Tạo điều kiện tối đa cho người dân về cư trú, đi lại

Thứ Bảy, 22/08/2020, 07:32
Quản lí dân cư bằng công nghệ 4.0 – nhiều lợi ích với người dân và doanh nghiệp – là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến do Báo CAND tổ chức vào sáng 21-8 nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin cập nhật nhất và góp phần hỗ trợ các cơ quan chức năng nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân liên quan đến vấn đề cư trú.


Tham dự buổi giao lưu có Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND; Đại tá Trần Thanh Phong, Phó Tổng Biên tập Báo CAND cùng 3 vị khách mời là: Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH); Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Bộ Công an; bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam – nhà tài trợ của buổi giao lưu trực tuyến...

Bước ngoặt để quản lý công dân bằng mã số định danh cá nhân

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, cư trú được hiểu là “việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến. Ảnh: Phong Sơn

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp công dân tự do cư trú và làm việc, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng, do Bộ Công an chủ trì, khẩn trương xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trong đó, đưa các nội dung đăng ký cư trú bằng nền tảng công nghệ số, quản lý thông qua mã số định danh cá nhân và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú.

“Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa giúp người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên, cũng như tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc giải quyết các thủ tục đó giữa cơ quan Nhà nước và người dân” – Đại tá Phạm Khải khẳng định và nhấn mạnh buổi giao lưu nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về những quy định mới trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đồng thời chuyển tải quan điểm, nguyện vọng của công dân tới cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng Luật.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu khách mời khẳng định, quan điểm của Bộ Công an trong xây dựng Luật Cư trú là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, giúp họ có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ tại nơi mình sinh sống, học tập, lao động và cũng giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế, xã hội.

Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, bỏ sổ hộ khẩu tức là chúng ta thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, còn việc quản lý dân cư, quản lý cư trú thì bất cứ Nhà nước nào cũng phải thực hiện. Luật Cư trú (sửa đổi) có điểm đổi mới nổi bật nhất là sẽ bỏ điều kiện thường trú, tạm trú ở thành phố trực thuộc Trung ương để áp dụng thống nhất một điều kiện là công dân có chỗ ở hợp pháp ở chỗ nào thì đăng ký thường trú ở chỗ đó.

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu khẳng định, Luật Cư trú (sửa đổi)  để tạo ra cơ sở pháp lý nhằm thay đổi cơ chế quản lý dân cư từ thủ công, lỗi thời, lạc hậu, sang phương thức quản lý điện tử qua mã định danh cá nhân. Mỗi người theo đó sẽ được cấp mã định danh cá nhân 12 chữ số, mã hoá thông tin cần thiết về cá nhân đó, phục vụ công tác quản lý xã hội và quản lý dân cư.

Luật Cư trú (sửa đổi) lần này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để thay đổi toàn bộ phương thức quản lý chứng minh thư, sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú từ rất thủ công sang công nghệ 4.0.

Đại tá Ngô Như Cường cho biết thêm, mã số định danh là một dãy số tự nhiên do Bộ Công an thống nhất quản lý, được quy định trong Luật Căn cước công dân và những quy định do Bộ Công an hướng dẫn. Hiện nay, Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam không trùng lặp. Theo Nghị định 137/CP ngày 31-12-2015, mã số định danh là dãy số tự nhiên gồm 12 số, trong đó chứa đựng các thông tin về mã tỉnh, giới tính, năm sinh, và đuôi là dãy số tự nhiên cấp cho từng công dân.

Theo Đại tá Ngô Như Cường, việc bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ việc quản lý hộ khẩu mà các thông tin trong sổ hộ khẩu giấy hiện nay sẽ được chuyển sang thu thập, cập nhật trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tức là Nhà nước sẽ quản lý bằng dữ liệu điện tử các thông tin về cư trú của công dân. Việc sử dụng thông tin thì luật hiện hành đã quy định là công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình. Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn khai thác, chia sẻ để công dân được thông suốt, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong việc khai thác dữ liệu.

Cũng theo Đại tá Ngô Như Cường dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), công dân có nhu cầu đăng ký tạm trú, thường trú thì nộp hồ sơ tại Cơ quan Công an nơi mình cư trú. Khi Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được vận hành, công dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan Công an hoặc qua mạng theo hướng dẫn của Bộ Công an.

Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND tặng hoa các vị khách mời. Ảnh: Phong Sơn

Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu cũng cho biết, đề xuất sửa đổi Luật Cư trú và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) là hai chủ trương lớn của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Hai nhiệm vụ này được tiến hành song song với nhau: Xây dựng CSDLQGDC là để thay đổi phương thức quản lý cư trú đã lỗi thời, lạc hậu sang quản lý bằng công nghệ số; còn sửa đổi luật Cư trú là để tạo ra cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, hai việc này được tiến hành song song, đồng thời. Dự kiến, ngày 1-7-2021, khi luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được đưa vào vận hành.

