Sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:11
Trong những ngày tháng Bảy thiêng liêng này, dọc theo chiều dài đất nước, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những dòng người thành kính tìm đến các nghĩa trang liệt sỹ để dâng hương tưởng niệm bày tỏ sự tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ.

Nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà đối với các thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công cũng đã được tổ chức rộng khắp các địa phương trong cả nước. 

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, triệu triệu  người con đất Việt đã đứng lên cầm súng ra trận để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong số đó có rất nhiều người đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình, vĩnh viễn nằm lại chiến trường hoặc chịu mất một phần thân thể để góp phần làm nên chiến thắng.

Sau hơn 42 năm đất nước thống nhất, hiện cả nước có trên 9 triệu đối tượng người có công với cách mạng; có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127.000 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh…Trong số đó có hơn 14.700 liệt sĩ CAND; hơn 4.200 thương binh, 2.300 bệnh binh.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. 

Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên). Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm ngày “Thương binh toàn quốc”. 

Trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Bác viết:“Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. 

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong suốt 70 năm qua công tác thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Sự chăm lo cả về vật chất, lẫn tinh thần bằng nhiều hình thức, nguồn lực đã được thực hiện nhằm đền đáp bù đắp phần nào sự mất mát, hy sinh của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng là dịp chúng ta bày tỏ sự tri  ân những người có công với đất nước, ngoài việc  góp công, góp sức làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, thế hệ những người đang sống hôm nay đặc biệt là lớp trẻ cần phải sống xứng đáng hơn với sự hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước. 

Sau hơn 42 năm đất nước thống nhất, đất nước đã có những bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Trên những chiến trường, hố bom xưa nơi các anh nằm xuống nay những nhà trẻ, trường học, nhà máy, khu công nghiệp… đã nối tiếp mọc lên là những biểu hiện cụ thể và minh chứng sinh động về hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động, đổi mới và ngày càng giàu mạnh. 

Tháng Bảy, tri ân về sự hy sinh của các thế hệ đi trước, chúng ta càng hiểu thêm những giá trị của nền độc lập, tự do của đất nước mà thế hệ cha anh đã mang lại. 

Trong những vị trí, phần việc của mình thế hệ trẻ hôm nay phải luôn rèn đức, luyện tài, có ý chí vươn lên, có hoài bão lớn lao, cống hiến ngày càng nhiều cho đất nước, xứng đáng với ước nguyện của những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đức Thọ
.
.
.