Phòng chống tham nhũng - những dấu ấn mang “thương hiệu” Trung ương 4
- Đấu tranh chống những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng
- Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 tại miền Trung - Tây Nguyên
Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường chống “giặc nội xâm” với tinh thần, khí thế phấn chấn toàn xã hội. Nhân dịp này, chúng tôi phân tích, đánh giá với 4 dấu ấn nổi bật, đồng thời cũng là 4 kinh nghiệm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
1. Dấu ấn thủ lĩnh
Còn nhớ, khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ít người hoài nghi, không tin tưởng nghị quyết này sẽ đem lại điều gì đó khác trước.
Nhưng tới nay, sau một năm rưỡi, sự chuyển động của một nghị quyết được dư luận xã hội nói đến như một “thương hiệu” của lòng tin: chỉ cần nói Trung ương 4, người dân đều hiểu đó là nghị quyết chỉnh đốn Đảng, chống quan tham, là nghị quyết của “công cuộc đốt lò, nhóm củi”mà không nhất thiết phải nêu rõ tên đầy đủ của nghị quyết.
Giờ đây, bằng những chỉ dấu và việc xử lý trong thực tiễn, những ngạn ngữ, châm ngôn ám chỉ hiệu lực việc chống tham nhũng trước đây đã dần bị loại bỏ như: “nói hay, làm dở”, “tắm từ vai xuống”, “vùng cấm tham nhũng”, “đầu voi đuôi chuột”, “giơ cao đánh khẽ”, “đánh bùn sang ao”…
Thay vào đó, người dân biết đến, nhớ đến những câu nói giản dị, thân thuộc nhưng sâu sắc mà Tổng Bí thư đã khái quát: “xử một vài người để cứu muôn người”, “lò nóng lên rồi, củi tươi cũng cháy”, “ai nhụt chí thì tránh sang một bên để người khác làm”, chống chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu…
Thực tiễn cho thấy, chống “giặc nội xâm” luôn khó khăn bởi ranh giới giữa đối tượng xử lý và đồng chí, đồng đội, giữa vạch mặt chỉ tên và thân quen, cánh hẩu nhiều khi bện chặt trong đa dạng các mối quan hệ xã hội khó bóc tách.
Bởi thế, để đạt hiệu quả công cuộc chống tham nhũng hiện nay, người dân tin tưởng và cảm kích trước hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cầm trịch thổi ngọn lửa “công cuộc đốt lò, nhóm củi” nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng chắc chắn, răn đe để giáo dục, phòng ngừa…
Người cầm trịch chẳng những bài bản trong chỉ đạo, kiên quyết trong hành động mà chính sự nêu gương hình ảnh cá nhân - một vị thủ lĩnh mực thước, thanh liêm, giản dị đã thực sự tạo dựng điểm tựa tinh thần to lớn trong lòng dân.
Trong đời sống chính trị, xã hội ở bất kỳ thời đại lịch sử nào, người dân cũng luôn cần một điểm tựa tinh thần, đó là một vị thủ lĩnh chính trị hội đủ những giá trị cần thiết của đức và tài để quy tụ niềm tin, quy tụ sức mạnh cộng đồng, sức mạnh thời đại.
Nhiều vị vua, quan trong triều đại phong kiến xưa, nếu như người dân kính phục bởi sự anh minh, mẫn tiệp thì ở mức độ cao hơn, người dân tôn thờ, ngưỡng vọng bởi đức độ, thanh liêm vì muôn dân.
Triều đại hưng vong, thịnh suy trước hết phụ thuộc tài năng lãnh đạo và đức độ của người chèo lái quốc gia, của thủ lĩnh chính trị. Xã tắc vững bền, dân chúng đồng lòng hay không cũng phụ thuộc phần nhiều bởi yếu tố này.
