Quốc hội thông qua Luật CAND (sửa đổi)

Thứ Ba, 20/11/2018, 10:06
Sáng 20-11, với 85,77% phiếu đồng ý, Quốc hội đã thông qua Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 46 điều.


Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 điều: điều 16 về Nhiệm vụ của CAND; điều 17 về Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân và điều 25 Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân

Chính quy Công an xã nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả

 Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt về hệ thống tổ chức của CAND nêu rõ số ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động toàn diện, có lộ trình chính quy Công an xã, bảo đảm chế độ, chính sách, bố trí nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất, tính khả thi, hiệu quả, đồng bộ, tinh gọn đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khi chính quy Công an xã, thị trấn. Ý kiến khác đề nghị nên tổ chức thí điểm trước khi triển khai trong cả nước.

Quốc hội thông qua Luật CAND (sửa đổi).

Vấn đề này đã được UBTVQH báo cáo giải trình trước Quốc hội, theo đó xác định, việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã, thị trấn. 

Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (khoản 2 Điều 17) và điều khoản chuyển tiếp (Điều 46) để bảo đảm lộ trình thực hiện và tính khả thi. 

Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ. 

Tuy nhiên, để bảo đảm khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, dự thảo Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc sử dụng, chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, việc đào tạo, bố trí sử dụng cụ thể sẽ được thể hiện trong đề án và trong chương trình, kế hoạch thực hiện chính quy Công an xã.

Có ý kiến đề nghị không nên bố trí Công an xã chính quy tại 1.100 xã biên giới để tiết kiệm nguồn lực, tránh chồng chéo về nhiệm vụ giữa các lực lượng. UBTVQH thấy rằng, trong khu vực biên giới, mỗi lực lượng có chức năng, nhiệm vụ riêng theo quy định của pháp luật. Việc chính quy Công an xã, thị trấn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. 

Với 85,77% phiếu đồng ý, Quốc hội đã thông qua Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 46 điều.

Mặt khác, thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật CAND hiện hành, Bộ Công an đã điều động sĩ quan, hạ sĩ quan về đảm nhiệm các chức danh Công an xã và được đánh giá hiệu quả, không phát sinh bất cập trong thực hiện. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc kết thúc nhiệm vụ đối với Trưởng Công an xã và giao Chính phủ thực hiện đề án chuyển đổi Công an xã. Có ý kiến đề nghị cân nhắc và làm rõ "quy định mới" về việc sử dụng và chế độ, chính sách đối với lực lượng bán chuyên trách tiếp tục tham gia hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở thay thế Pháp lệnh Công an xã.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát chỉnh lý Điều 46, quy định về việc kết thúc nhiệm vụ đối với Trưởng Công an xã và tiếp tục áp dụng các chế độ, chính sách đối với các chức danh Công an xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở đến khi có văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền thay thế.

Thành lập đồn, trạm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Công an xã

Về vấn đề thành lập đồn, trạm CAND, UBTVQH cho rằng việc thành lập các đồn, trạm Công an và các đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn đặc thù (ví dụ khu công nghiệp, vùng tập trung dân cư…) được thực hiện từ khi có Luật CAND năm 2005 đến nay. Theo tổng kết, đánh giá của Bộ Công an, việc thành lập các đơn vị này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoạt động hiệu quả, theo cơ chế, đặc thù của từng khu vực, địa bàn, không trùng dẫm với nhiệm vụ của Công an xã và các lực lượng khác. Việc quy định như dự thảo Luật cũng bảo đảm sự linh hoạt khi có tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trong từng thời điểm và từng địa bàn cụ thể. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Số lượng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng giảm so với quy định hiện hành

