Hội nhà báo Việt Nam, Bộ thông tin và Truyền thông:

Trao đổi về vai trò báo chí, truyền thông trong tiếp cận thông tin

Thứ Sáu, 18/12/2009, 09:22
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trao đổi về vai trò báo chí, truyền thông trong tiếp cận thông tin.

Đồng chí Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Bộ Tư pháp, cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc, một số nhà báo lão thành, đại diện cơ quan báo chí và các cấp hội tới dự. Các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, cũng như những bất cập phát sinh trong thực hiện quyền được tiếp cận thông tin của người dân và cung cấp thông tin cho báo chí.

Ở Việt Nam, quyền được thông tin của công dân và tổ chức được quy định tại nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, những quy định này còn mang nặng tính nguyên tắc, tính khái quát hơn là tính thực tiễn. Cụ thể, những văn bản chưa quy định quyền chủ động yêu cầu cung cấp thông tin của công dân, tổ chức; chưa thiết lập cơ chế pháp lý cụ thể, thiếu các biện pháp cần thiết, không rõ về quy trình, thủ tục cung cấp thông tin hoặc nếu có thì thiếu rõ ràng, không thuận tiện cho việc cung cấp thông tin...

Trong thực tiễn việc tiếp cận thông tin của người dân nói chung, của cơ quan truyền thông nói riêng còn khó khăn. Ngược lại, một số trường hợp lợi dụng đặc quyền trong thông tin để trục lợi, đó là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sự tuỳ tiện, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức... Vì vậy việc ban hành Luật sẽ giúp cho các cơ quan Nhà nước công khai, minh bạch hoạt động của mình, từ đó điều chỉnh những chính sách phù hợp thực tế hơn. Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin lần thứ 4 đưa ra gồm 5 chương, 34 điều sẽ là điều kiện tốt cho báo chí tiếp cận, thu thập thông tin trong quá trình hoạt động

Nhà báo lão thành Hữu Thọ:

Trên thực tế cơ quan công quyền nước nào cũng không muốn công khai thông tin. Ở Việt Nam, năm 1947, Bác Hồ đã phê phán sự im lặng đáng sợ của các cơ quan công quyền với báo chí. Dự thảo Luật tiếp cận thông tin lần này rất tốt, nhưng nếu cầu toàn đủ các điều kiện mới thông qua thì không biết bao giờ mới có Luật. Vì vậy cần sớm bổ sung để trình Quốc hội. Quá trình thực hiện nếu có điều gì chưa phù hợp thì sửa đổi. Dự thảo đưa ra quy chế xử lý việc từ chối, trì hoãn thông tin là tốt, những cơ chế xử lý chưa rõ. Cùng với vấn đề này cần quy định rõ trách nhiệm về hoạt động của Người phát ngôn các cơ quan , phải là người giúp báo chí hiểu rõ vấn đề cần trao đổi, chứ không phải là trao cho báo chí những văn bản đã được cấp trên phê duyệt.

Trường Minh
.
.
.