Trò chuyện Chủ nhật

Tạo hành lang pháp lý bảo đảm an ninh mạng

Chủ Nhật, 29/10/2017, 10:12
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được Ủy ban thẩm tra, đánh giá kỹ, trong đó nêu rõ sự cần thiết cũng như chỉ ra những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Tại kỳ họp này, trên cơ sở tờ trình và hồ sơ dự án, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, làm rõ những vấn đề được người dân quan tâm.

Phóng viên Trò chuyện Chủ nhật có cuộc trao đổi với Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, trong thời đại ngày nay, không gian mạng đã có những tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như vậy, hằng năm các thế lực thù địch và tội phạm đã lợi dụng không gian mạng để thực hiện hàng nghìn cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (ANQG).

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức.

Mục tiêu của các cuộc tấn công mạng nhằm vào hạ tầng truyền dẫn vật lý như: cáp truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia, hạ tầng dịch vụ lõi, hệ thống điều khiển tự động hóa Scada của các cơ sở quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh.

Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết, vừa để bảo vệ ANQG, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác quốc tế giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới.

Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, chúng ta đã có Luật An ninh quốc gia, đặc biệt là Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội thông qua năm 2015. Vậy, nay ban hành Luật An ninh mạng liệu có chồng lấn với hai đạo luật, đề nghị Thiếu tướng phân tích rõ hơn về điểm này?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Theo dự thảo Luật An ninh mạng do Chính phủ trình Quốc hội, luật này tập trung điều chỉnh về hoạt động bảo vệ ANQG trên không gian mạng và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng về ANQG; giữ gìn TTATXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết, linh hoạt cho việc triển khai các hoạt động này trong thực tế.

Trong khi đó, Luật ANQG là đạo luật quy định nguyên tắc, nội dung cơ bản về bảo vệ ANQG còn Luật An toàn thông tin mạng điều chỉnh về các hoạt động nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin trên mạng giữa chủ thể truyền gửi và chủ thể tiếp nhận, sử dụng thông tin.

Như vậy, rõ ràng Luật An ninh mạng có đối tượng, phạm vi điều chỉnh riêng, không trùng với hai luật trên. Môi trường mạng là môi trường hoạt động hoàn toàn khác với môi trường truyền thống đã được điều chỉnh trong Luật ANQG nên việc sửa đổi, bổ sung Luật ANQG hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm điều chỉnh những nội dung mới về an ninh mạng là chưa thể bảo đảm trọn vẹn công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ ANQG trên môi trường mạng.

PV: Trong dự thảo Luật An ninh mạng có quy định Bộ Công an thẩm định, đánh giá chứng nhận hợp quy, kiểm tra, đánh giá an ninh mạng trước khi đưa vào sử dụng đối với hệ thống thông tin quan trọng về ANQG. Vậy mục đích của việc này là gì, tính khả thi và có gây khó khăn gì cho cơ quan chủ quản hay không?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Nhiều đối tượng tìm mọi cách để tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hủy hệ thống bảo mật về ANQG, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chủ quyền, lợi ích, ANQG và TTATXH.

Do vậy, rất cần thiết phải bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về ANQG ngay từ khi được xây dựng, nâng cấp, mua sắm, trang bị các thiết bị, ứng dụng… theo nguyên tắc kiểm tra, đánh giá trước, sử dụng sau và thường xuyên kiểm tra trong quá trình sử dụng.

Việc vào cuộc từ sớm của cơ quan Công an để thẩm định, đánh giá chứng nhận hợp quy, kiểm tra, đánh giá an ninh mạng trước khi đưa vào vận hành, sử dụng không những nhằm phối hợp với cơ quan chủ quản hệ thống loại bỏ các nguy cơ, dấu hiệu đe dọa về an ninh mạng mà còn áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Công an để nhằm bảo vệ tốt nhất cho các hệ thống này.

Các hoạt động bảo vệ này có thể phát sinh thêm thủ tục hành chính, nhưng không làm cản trở hoạt động mà nó góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong môi trường mạng an toàn nhất. Trong những năm qua, Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của nhiều bộ, ngành trước khi đưa vào vận hành, sử dụng.