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân, tiếp thu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, ý kiến ĐBQH và để phù hợp với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong CAND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát quy định số lượng vị trí từng cấp tướng; nguyên tắc, tiêu chí xác định vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng. Đối với đơn vị đã rõ và thực hiện ổn định trên cơ sở kế thừa Luật CAND năm 2014 thì quy định cụ thể ngay trong Luật. Đối với đơn vị mới được hình thành sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì việc xác định cấp bậc hàm cấp tướng trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và giao UBTVQH quy định. Việc giao UBTVQH quy định như dự thảo Luật cũng bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, kế thừa quy định hiện hành; căn cứ số lượng, nguyên tắc, tiêu chí đã được Quốc hội xác định, UBTVQH quy định cụ thể từng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng để bảo đảm chặt chẽ, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Có ý kiến nhất trí quy định số lượng cấp tướng trong CAND. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng số lượng cấp tướng khi đã thu gọn đầu mối, cần tính toán phù hợp với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cấp tướng phải gắn với quân số nhất định. Do đó, đề nghị cân nhắc số lượng vị trí có trần cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng.

 Một số ý kiến đề nghị xác định số lượng vị trí cấp tướng trong CAND phù hợp với mô hình tổ chức hiện tại và bảo đảm tương đồng về số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng trong Quân đội nhân dân.

UBTVQH thấy rằng, mặc dù quy mô tổ chức của Bộ Công an được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối nhằm hướng tới mục tiêu chuyên sâu, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc không thay đổi. Việc xác định số lượng vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng phải xuất phát từ nhu cầu chỉ đạo điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH và nghiên cứu, kế thừa số lượng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng của Luật CAND hiện hành đã được cấp có thẩm quyền cho ý kiến, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Ban soạn thảo, Bộ Công an rà soát vị trí có nhu cầu cấp bậc hàm cấp tướng theo mô hình tổ chức của Bộ Công an hiện nay để quy định như dự thảo Luật. Theo đó, qua rà soát thì số lượng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng đã giảm so với quy định hiện hành.

Về số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng: Theo quy định của Luật CAND hiện hành thì có 2 đơn vị (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) có số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng không quá 4, cấp tổng cục số lượng cấp phó không quá 5. 

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công an tổ chức lại bộ máy không còn các tổng cục, các đơn vị cấp cục được sáp nhập trên cơ sở nhiều cục khác nhau mà cục trưởng các cục này đã được Luật CAND hiện hành quy định có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. 

Do đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc chỉ đạo điều hành chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự cân đối về số lượng cấp phó của 2 Bộ Tư lệnh và một số cục hiện nay sau khi sáp nhập được giao thực hiện nhiệm vụ của nhiều cục trước đây, UBTVQH đề nghị quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm Thiếu tướng của 2 Bộ Tư lệnh và 15 đơn vị cấp cục không quá 4, các đơn vị còn lại không quá 3.

Có ý kiến đề nghị bỏ tiêu chí xác định cấp bậc hàm Trung tướng “có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức không thay đổi hoặc thay đổi theo hướng quy mô lớn hơn kể từ ngày 6 tháng 8 năm 2018”; một số ý kiến đề nghị cân nhắc tiêu chí để xác định cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh; đề nghị bổ sung một số tiêu chí cụ thể: có vị trí chiến lược, phức tạp và quan trọng về an ninh, trật tự.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng nguyên tắc, tiêu chí xác định các chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng bảo đảm tương xứng giữa cấp bậc hàm với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm số lượng cấp tướng trong CAND; đồng thời, chỉnh lý các nguyên tắc, tiêu chí như quy định của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019.

 Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân bao gồm 4 cấp: Bộ Công an;  Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn.

Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.

 Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập đồn, trạm Công an và đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết.

Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân: Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an. Số lượng không quá 6.

Trung tướng: Số lượng không quá 35. Cục trưởng, Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an có một trong các tiêu chí sau: có chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng; Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh; Sĩ quan biệt phái được phê chuẩn chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương.

Thiếu tướng: Số lượng không quá 157 gồm: Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Số lượng không quá 11; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Số lượng không quá 3; Phó Cục trưởng, Phó Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng: 17 đơn vị mỗi đơn vị không quá 4, các đơn vị còn lại mỗi đơn vị không quá 3; Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng mỗi đơn vị không quá 3; Sĩ quan biệt phái được phê chuẩn chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương.


PV
.
.
.