Tạo điều kiện cho người dân tối đa về cư trú

Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến sổ hộ khẩu, điều kiện thường trú, tạm trú, đặc biệt là việc nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương để đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho bản thân và gia đình... đã được các vị khách mời là các chuyên gia giải đáp. Đặc biệt, các vấn đề lâu nay gần như bế tắc, rất khó giải quyết trong việc nhập, tách hộ khẩu của công dân như vợ chồng ly hôn người vợ/chồng không còn cư trú tại nơi ở cũ nhưng không chịu chuyển hộ khẩu, hoặc ngược lại họ muốn chuyển hộ khẩu nhưng chủ hộ gây khó dễ, không chịu làm thủ tục đều được các đại biểu khách mời trả lời thấu đáo, rõ ràng, dễ hiểu.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc làm thế nào để cắt được hộ khẩu của vợ khi hai vợ chồng đã ly hôn hơn 3 năm, hiện sắp cưới vợ mới nhưng vợ cũ không chịu chuyển hộ khẩu, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu cho biết, sau khi ly hôn, người chồng hoàn toàn có thể tách vợ cũ ra khỏi hộ khẩu và nhập hộ khẩu cho vợ mới với điều kiện  phải cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan như: Quyết định giải quyết ly hôn của Tòa án và đăng ký kết hôn với vợ mới để Cơ quan Công an biết và giải quyết việc đăng ký thường trú cho vợ mới.

Khi vợ cũ không còn sống tại địa chỉ đăng ký thường trú nữa thì theo khoản 1 Điều 26 Luật Cư trú (sửa đổi), người đã đăng ký thường trú mà chuyển chỗ ở đến chỗ ở hợp pháp khác trong thời hạn 12 tháng có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định tại Điều 22 của Luật này. Do vậy, vợ cũ phải có trách nhiệm thực hiện đăng ký thường trú ở chỗ ở mới nếu đủ điều kiện, còn trường hợp vợ cũ của độc giả không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở mới thì vẫn được giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở cũ.

Tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra về Luật Cư trú sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã bày tỏ trăn trở khi có người gọi điện cho Bộ trưởng cầu cứu về việc đã ly hôn nhưng không chuyển được hộ khẩu khỏi nhà chồng cũ do mẹ chồng không đồng ý. Bộ trưởng cho biết, qua khảo sát có khoảng 3.000 người phụ nữ trong hoàn cảnh như vậy.

Tại buổi giao lưu trực tuyến của Báo CAND, một phụ nữ đã ly hôn chồng đã 5 năm nhưng vì mâu thuẫn trước đó cũng rất ấm ức khi nói về việc mẹ chồng không cho chuyển hộ khẩu đi với các lý do như bận, không có thời gian, và cũng không cho mượn hộ khẩu để làm các thủ tục hành chính. Người phụ nữ này muốn hỏi phải làm thế nào để chuyển được hộ khẩu? Luật Cư trú (sửa đổi) có xử lý được người cố tình gây khó khăn về hộ khẩu cho người khác hay không?

Trả lời câu hỏi trên, Đại tá Ngô Như Cường cho biết, theo quy định của Luật Cư trú, thủ tục đăng ký thường trú bao gồm phiếu báo thay đổi hộ khẩu và giấy chuyển hộ khẩu. Để được giấy chuyển hộ khẩu, công dân phải viết phiếu báo và xuất trình sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, vì không có sổ hộ khẩu nên không làm được giấy chuyển hộ khẩu. Đây là một trong những tồn đọng, vướng mắc của Luật Cư trú.

“Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, bạn cần kiến nghị với Cơ quan Công an nơi cư trú để đề nghị Cơ quan Công an giúp đỡ, yêu cầu người giữ sổ hộ khẩu phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cung cấp sổ để bạn làm thủ tục hành chính. Trường hợp cố tình thì sẽ đề nghị Cơ quan Công an xử lý vi phạm hành chính” – Đại tá Ngô Như Cường hướng dẫn và cho biết, để giải quyết vướng mắc trên, Luật Cư trú (sửa đổi) hoàn toàn xử lý được vấn đề này, bởi luật đã bỏ sổ hộ khẩu nên trong thủ tục đăng ký cư trú sẽ không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu nữa, công dân chỉ cần khai tờ khai thay đổi nơi cư trú. Cơ quan Công an sẽ cập nhật thông tin thay đổi trên cơ sở dữ liệu, đồng thời báo lại cho công dân biết.

Bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện nay, có hàng triệu người đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không nhập được hộ khẩu vì không đủ điều kiện. Trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an đề nghị bỏ sổ hộ khẩu giấy; bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô. Biết quy định này, nhiều người rất mừng vì sắp tới sẽ được trở thành “công dân loại 1”, không phải chịu cảnh “con đẻ, con nuôi” khi sinh sống, làm việc học tập ở các thành phố trực thuộc Trung ương nữa.

