Quyền tiếp cận thông tin và trách nhiệm công dân

Chủ Nhật, 22/11/2015, 09:32
Những thông tin nào của Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân mà người dân được biết? Làm gì để chống đặc quyền, đặc lợi về thông tin, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện công bằng xã hội… đang là những câu hỏi người dân hết sức quan tâm. 
Nhân Quốc hội thảo luận dự thảo Luật tiếp cận thông tin, chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” dành cuộc trao đổi với Thạc sĩ luật học Trần Văn Duy, chuyên viên nghiên cứu Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam để sáng tỏ những vấn đề nói trên. 
Phóng viên (PV): Thưa Thạc sĩ Trần Văn Duy, ông có thể cho biết cơ sở mà Quốc hội xây dựng Luật tiếp cận thông tin và cốt lõi của quyền tiếp cận thông tin là gì?

Thạc sĩ Trần Văn Duy: Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992, mới nhất là Hiến pháp 2013 của nước ta đều quy định công dân có quyền được thông tin. Để công dân thực hiện quyền ấy, đồng thời chống vi phạm quyền tiếp cận thông tin, chống đặc quyền, đặc lợi về thông tin… thì phải có luật điều chỉnh các quan hệ pháp luật đó.

Hiểu đơn giản, Quyền tiếp cận thông tin là công dân có quyền được biết những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được thông tin những vấn đề cấp thiết, gắn liền với cuộc sống hàng ngày… Quyền được thông tin của người dân phản ánh bản chất chế độ xã hội ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; công việc quốc gia phải được cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

PV: Những thông tin nào người dân được tiếp cận, để qua đó thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin, thưa ông?

Thạc sĩ Trần Văn Duy: Quy định cụ thể hiện Quốc hội đang bàn thảo, và sẽ chính thức khi được phê chuẩn, ban hành luật. Theo quan điểm của tôi, thể chế hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp 2013 về việc ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân thì ngoại trừ những thông tin thuộc bí mật Nhà nước, thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, ngoại giao, bí mật đời tư, thông tin thương mại và bí mật kinh doanh, quá trình điều tra hình sự… thì các thông tin là tin, hồ sơ, tài liệu bao gồm bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, ghi hình, ghi âm hoặc các hình thức khác do cơ quan, tổ chức Nhà nước tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ đều có thể cho công dân tiếp cận.

PV: Vấn đề chúng ta hướng tới là thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo giữ vững bí mật quốc gia và những thông tin thiết yếu quan trọng khác, trong đó có thông tin nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Vậy làm thế nào để giải quyết thỏa đáng các yêu cầu này?

Thạc sĩ Trần Văn Duy: Trên thế giới chứ không riêng Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thì công dân cũng có nghĩa vụ cùng với Nhà nước và xã hội bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đặc biệt là bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Để đảm bảo các yêu cầu này, thì luật có những quy định khẳng định nguyên tắc việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, trong đó nếu liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật quốc gia thì cơ quan Nhà nước được quyền từ chối cung cấp thông tin.

PV: Thực tế có thông tin không thuộc danh mục bí mật, nhưng cơ quan Nhà nước không thông tin hoặc thông tin không đầy đủ cho người dân mà không có biện pháp nào buộc người nắm giữ thông tin phải cung cấp, chẳng hạn thông tin chỉ giới mở rộng một tuyến đường, quy hoạch khu đô thị… Ông nghĩ sao trước thực tế này?

