là chọn ngay thời điểm bây giờ những con người có đủ tâm, đủ tầm và đủ năng lực để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Tất nhiên trong quy hoạch gần cũng có quan tâm đến độ tuổi, quan tâm đến việc cán bộ được quy hoạch phải đảm bảo ít nhất một nhiệm kỳ và phải đảm bảo thời gian hai nhiệm kỳ. Tức là quy hoạch gần nhưng đảm bảo tầm xa. Hiện trong chỉ đạo quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm, Đảng đã có quy định tỷ lệ %: Tỷ lệ nữ; độ tuổi cho 3 thế hệ; cán bộ dân tộc thiểu số…

Ông Nguyễn Ngọc Phương.

PV: Trước yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh về trình độ, hiểu biết phải tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Điều này cần thiết như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Vấn đề đầu tiên là cán bộ phải có đạo đức, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn, trình độ chính trị. Ở vị trí nào thì phải có trình độ tiến sỹ, vị trí nào thì trình độ đại học. Và sau khi đủ trình độ học vấn rồi thì phải có trình độ chính trị, ví dụ cao cấp lý luận chính trị đối với cấp huyện trở lên; trung cấp chính trị đối với cấp xã, phường, thị trấn... Ngoài ra còn hiểu biết toàn diện về các lĩnh vực là giúp cho việc chỉ đạo, điều hành đúng đắn, toàn diện hơn. 

Bên cạnh đó còn phải phối hợp với công tác luân chuyển để bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ giỏi, đủ năng lực, trí tuệ, đạo đức cách mạng, nắm nhiều lĩnh vực thì dù ở vị trí nào cũng đều có thể xử lý tốt công việc, đưa ra những quyết sách phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng niềm tin trong nhân dân, ngăn chặn mọi thoái hoá biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

PV: Ông vừa nhắc tới tiêu chuẩn chính trị, ông có thể nói rõ hơn tiêu chuẩn này?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Tiêu chuẩn chính trị rất cần thiết bởi lẽ chính trị là vấn đề nhận thức, định hướng về tư tưởng, về lập trường quan điểm. Nếu người lãnh đạo không quan tâm vấn đề chính trị thì sẽ thiếu định hướng về tư tưởng, lập trường, thiếu định hướng về tư tưởng thì dễ đi chệch hướng, thiếu tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị kẻ xấu lôi kéo, chống phá Đảng... Đảng ta cũng rất quan tâm tới vấn đề chống chệch hướng.

Có tư tưởng, lập trường chính trị mới có định hướng về chính trị, mới có giải pháp thực hiện đúng định hướng, đường lối của Đảng. Còn nếu không có nhận thức về chính trị thì có thể bị sa ngã, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” hoặc đi theo những định hướng khác có lợi cho bản thân, có lợi cho doanh nghiệp mà không có lợi cho quốc gia.

PV: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Đây là quan điểm đúng, thực tế không phải bây giờ mới đề cập mà đã có từ lâu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chiến lược cán bộ thì vẫn bị những kẽ hở luồn lách, “chạy chức chạy quyền”, “mua quan bán chức” và nó làm xâm hại đến uy tín, trách nhiệm và năng lực của cán bộ trong quá trình bổ nhiệm. Lần này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo phải làm chặt chẽ hơn, kỹ càng hơn, sâu sắc hơn và hạn chế được tối đa việc “chạy chức, chạy quyền” cũng như luồn lách đối với các cán bộ đem lại điều bất lợi, gây mất niềm tin của người dân cũng như vai trò của các cương vị lãnh đạo.

