Tiết kiệm chi, chống tham nhũng, lãng phí chứ đừng “tận thu” thuế
- Cần chống tham nhũng, lãng phí như bảo vệ chủ quyền đất nước
- Chống tham nhũng, lãng phí ...
- Chống tham nhũng, lãng phí đòi hỏi phải có lòng tin và quyết tâm cao
Vậy có nên tăng thuế hay tìm giải pháp khác hiệu quả hơn? Chuyên mục trò chuyện chủ nhật Báo CAND đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, lý do đòi tăng thuế của Bộ Tài chính có hợp lý không?
Ông Ngô Trí Long: Về vấn đề này, cần phân tích theo hai góc độ. Từ phía góc độ Bộ Tài chính, họ đưa ra 3 lý do. Thứ nhất vì bội chi ngân sách là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế. Bội chi khiến Chính phủ phải vay nợ, dẫn đến nợ công tăng. Để tránh điều này, việc đảm bảo thu chi ngân sách là cần thiết. Bộ Tài chính là nơi giữ ngân khố quốc gia, nắm hầu bao của nền kinh tế nên phải cân đối. Giải pháp Bộ này đưa ra là tăng thu để kiếm nguồn chi. Thực tế, thuế nhập khẩu giảm nên thu giảm, phải tăng thuế khác để bù vào.
Lý do thứ 2, theo Bộ Tài chính là xăng dầu là mặt hàng khoáng thạch, có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocarbon thơm, hydrocarbon nặng và một số phụ gia... Việc nâng thuế sẽ giúp giảm thiểu những tác động xấu này.
Thứ 3, Bộ này so sánh giá xăng dầu của Việt Nam với các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc thấy giá của Việt Nam thấp hơn, nên tăng thuế sẽ đẩy giá tăng, nhằm hạn chế “chảy máu”, buôn lậu xăng dầu.
PV: Thực ra, nếu nhìn góc độ này, thì những lý do đó cũng tương đối hợp lý?
Ông Ngô Trí Long: Tôi đồng ý xăng dầu là mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường rất lớn nên phải thu thuế để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, với mức thu hiện tại là 3 nghìn đồng/lít xăng, theo tôi đã là quá cao rồi.
Đặc biệt, khi so sánh với giá nhập khẩu ở mức 9 nghìn đồng/lít, thì riêng thuế môi trường đã chiếm tới 30% giá trị, trong khi thuế nhập khẩu cao nhất chỉ là 20%. Nếu tăng thêm lên 4 nghìn đồng, thì thuế môi trường đã cao hơn gấp đôi thuế nhập khẩu là mức quá vô lý. Đấy là chưa kể hiện nay xăng đang “cõng” tới 7 loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8 trăm ngàn đồng/lít xăng.
Tất cả chi phí này được tính vào giá thành và có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng. Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức kịch khung thì tất cả sẽ lại đổ lên lưng người tiêu dùng mà thôi.
Còn về lý do so sánh với các nước, tại sao Bộ Tài chính không so với Malaysia (cùng khu vực) nhưng giá xăng thấp hơn Việt Nam? Tại sao, Bộ Tài chính không so sánh giá xăng với Mỹ, có thu nhập cao gấp hàng chục lần Việt Nam nhưng giá xăng vẫn thấp hơn? Tại sao Bộ Tài chính chỉ so sánh với Lào, Campuchia là nước không có dầu khai thác trong khi Việt Nam có dầu thô? Việc so sánh này, tôi thấy chưa thuyết phục và rất phiến diện vì Bộ Tài chính chỉ chọn 3 nước có lợi cho việc đề xuất tăng thuế của mình.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính). |
PV: Nhiều ý kiến phản đối chủ yếu vì việc tăng thuế dẫn đến tăng giá xăng dầu gây ảnh hưởng đến đời sống và gây hệ lụy cho chính nền kinh tế?
Ông Ngô Trí Long: Đúng vậy, xăng dầu là mặt hàng đầu vào của cả nền kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến không chỉ kinh tế mà còn cả vấn đề an ninh quốc phòng. Nếu bây giờ thuế môi trường tăng thêm, đồng nghĩa giá xăng tăng thì chi phí đầu vào của các mặt hàng sẽ tăng theo, nhất là chi phí vận tải, mà vận tải của Việt Nam hiện đang cao nhất khu vực. Tiếp tục tăng nữa sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, đẩy mặt bằng giá cả lên cao, dẫn tới sức mua giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đến tăng trưởng, đến đời sống, lạm phát,..
Đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu, nếu chi phí tăng làm giá cả tăng thì năng lực cạnh tranh lại càng yếu. Đấy là chưa kể năng suất lao động của Việt Nam cực kỳ thấp. Mỗi thứ góp một ít, sẽ khiến cho sức cạnh tranh kiệt quệ. Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới. Nếu đánh thuế cao trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều không nên.
Một vấn đề nữa tôi muốn nhấn mạnh đó là theo quy tắc, một đất nước muốn kích thích phát triển thì không tìm cách tăng thuế mà phải giữ ổn định, vì tăng thuế làm giảm sức mua ảnh hưởng đến tăng trưởng. Người dân thu nhập thấp, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Muốn kích thích tăng trưởng, phải kiểm soát lạm phát, giải quyết công ăn việc làm. Việc tăng thuế vô hình trung đang đi ngược lại mục tiêu mà Chính phủ hướng đến. Chúng ta đã có kinh nghiệm nhãn tiền đó là trong các năm 2014, 2015, 2016, khi giảm giá xăng dầu, chúng ta đã kiểm soát được nền kinh tế và đã có thắng lợi rất khả quan trong năm 2017.
PV: Câu chuyện đặt ra là tiếng là tăng thuế môi trường, ngân sách tăng, nhưng thực tế tiền đó có dùng để bảo vệ môi trường hay không? Hay Bộ Tài chính đang tìm cách đập chỗ này, ghép chỗ kia, co kéo tấm chăn ngân sách eo hẹp để che giấu năng lực thu ngân sách yếu kém, khi mà tình trạng trốn thuế, gian lận thuế khiến cho túi ngân sách bị thủng?
Ông Ngô Trí Long: Việc tăng thuế môi trường là nhằm mục đích tăng thu ngân sách để chi cho môi trường, bảo vệ môi trường. Điều hiển nhiên logic này ai cũng thấy, nhưng Bộ Tài chính lại không hề đề cập đến, mà chỉ là nói để nhằm tăng thu, bù chi ngân sách. Điều này dễ gây bất bình trong dư luận vì Bộ Tài chính đang “cấu” vào túi tiền của từng người dân, để đắp đổi cho những khoản chi ngân sách bị đội lên vì nhiều lý do, trong đó có lý do yếu kém nội tại, như công tác quản lý thuế chưa tốt, thất thu còn lớn. Bởi vậy, Bộ Tài chính cần nói rõ hơn về khoản thu từ việc tăng thuế này, công khai minh bạch việc chi sử dụng cho các vấn đề bảo vệ môi trường từ số tiền thu được này. Nhưng theo tôi, Bộ Tài chính thay vì “tận thu” thì hãy mở rộng các đối tượng chịu thuế, đừng nhăm nhăm tăng thuế - chọn cách làm dễ nhất để thu ngân sách. Cũng nói thêm rằng trên thế giới, không phải nước nào cũng đánh loại thuế này, chỉ có một số ít nước áp dụng, trong đó có Việt Nam. Việt Nam không chỉ áp loại thuế này mà còn áp ở mức ngày càng cao, theo kiểu tận thu. Điều này thực sự là không hợp lý.
PV: Nhưng chủ trương cơ cấu ngân sách thì vẫn phải thực hiện, thưa ông?
Ông Ngô Trí Long: Khi ngân sách mất cân đối, điều quan trọng nhất là phải tái cơ cấu cả thu và chi. Thuế dù có tăng đến 10 lần, thu ngân sách có kiếm được nhiều hơn nữa, nhưng chi vẫn lãng phí, vô tội vạ thì việc tăng thu cũng vô nghĩa. Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu phải tái cơ cấu cả chi ngân sách, tức phải tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, thất thoát thì mới hiệu quả.
PV: Nhưng vấn đề thế này: Bộ Tài chính thu ngân sách, nhưng quyết chi lại là Bộ Kế hoạch Đầu tư, thưa ông?
Ông Ngô Trí Long: Đúng vậy, nhưng Bộ Tài chính là “tay hòm chìa khóa”, có khả năng kiểm soát chi. Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng chủ trương năm 2018 tiết kiệm chi thường xuyên 15%, tức nâng lên thêm 5% so với những năm trước. Tiết kiệm chi tức là tăng thu, và điều này là hợp lý, chứ không phải cứ tìm cách “tận thu” như thế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thuế bảo vệ môi trường dự kiến đối với xăng, dầu tăng lên kịch khung, số thu hằng năm sẽ đạt khoảng 55.591 tỷ đồng, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm. Việc điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học). |