Sẽ rút giấy phép nhà máy thủy điện không tuân thủ quy định

Thứ Bảy, 18/03/2017, 07:24

Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập nhóm công tác liên bộ làm việc với các địa phương có thủy điện lớn hoặc số lượng thủy điện nhiều và sẽ rút giấy phép đối với dự án không tuân thủ quy định.

Sáng 17-3, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị về vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện. Những bất cập tiếp tục được mổ xẻ nhằm đưa ra những khuyến nghị cho công tác quản lý trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Gần 60 năm qua, các thủy điện ở Việt Nam “đã làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình và là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng không phủ nhận “các hồ đập thủy điện đang tiềm ẩn nguy cơ cho vùng hạ du nếu các thủy điện vận hành không an toàn. Do vậy, việc thẳng thắn nhìn nhận tồn tại để có biện pháp xử lý, phát huy thế mạnh, hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong tương lai là việc làm cần thiết và cấp bách”.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 17.615 MW, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên. 

Thủy điện trở thành nỗi bức xúc của người dân nhiều địa phương.

Tuy nhiên, ngoài lợi ích kinh tế về giá, tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thuỷ điện còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ khâu đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, quản lý... vốn gây bức xúc cho xã hội trong thời gian vừa qua.

Việc xảy ra một số sự cố trong quá trình xây dựng hoặc mới đưa vào sử dụng của các thủy điện Đăk Mek (Kon Tum), Đakrông 3 (Quảng Trị), Sông Bung 2 (Quảng Nam), Ia Krel 2 (Gia Lai); hay trong vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ (thủy điện Hố Hô - tỉnh Hà Tĩnh) đã là thông điệp cảnh báo tới những người xây dựng chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học cần phải chung tay hành động, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan cùng với những hạn chế chủ quan của con người: áp lực tiến độ, hạn chế về nhận dạng rủi ro; một số quy định về quản lý và kỹ thuật đã trở nên kém hiệu quả và không còn phù hợp.

Những tác động tiêu cực của thủy điện lên đời sống của cư dân địa phương và xung đột trong việc sử dụng nguồn nước khiến lãnh đạo nhiều địa phương ở miền Trung đã từng phải lên tiếng phản đối.

Tháng 12-2016, tại đối thoại “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung, Tây Nguyên”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kì Minh cũng cho rằng Việt Nam phát triển thủy điện là “một sự đánh đổi cần cân nhắc kỹ”.

“Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tiêu cực lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhưng các kế hoạch phát triển thủy điện hiện tại chưa xem xét và tích hợp vấn đề này.

Những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai và những sự cố về ngập lụt hạ lưu các công trình thủy điện ở miền Trung cho thấy, thủy điện Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức đối với môi trường sinh thái, xã hội và an ninh con người” – ông Minh nhấn mạnh.

Tại hội nghị lần này, Bộ Công Thương hứa trước mắt sẽ chủ động đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập nhóm công tác liên bộ làm việc cụ thể với các địa phương có thủy điện lớn hoặc số lượng thủy điện nhiều để thống nhất các biện pháp cụ thể cũng như phân cấp trách nhiệm rõ ràng; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc đôn đốc kiểm tra các đập thủy điện tại địa phương mình quản lý.

Đáng chú ý, Bộ này sẽ tính đến cơ chế giá linh hoạt, bù đắp chi phí để thủy điện đảm bảo tốt vai trò – điều tiết lũ và cung cấp điện hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng cơ chế cụ thể cho hoạt động quan trắc, bảo vệ môi trường, khắc phục những tồn tại yếu kém trong thời gian qua. Bộ này cho biết sẽ có chế tài xử lý mạnh như rút giấy phép đối với các chủ dự án không tuân thủ quy định.

Vũ Hân
.
.
.