Thạc sĩ Trần Văn Duy: Tôi nghĩ Luật tiếp cận thông tin sau khi ban hành sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề do cuộc sống đặt ra. Cùng với sự phát triển của luật pháp, xã hội của chúng ta ngày càng dân chủ hơn và các cơ quan công quyền ngày càng cởi mở hơn trong quan hệ với người dân. Tuy nhiên, thực trạng không công khai hoặc thông tin không đầy đủ quy hoạch đô thị, tuyến đường, hay những tiêu chí trong tuyển chọn lao động, cán bộ… ở một số địa phương dẫn tới khiếu kiện, đền bù đất đai sai nguyên tắc, tuyển chọn cán bộ không minh bạch… là những vấn đề cần phải chấm dứt. Tôi hy vọng, việc ban hành Luật tiếp cận thông tin lần này sẽ có những quy định cụ thể, tạo cơ chế ràng buộc đối với những người nắm giữ thông tin thực hiện đúng chức trách, công khai, minh bạch thông tin, hạn chế tối đa những hệ lụy không mong muốn.

PV: Báo chí là một kênh để người dân tiếp cận thông tin, nhưng qua hoạt động giám sát thi hành Luật Báo chí thời gian qua của đại biểu Quốc hội cho thấy, nhà báo trong nhiều trường hợp rất khó khăn khi tiếp cận thông tin bởi đơn vị giữ thông tin đóng dấu “mật” lên tài liệu hoặc nêu lý do người có trách nhiệm đi công tác để tránh bị khai thác. Theo ông Luật tiếp cận thông tin sau khi ban hành có khắc phục được điều này?

Thạc sỹ Trần Văn Duy.

Thạc sĩ Trần Văn Duy: Qua nghiên cứu tôi được biết, luật được xây dựng trên quan điểm nhằm bảo vệ và tạo điều kiện cho các cơ quan, cá nhân được quyền tiếp cận thông tin (trừ những thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư…). Vì thế, sẽ có những quy định cụ thể loại thông tin, tài liệu nào cần được công khai; loại tài liệu nào là mật không được phép công khai. Không thể để tình trạng khi ai đó không muốn cung cấp thông tin thì lại đóng dấu coi đó là tài liệu mật được. Báo chí là một kênh tiếp cận thông tin của người dân, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của báo chí cũng là bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công chúng.

PV: Dưới góc nhìn của ông, cần phải có quy định căn bản nào để thuận lợi cho việc thực thi quyền tiếp cận thông tin, để Luật tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống?

Thạc sĩ Trần Văn Duy: Xây dựng luật làm sao đảm bảo đi vào cuộc sống là vấn đề không dễ, nhưng chúng ta phải làm, vì nếu không đi vào cuộc sống thì luật không có ý nghĩa. Đương nhiên, trong luật sẽ quy định rõ người có trách nhiệm cung cấp thông tin phải cung cấp đúng sự thật, đầy đủ mọi thông tin… Nhưng có một thực tế, nhiều nơi, ở không ít cán bộ, công chức không muốn cung cấp thông tin (không phải mật) cho người dân, cho báo chí vì nhiều lý do. Cho nên, quy định ràng buộc đối với các hành vi không thực hiện đúng quy định cung cấp thông tin là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, lại có một thực tế khác là hiện nay không ít cơ quan Nhà nước cũng như cán bộ, công chức dù đã cố gắng nhưng điều kiện trình độ chuyên môn, máy móc thiết bị, phương pháp quản lý thông tin… chưa thể đáp ứng nhu cầu thông tin đầy đủ, nhanh chóng khi người dân yêu cầu. Đấy là chưa nói vì lợi ích nhóm hay động cơ khác chi phối.

PV: Điều nổi lên mà người dân quan tâm là tác động của Luật tiếp cận thông tin tới cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay?

Thạc sĩ Trần Văn Duy: Tôi cho rằng, khi luật đi vào cuộc sống, người dân có điều kiện thực hiện quyền tiếp cận thông tin tốt hơn, nhiều kênh tiếp cận thông tin hơn, sẽ có tác động không nhỏ tới cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mang lại hiệu quả rõ nét, thay vì chủ yếu do báo chí phát hiện tham nhũng, tiêu cực như trước đây. Qua đó, sẽ góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng minh bạch, trong sạch.

PV: Xin cảm ơn Thạc sĩ Trần Văn Duy!

Khánh Chi (thực hiện)
.
.
.