Nhưng, cũng có nhiều người lo lắng, việc bỏ điều kiện nhập khẩu vào các thành phố lớn, nhất là Hà Nội thì sẽ tạo “làn sóng” nhập khẩu vào Hà Nội, gây khó khăn, quá tải cho hạ tầng.

Trả lời câu hỏi này, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu cho biết, khi xây dựng dự thảo Luật, Bộ Công an đã tiến hành khảo sát ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; nghiên cứu tài liệu về thành phố Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng. 3 TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chưa đủ dân số để bảo đảm quy định của Chính phủ là thành phố trực thuộc Trung ương.

Áp lực về dân số hiện chỉ có TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc tăng dân số cơ học của 2 thành phố này không phải do quản lý dân cư mà còn phụ thuộc các yếu tố khác như: Việc làm, y tế, giáo dục, môi trường sống. Do vậy, điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Công an bỏ.

Việc bỏ điều kiện riêng để thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân – Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu kiến nghị.

Đại tá Ngô Như Cường nhấn mạnh, vấn đề di chuyển lao động từ nông thôn ra đô thị không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. “Qua tổng kết theo dõi, chúng tôi thấy điều kiện đăng ký thường trú ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ hạn chế được người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được dân số. Ví dụ quận Thanh Xuân, Hà Nội tăng 40% người tạm trú, hay huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cũng có số lượng tăng tương tự. Giải pháp căn cơ về vấn đề dân cư là quy hoạch, xây dựng và các yếu tố khác, chứ Luật Cư trú không ảnh hưởng nhiều” – Đại tá Ngô Như Cường nhấn mạnh.

Trả lời về vấn đề lao động, việc làm khi bỏ điều kiện nhập khẩu vào thành phố trực thuộc Trung ương, bà Trần Thị Vân Hà cho biết, việc bỏ điều kiện cư trú không liên quan đến việc làm, việc người lao động di chuyển từ nông thôn ra đô thị hay ra nước ngoài không ảnh hưởng gì. Việc tìm việc làm chỉ ảnh hưởng đến lý lịch tư pháp, độ tuổi, bằng cấp, không liên quan đến tạm trú hay thường trú, không có hộ khẩu Hà Nội không ảnh hưởng đến việc xin việc làm.

Hồ sơ xin việc có bộ sơ yếu lý lịch và các điều kiện về bằng cấp nên việc giảm bớt các thủ tục về cư trú không ảnh hưởng đến nhu cầu tìm việc của người lao động. Về vấn đề gây quá tải hạ tầng, trước đây chúng ta đã có quy hoạch các khu Công nghiệp ở các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… nên những nơi này mới tập trung đông người lao động, còn Hà Nội chỉ tập trung các cơ quan hành chính, do đó không chịu áp lực nặng nề về hạ tầng, trong đó có giao thông.

“Hiện nay, đúng là có hộ khẩu tại các đô thị lớn thì người ta yên tâm hơn trong một số việc như đăng ký phương tiện giao thông.... Thế nhưng không có thì cũng không sao, bạn vẫn đi lại bình thường, mua nhà bình thường. Bên cạnh đó, khi có công việc tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, chỉ cần người lao động có thu nhập đủ trang trải sinh hoạt phí, cho con cái đi học, thuê nhà... thì đã có thể tạm trú rồi.

Việc có hộ khẩu hay tạm trú không ảnh hưởng gì. Về luồng di cư, vấn đề này phụ thuộc vào quy hoạch của các đô thị, các đô thị cần tính toán giãn cách dân cư để nhà ở không tập trung quá đông, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, giao thông.

Đây là một bước đi lâu dài” – bà Trần Thị Vân Hà nhấn mạnh và lấy ví dụ ở Hà Nội thì chỉ nên có các cơ quan, doanh nghiệp tập trung không quá đông người lao động để tránh gây quá tải cho hạ tầng, nhà ở... Tại các tỉnh, thành phố lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, nơi có nhiều khu công nghiệp và tập trung lượng lớn lao động thì cần tính toán đến quy hoạch để phù hợp.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu khách mời cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc Báo CAND liên quan đến việc làm, điều kiện phương thức, đăng ký thường trú, tạm trú...; giải đáp các thắc mắc, lo lắng về các giao dịch dân sự, đăng ký điện nước... khi không còn sổ hộ khẩu giấy.

Kết thúc buổi giao lưu trực tuyến, thừa ủy quyền của Đại tá Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND, Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng Ban Điện tử Báo CAND khẳng định việc xây dựng Luật cư trú sửa đổi, đưa các nội dung đăng ký cư trú lên nền tảng công nghệ số để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được thực hiện quyền tự do cư trú và lựa chọn nơi cư trú đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể hoàn tất thủ tục đăng ký tạm trú, để “an cư lập nghiệp” hoặc đơn giản là đi du lịch, dã ngoại…đảm bảo tối đa quyền tự do cư trú, tự do đi lại cho mọi người dân.

Phương Thuỷ
.
.
.