“Tham nhũng vặt” nhưng hậu quả không hề “vặt”

Chủ Nhật, 13/01/2019, 11:31
Cuộc chiến chống tham nhũng với khẩu hiệu “lò đã nóng thì củi khô hay củi tươi cũng cháy” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đã và đang luôn trong tình trạng rực hồng. 

Chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2013 đến nay) từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) được thành lập, cuộc đấu tranh PCTN đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Đánh giá về những kết quả này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế” được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Công cuộc PCTN của Đảng thì như thế, tuy nhiên điều mà tác giả băn khoăn, trăn trở và muốn bàn đến ở đây là tình trạng tham nhũng vặt và những hệ quả khôn lường của nó trong các vấn nạn xã hội, đang hàng ngày hàng giờ tác động tới cuộc sống sinh hoạt của mỗi người dân.

Để tìm hiểu về khái niệm “tham nhũng vặt” thì chúng ta hãy cùng nhau truy nguyên khái niệm “tham nhũng” và ý nghĩa của tính từ “vặt”. Theo Khoản 2, điều 1 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Còn về ý nghĩa của tính từ “vặt”, theo từ điển tiếng Việt, “vặt” có nghĩa là nhỏ bé, không quan trọng, nhưng thường có, thường xảy ra. Vậy ghép hai khái niệm trên thì chúng ta tạm hiểu “tham nhũng vặt là hành vi của người có chức vụ,  quyền hạn nhỏ, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhỏ đó vì vụ lợi nhỏ bé, không quan trọng, nhưng thường có, thường xảy ra”.

Từ khái niệm này, chúng ta hãy liên hệ đến các hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại mà lâu nay vẫn được đặt cho cái tên là “tham nhũng vặt”. Trước tiên là hiện tượng “phong bì” đi trước là “phong bì” khôn. Đó là những phong bì người ta vẫn hay chuẩn bị khi đến gặp các bác sỹ, y tá, điều dưỡng hay các nhân viên xếp số tại các phòng khám trong các bệnh viện để bố trí cho người bệnh được khám nhanh, khám sớm. 

Rồi cơ man nào là đội ngũ cò mồi chuyên làm dịch vụ, giải quyết nhanh hồ sơ, giấy tờ tại các bộ phận hành chính, tiếp dân của các cấp chính quyền: xã, phường, quận, huyện... trong cả nước để “phục vụ nhân dân” nhưng việc cấp, đổi chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu, hộ khẩu, sổ đỏ, giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép xây dựng. 

Cũng có thể kể đến những khoản tiền quỹ lớp, phí chống trượt... trong môi trường giáo dục; hay tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền, quà trợ cấp khó khăn, trợ cấp nhân đạo, ủng hộ thiên tai... của một số cán bộ chính quyền tại các địa phương mỗi khi có các đợt ủng hộ và hoạt động nhân đạo. Tất cả những hành vi vụ lợi tưởng như rất nhỏ bé này chính là “tham nhũng vặt”.

Hệ lụy của “tệ tham nhũng vặt” là cản trở quá trình luật pháp hóa các thiết chế xã hội và kéo lùi sự phát triển của cả xã hội đang trên đà hoàn thành mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một khi mà nhà nhà, người người tìm mọi cách lách luật để giành lấy lợi thế cho mình thì đồng nghĩa với việc đang cố gắng phá vỡ quy định “tất cả mọi người dân đều bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước”. 

Cứ ai có tiền, có “quan hệ” thì luật pháp nghiêng về người đó cho nên giá trị răn đe của pháp luật bị vô hiệu hóa. Và trong khi cả thế giới đang bước vào xu thế toàn cầu hóa về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội... thì Việt Nam vẫn tồn tại tư duy và lối hành xử kiểu “phép vua thua lệ làng”. Như vậy chính hệ lụy này tạo thành gót chân Asin của người Việt Nam, là một lực cản mang tính nội hàm, không những làm chậm quá trình phát triển trong nước, mà còn cản trở cơ hội hội nhập với thế giới của Việt Nam. 

Hệ lụy tiếp theo phải kể đến đó là tình trạng mất niềm tin nghiêm trọng của quần chúng nhân dân đối với bộ máy công quyền nhà nước cũng như những người thay mặt Nhà nước thực thi pháp luật hàng ngày. 

Rõ ràng câu chuyện mất niềm tin của người dân từ một việc “nhỏ” từ cấp chính quyền cơ sở trở thành bài học kinh nghiệm “lớn” của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và giữ chính quyền. Trong khi mục tiêu của Đảng đặt ra là xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân nhưng đằng này “tệ tham nhũng vặt” đã biến những công chức bình thường trở thành “quan” để nhận “tham nhũng vặt”.

Hệ lụy của vấn nạn tham nhũng vặt là hiện tượng vô cảm của những công chức Nhà nước khi cung cấp các dịch vụ hành chính hoặc thực thi các quyền lợi chính đáng của công dân theo kiểu “hành là chính”. 

Mặc dù công cuộc cải cách hành chính được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như “một cửa, một dấu”, “một cửa liên thông”, “tất cả vì sự hài lòng của người dân”... nhưng trong thực tế người dân muốn nhanh, gọn, sớm thì đều phải chi tiền lót tay, tiền bồi dưỡng. 

Đã có rất nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” của người dân khi đến cửa quan được báo chí phản ảnh, trong đó, vô cảm nhất là việc người dân khi đi làm giấy đăng ký khai tử cho người thân cũng bị nhân viên tư pháp hẹn lên hẹn xuống. Đau xót hơn là thái độ vô cảm không chỉ diễn ra giữa những người thực thi pháp luật, chính sách của nhà nước với người dân mà còn diễn ra trong chính nội bộ đội ngũ cán bộ công chức.

Vậy trong mỗi chúng ta, thiết nghĩ ai cũng phải tự đặt cho mình câu hỏi cần có trách nhiệm với việc đấu tranh, phòng chống “tham nhũng vặt”. Để đạt được mục tiêu này, thiết nghĩ chúng ta cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức cho đội ngũ công chức, những người thực hiện giải quyết các công việc của Nhà nước, trong đó có việc phục vụ lợi ích và quyền lợi chính đáng của người dân. 

Những “người đày tớ của nhân dân” cần phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức đúng đắn về quyền hạn và nghĩa vụ là công bộc của nhân dân. Tất cả các trụ sở của cơ quan Nhà nước đều phải kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng, trong đó cần nhấn mạnh đến tệ “tham nhũng vặt”, công khai đường dây nóng để phản hồi về thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phục vụ. 

Tuyên truyền rộng rãi về quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, kiên trì rèn luyện cho đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước đức tính liêm khiết, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phê phán, lên án, đấu tranh chống mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, trọng liêm sỉ, danh dự và biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí, trong đó có tham nhũng vặt.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chú trọng việc nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của người dân. Chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trở thành một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hàng ngày thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lách luật, lựa luật hay bất chấp pháp luật để đạt được mục đích của mình.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín... Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những sai phạm của đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước trong công cuộc phục vụ nhân dân.

Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình và đưa tiêu chí sự thuận tiện, hài lòng của người dân trở thành một mục trong nhận xét, đánh giá kết quả công việc của đội ngũ cán bộ nhà nước.

Nguyễn Hồng Hạnh
.
.
.