PV: Vậy làm thế nào để có thể nhận diện được các đối tượng cơ hội chính trị trong vô vàn những cán bộ bình thường khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Việc nhận diện này cũng dễ chứ không khó nếu thực hiện đúng các quy trình sau: Một là phải quản lý chặt vấn đề quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn; quy định rõ trình độ, tiêu chuẩn. Hai là có thể tổ chức các hình thức thi tuyển các chức danh. Ba là lấy ý kiến tín nhiệm từ cơ sở nơi công tác, và lấy ý kiến của người dân tại các vị trí. Tổng hợp các phương pháp như thế chắc chắn sẽ loại trừ dần được… 

PV: Như ông đã nói, cơ hội chính trị thì dễ nảy sinh “lợi ích nhóm” để luồn lách, “chạy chức, chạy quyền”. Vậy giải pháp để phòng chống là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Để phòng chống, Trung ương đã ra những tiêu chuẩn, điều kiện về bổ nhiệm cán bộ. Có quy định cụ thể về quy trình bổ nhiệm cán bộ. Có quy định về xét duyệt hoặc tổ chức thi tuyển cán bộ. Có tổ chức kiểm tra, rà soát, xét duyệt để bổ sung các giải pháp nhằm chấn chỉnh những sai sót, hạn chế, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy trình bổ nhiệm, có biểu hiện cá nhân, cục bộ, bè phái. 

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch của Bộ Chính trị về xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là những giải pháp mà Trung ương đã ban hành trong nhiều năm. Và nếu như lần này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo quyết liệt thì chắc chắn sẽ siết chặt hơn và tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cán bộ không có tầm, tìm lợi ích trước mắt, để hậu quả lâu dài

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về công tác xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, con người cũng là một thực thể có những phẩm chất mà phải qua rèn luyện và lựa chọn, nên không thể không quy hoạch. Việc quy hoạch đòi hỏi phải có tầm nhìn trước mắt, những người có thể vào cuộc, đáp ứng yêu cầu hiện tại, nhưng đồng thời phải nhìn về tương lai. 

“Đội ngũ cán bộ của chúng ta bây giờ có những hạn chế, cái mà chúng ta hay nói là “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy dự án”. Tôi lấy thí dụ, tôi từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường rằng, nếu bây giờ người ta ồ ạt làm thuỷ điện, mang lại những lợi ích trước mắt, nhưng khoảng 50 năm sau, khi thời hạn thuê đất hết, công nghệ lạc hậu, năng lượng thay đổi thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những “quả bom nổ chậm” trong rừng sâu núi thẳm. Nếu cán bộ không có tầm nhìn thì sẽ hoàn toàn chỉ tìm lợi ích trước mắt mà để lại hậu quả lâu dài. Trên bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần nói cụ thể đến câu chuyện đấy” – đại biểu nói. Ông cũng nêu quan điểm, việc tuyển chọn cán bộ phải sát với thực tiễn, nhưng khi thử thách phải có một tầm nhìn xa. Ở đây không nói vấn đề kinh nghiệm, tuổi tác mà vấn đề là ý thức, đặc biệt là phương pháp tư duy để anh có thể đảm đương được.

ĐQBH Dương Trung Quốc cũng khẳng định, điều quan trọng nhất cán bộ có điều hành bộ máy theo đúng cương lĩnh chính trị của Đảng, Nhà nước không. “Anh không nhất thiết phải là “thuyền trưởng”, tức người cầm lái nhưng anh phải là người định hướng cách đi, tốc độ. Lãnh đạo đường lối là cực kỳ quan trọng”, ông nói. Theo ông, lâu nay ta nói nhiều về một cách đào luyện cán bộ là khi đề bạt phải mạnh dạn chọn người trẻ. “Tôi đồng ý, nhưng chúng ta hay nói chỉ “lên” không có “xuống”. Tôi cho rằng phải hiểu cả chiều ngược lại là chỉ “xuống” chứ không có “lên”. Cán bộ giỏi thì “lên”, kém thì “xuống”, có thành tích thì “lên”, có khuyết điểm thì “xuống”. Đừng lý tưởng hoá một cán bộ, nhất là khi chúng ta mong muốn họ năng động, dấn thân với cái mới”, ĐBQH tỉnh Đồng Nai chia sẻ. 

Quỳnh Vinh (thực hiện)
.
.
.