“Tàu 67”: Ngân hàng ngại cho vay, ngư dân ngại trả nợ
Khó khăn, rủi ro vây bủa
Dù mang tính đặc thù nhất định, nhưng các ngân hàng (NH) tham gia cho vay “tàu 67” hiện nay đang rất “tâm tư” khi giải ngân vốn vì phải đối mặt với hàng loạt rủi ro. Cho vay “tàu 67”, tài sản đảm bảo tiền vay chính là con tàu.
Thế nhưng, với đặc thù của nghề biển hoạt động trên ngư trường rộng lớn, đánh bắt khắp nơi, neo đậu tàu tại các cảng lớn ở các địa phương, gây khó khăn cho NH trong việc kiểm tra, giám sát tài sản đảm bảo và nguồn thu nhập của ngư dân, nhất là trong trường hợp chủ tàu không hợp tác tích cực.
Hiệu quả khai thác của tàu vỏ sắt hiện nay không cao. |
Trong khi NH thì không thể áp dụng được phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vì thiết bị liên lạc trên biển của ngư dân chỉ có sóng 2G. Bên cạnh đó, ngành đánh bắt hải sản trên biển rủi ro cao, hoặc nếu ngư dân đánh bắt cá vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, hoặc thậm chí tham gia hoạt động buôn lậu trên biển,… thì lúc đó tài sản đảm bảo tiền vay có nguy cơ bị tổn thất.
“Việc cho vay đối mặt với nhiều rủi ro và đã từng có bài học về cho vay đánh bắt xa bờ trước đây. Thời điểm năm 1993, NH cho vay đánh bắt xa bờ 56 tỷ đồng, sau 6-7 năm thực hiện chỉ thu được có 7 tỷ đồng.
Hiện nay, một số ngư dân xem chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, do vậy không chú trọng tính toán hiệu quả, tìm mọi cách vay vốn, hoặc tâm lý làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho NH, coi như ngư dân không còn nợ, rất nguy hiểm đến an toàn vốn.
Trong khi đó, nguồn vốn cho vay “tàu 67” được huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế, và vẫn phải tuân theo nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn” – một cán bộ tín dụng tâm sự.
Hiện nay, có đến trên 90% khách hàng vay vốn theo NĐ 67 là hộ gia đình và cá nhân. Do trình độ học vấn thấp nên hầu hết người vay không có khả năng nghiên cứu hồ sơ kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ vay vốn, lập phương án kinh doanh hoặc chứng minh được khả năng tài chính, nguồn nhân lực chưa đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại.
Ngoài ra, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên nhiều ngư dân còn lúng túng, gặp khó khăn trong việc lựa chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và giám sát thi công. Ở nhiều địa phương thiếu các cơ sở đóng tàu hoặc các cơ sở đóng tàu chưa đủ điều kiện để đóng mới và cải hoán tàu cá cỡ lớn…
Đặc biệt hơn, việc sử dụng tàu vỏ sắt đi biển thời gian đầu thường xuyên bị hư hỏng thiết bị, buộc phải sửa chữa, trong khi đó sự phối hợp giữa chủ tàu với các công ty đóng tàu chưa tốt, chưa đồng thuận về trách nhiệm các bên nên thời gian khắc phục các sự cố kéo dài, phát sinh chi phí, gián đoạn thời gian đi biển,… dẫn đến hiệu suất khai thác không cao.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm đánh bắt, sử dụng các trang thiết bị trên tàu của chủ tàu và các thuyền viên còn hạn chế. Việc khai thác chưa hiệu quả dẫn đến khả năng trả nợ khó khăn. Mặt khác, chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm, hoạt động đăng kiểm đối với “tàu 67” cũng còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho ngư dân và rủi ro cho NH…
Cần nhiều sửa đổi
Tại Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67- Những vấn đề cần đặt ra” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá nên chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg.
Chính phủ cần sớm xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 quy định thêm một số vấn đề như: Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng; hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67; Quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng. Nên xem xét cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67, để ngư dân có nhiều lựa chọn...
Là ngân hàng thương mại hiện chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay “tàu 67”, Agribank đề xuất một số giải pháp.
Một là, áp dụng chính sách ưu đãi có chọn lọc, ưu tiên mô hình tổ chức sản xuất có tính liên kết cao; áp dụng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư.
Hai là, gắn chặt trách nhiệm của ngư dân với con tàu và khoản vay bằng tài sản đảm bảo là bìa đất, nhà ở...; đồng thời duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại NĐ67 (11 năm đối với tàu vỏ gỗ hoặc tàu được nâng cấp, 16 năm đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới được đóng mới).
Ba là, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật vận hành thiết bị; phối hợp giữa Hiệp hội Nghề cá, các mô hình, tổ đội đánh bắt thủy sản, dịch vụ hầu cần và các cơ quan chức năng để cùng các ngân hàng thương mại giám sát, quản lý việc tiêu thụ sản phẩm, quản lý dòng tiền của ngư dân để việc trả nợ được minh bạch và hiệu quả…