Bên cạnh đó, rất nhiều các cơ quan, tổ chức đã chủ động đề nghị cơ quan Công an thẩm định và bảo mật hệ thống thiết bị điện tử cho họ trong quá trình sử dụng để có được sự an toàn nhất trong môi trường mạng.

PV: Hiện nay, một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra khá phức tạp. Vậy các hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào theo Luật An ninh mạng? Ngoài xử lý cá nhân có hành vi trên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có bị xử lý hay chịu trách nhiệm không?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi làm nhục, vu khống, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với những cấu thành tội phạm và mức, loại hình phạt cụ thể. Việc lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi này nếu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi.

Dự thảo Luật An ninh mạng không quy định việc xử lý hình sự các cá nhân vi phạm, mà tập trung quy định các biện pháp kỹ thuật và biện pháp hành chính để ngăn chặn, xóa bỏ thông tin; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan gỡ bỏ, đính chính thông tin; tạm đình chỉ, đình chỉ, yêu cầu ngừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của dịch vụ đăng tải thông tin theo quy định của pháp luật… Còn việc điều tra, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự hiện hành.

Các biện pháp kỹ thuật và biện pháp hành chính nêu trong dự thảo Luật An ninh mạng tùy thuộc vào nội dung biện pháp và đối tượng vi phạm để áp dụng cho phù hợp. Có biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, có biện pháp được áp dụng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

PV: Tình trạng để lộ lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng khá phổ biến, nhưng việc xử lý chưa rõ ràng, nghiêm khắc. Vậy, Luật An ninh mạng có giải quyết được điều này không và việc xử lý sẽ được thực hiện như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Trước hết, chúng ta tiếp cận từ mục đích và phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng. Việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm tập trung điều chỉnh về hoạt động bảo vệ ANQG trên không gian mạng và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng về ANQG; đồng thời, quy định những nội dung cơ bản về bảo đảm TTATXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết, linh hoạt cho việc triển khai các hoạt động này trong thực tế.

Với cách tiếp cận đó, dự thảo không quy định cụ thể việc xử lý các hành vi làm lộ lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, dự thảo đã đưa các hành vi trên vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 và phòng, chống xâm phạm thông tin cá nhân trên không gian mạng tại Điều 23. Theo đó, luật quy định xử lý hành vi chiếm đoạt, tiết lộ thông tin thuộc sở hữu của người khác gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy, thay đổi, xóa các thông tin, nội dung của thông tin thuộc sở hữu của người khác được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; thu giữ thông tin thuộc sở hữu của người khác trái pháp luật…

Có thể nói, trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng sau khi được ban hành đã và sẽ quy định khá đầy đủ về các biện pháp, chế tài xử lý đối với loại hành vi này, sẽ không để lọt hành vi vi phạm pháp luật.

PV: Trong tình hình công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, dư luận lo lắng về chiến tranh mạng, vậy Luật An ninh mạng đề cập tới tình hình này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Không gian mạng là môi trường đặc thù và ở trên môi trường này có thể các hành vi xâm phạm ANQG với các mức độ, hình thức khác nhau, trong đó có loại tấn công được gọi là chiến tranh mạng, tấn công mạng làm sai lệch một chương trình phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia; khủng bố mạng, tình huống nguy hiểm khác về an ninh mạng, hoặc nguy cơ sẽ xảy ra tình huống nguy hiểm khác về an ninh mạng.

Theo dự thảo Luật An ninh mạng, việc phòng, chống các tình huống trên đều đã được quy định tương đối cụ thể, chi tiết. Riêng phòng, chống chiến tranh mạng được quy định tại Điều 26, đây là nội dung có liên quan đến hoạt động tác chiến bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang, không thể quy định cụ thể, công khai trong Luật An ninh mạng. Phòng, chống chiến tranh mạng là trách nhiệm của toàn xã hội, Nhà nước huy động mọi lực lượng tham gia phòng, chống chiến tranh mạng và dự thảo Luật đã giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì phòng, chống chiến tranh mạng.

PV:  Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

P.Thủy
.
.
.