Các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều quy định của dự thảo Luật CAND (sửa đổi)

Thứ Hai, 05/11/2018, 08:45
Chiều thứ ba, ngày 6-11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật CAND (sửa đổi), sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật CAND, cũng như nhất trí với những quy định mới trong dự thảo luật.

ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, tình hình tội phạm ở cơ sở diễn biến rất phức tạp mà đôi khi chỉ nhen nhóm từ những vụ việc nhỏ như trộm cắp vặt. Nếu lực lượng ở cơ sở làm tốt thì các vụ việc được phát hiện và xử lý kịp thời, không lây lan và phát sinh lớn hơn, từ đó tình hình tội phạm cũng sẽ giảm. 

“Tôi từng làm Bí thư một huyện dân số khoảng 140.000 người; diện tích 70.000ha; gồm 12 đơn vị hành chính; bà con chủ yếu làm nghề nông. Qua đi thực tế tìm hiểu tình hình một huyện khác ở tỉnh bạn có đặc điểm giống như địa phương tôi phụ trách thì số phạm nhân ở các nhà tạm giữ chỉ chiếm 1/3. Nguyên nhân là họ coi trọng và đầu tư cho lực lượng Công an xã, và khi các vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời tại xã thì sẽ giảm tải cho tuyến trên. Vụ việc khiếu kiện cũng giảm đi…”, ông chia sẻ. 

Từ kinh nghiệm thực tế đó, theo ĐBQH tỉnh Cà Mau, đối với loại tội phạm trộm cắp tài sản, khi thấy người dân sơ hở sẽ nảy sinh ý đồ, tuy nhiên nếu ở địa bàn đó có bóng dáng lực lượng Công an, đặc biệt lực lượng chuyên trách thì họ sẽ lo sợ bị bắt giữ và khó phát sinh tội phạm. 

“Tôi tin là nếu lực lượng Công an bố trí Công an xã chính quy đến đâu nhận các chức danh của Công an xã thì sẽ kịp thời ngăn chặn và giải quyết dứt điểm những vụ việc xảy ra từ cơ sở. Tôi hoàn toàn đồng tình phải tăng cường lực lượng Công an chính quy ở cơ sở. Và số anh em chính quy này đã được huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ chính quy thì tính cương quyết với tội phạm mạnh hơn rất nhiều…”, ĐBQH Trương Minh Hoàng nêu quan điểm.

ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An).

Liên quan quy định trần cấp Tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, đại biểu Trương Minh Hoàng tán thành với dự thảo Luật CAND (sửa đổi).

 “Ngay cả dự thảo luật cũ trước đây tôi cũng từng kiến nghị, không nên chỉ quy định cấp Tướng cho Giám đốc Công an ở hai thành phố lớn mà nên cân nhắc, xem xét cấp Tướng ở một số tỉnh. Tôi đề nghị xem xét lại, nếu xét thành phố trung tâm, thành phố động lực thì cũng nên xem cả những vùng giáp biên hay địa bàn diện tích rộng, dân số đông, nhạy cảm, nhiều khu công nghiệp, nhiều người nước ngoài sinh sống, có các yếu tố tiềm ẩn dễ nảy sinh tội phạm”, ông phân tích.         

Mặt khác, theo đại biểu, đối với các đồng chí Giám đốc Công an tỉnh được rèn luyện, trưởng thành ở cấp tỉnh mà đủ điều kiện thì khi luân chuyển bổ nhiệm về các chức danh ở Bộ cũng tương thích, phù hợp hơn. Đại biểu cũng mong rằng ĐBQH trong quá trình thảo luận lần này ủng hộ phương án mở rộng thêm cấp Tướng ở cấp tỉnh. Còn tiêu chí xây dựng, việc bố trí cụ thể ở những tỉnh nào thì Bộ Công an sẽ có trách nhiệm trình các cấp có thẩm quyền.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Văn Mão, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, việc phong hàm cấp tướng đối với Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I thì trước đây chúng ta đã làm rồi. Có các quy định cụ thể về số lượng, tiêu chuẩn, quy trình phong Tướng riêng… Sau đó Luật CAND năm 2014 lại quy định theo hướng thu hẹp. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm và xu thế phát triển trong tình hình hiện nay thì đối với các tỉnh đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cơ cấu dân cư lớn, địa bàn phức tạp… cần có nghiên cứu mở rộng phong hàm cấp Tướng cho Giám đốc Công an tỉnh.

 “Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhằm xác định tính khách quan, bình đẳng đối với trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng Công an các tỉnh có đặc điểm địa bàn đặc biệt. Từ nghiên cứu kỹ và đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, tôi tán thành với những chủ trương đổi mới cũng như những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật CAND (sửa đổi)” – đại biểu bày tỏ.

ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau).

Bên cạnh đó, ĐBQH Trần Văn Mão cũng đánh giá dự thảo luật lần này đã tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình tiến hành, chuẩn bị soạn thảo cũng như quá trình lấy ý kiến được ngành Công an phối hợp với các ngành, đặc biệt các thành viên trong ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai chuẩn bị chu đáo. Trên cơ sở đó, các ĐBQH đã chuẩn bị và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. “Các ý kiến đã thể hiện rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình để góp ý có chất lượng vào dự án luật, nhằm mục đích khi dự án luật được thông qua sẽ trở thành công cụ pháp lý hết sức quan trọng để xây dựng lực lượng CAND chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ An ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, đại biểu cho hay. Đặc biệt nhấn mạnh việc từng bước chính quy hoá lực lượng Công an xã. Đây là lực lượng nòng cốt, gắn kết với thực tiễn của nhân dân, với cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở nên phải giải quyết tận gốc những vấn đề có liên quan. “Trong trường hợp đó, lực lượng Công an xã được tổ chức lại chính quy là vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết” – ĐBQH tỉnh Nghệ An khẳng định.

Tuần này, Quốc hội cho ý kiến một số dự án luật quan trọng

Trong tuần làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến một số dự án luật quan trọng như Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật CAND (sửa đổi); Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá… Trong đó, có 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là Luật CAND (sửa đổi) và Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Đặc biệt, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước như: Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về đánh giá tình hình 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc thiểu số và miền núi (nếu có) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (nếu có); biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019…

Tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội đã kết thúc với nhiều hoạt động nổi bật tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ gồm các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đây là một hoạt động rất quan trọng trong mỗi kỳ họp, đã để lại ấn tượng về tinh thần dân chủ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước những vấn đề trọng đại cũng như cụ thể mà cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.

Với phương thức hỏi nhanh, đáp gọn và tranh luận đi thẳng vào vấn đề, 3 ngày chất vấn trôi qua với nhiều vấn đề liên quan đến hầu hết các thành viên Chính phủ đã được các ĐBQH không ngần ngại “xới” lại; thậm chí, có cả những vấn đề mới xuất phát trên nền của những vấn đề cũ đã được các ĐBQH đưa ra chất vấn một cách thẳng thắn.

Phương Thuỷ

Bảo Quân
.
.
.