Công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước hôm nay với một trong những trọng tâm chống suy thoái, chống tham nhũng - vấn đề cấp bách được Đảng ta xác định “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ”, nay đang tạo dựng và lan toả khí thế, niềm tin toàn xã hội cũng bởi chính thành công trong nói và làm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của thủ lĩnh chính trị - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chúng ta thử đặt câu hỏi: Tham nhũng diễn biến phức tạp từ lâu, bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất thì Đảng cũng chỉ ra từ lâu và Đảng cũng đã rất nhiều lần ban hành nghị quyết, chỉ thị để chấn chỉnh, để chỉnh đốn nhưng tại sao chỉ đến lúc này, công cuộc này, phong trào này mới thực sự lan toả, mới thực sự đạt dần đến kỳ vọng của muôn dân? Cái thiếu ở đây dường như không phải là nghị quyết, chỉ thị.
Cái thiếu là một người thổi lửa, nhóm lò, cầm trịch thực sự xứng tầm. Cho tới hôm nay, với sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng dưới sự dẫn dắt, chèo lái của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, phong trào đấu tranh đã mang sắc diện mới cả về quan điểm, phương châm đến hành động. Rõ ràng “thủ lĩnh nào, phong trào đó”, và một khi PCTN đã trở thành phong trào, trở thành xu thế thì “không ai có thể đứng ngoài cuộc”.
Dấu ấn “thuyền trưởng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thuyết phục lòng dân chính bởi hội tụ những yếu tố này, giữa lời nói và hành động, giữa quan điểm và khí chất, giữa chỉ đạo và nêu gương.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng ta trong việc lựa chọn những người kế tục chèo lái sau này, không chỉ trong PCTN. Đối với địa phương cũng cần phải lựa chọn cho được những thủ lĩnh xứng đáng.
Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kết luận sai phạm của một số cá nhân, tổ chức Đảng. |
2. Dấu ấn “không có vùng cấm”
Bởi sự khó khăn của chống tham nhũng, suy thoái nên lâu nay trong dân gian từng định kiến “vùng cấm” trong xử lý cán bộ sai phạm. Vụ án lớn mà “cá lớn” ngoài lưới, “cá nhỏ” lại đưa lên “trảm”, người dân nhìn nhận điều đó mà nản lòng, mất tin tưởng. Nay, muốn chống, muốn răn đe thì trên phải làm nghiêm.
70 năm trước, trong điều kiện chiến tranh kham khó, vụ án Trần Dụ Châu cảnh báo bản chất ăn chơi sa đoạ của cán bộ nếu không được tu dưỡng.
Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...
- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?
- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
Bác gật đầu, nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu.
Vụ án Trần Dụ Châu cho thấy rằng, thói hư tật xấu của con người nếu không được rèn giũa, không được giáo dục, chỉnh đốn thì có thể nảy sinh, phát triển bất cứ lúc nào.
Trong điều kiện chiến tranh gian khổ mà còn nảy sinh những kẻ sâu mọt, trác táng như vậy thì trong điều kiện đời sống vật chất, tinh thần đổi khác, con người có điều kiện sống hưởng thụ như ngày nay lại càng là môi trường để sinh sôi.
Sau này, trong tài liệu có những dòng chữ Bác Hồ (biên bản họp Hội đồng Chính phủ tháng 11-1950) nói về vụ Trần Dụ Châu rằng: “Chúng ta sinh ra trong một xã hội phong kiến và thực dân, một xã hội ham danh ham lợi. Danh lợi dễ làm hư người. Danh lợi là tập quán. Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách, biện pháp cải tạo cán bộ đấy là khuyết điểm”.
Loại bỏ sâu mọt, cứu cả rừng cây, cứu muôn dân chính là thông điệp mà Đảng ta đang làm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Bởi vậy, ở cuộc chiến chống “giặc nội xâm” thời bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích “trị bệnh cứu người”, đồng thời kiên quyết xử lý những tổ chức Đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước với quan điểm không có “vùng cấm”.
Kể từ sau Đại hội XII, những cán bộ tham ô, tham nhũng dù ở bất cứ cương vị nào, nếu phạm tội thì phải làm rõ để xử lý theo đúng luật định, loại bỏ khái niệm “tắm từ cổ”. Việc xử lý hình sự ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, xử lý các quan chức tham nhũng tại các vụ án ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia và một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng; điều tra, làm rõ tội trạng của một số cán bộ cấp cao trong lực lượng vũ trang, một số bộ, ngành, địa phương… chứng minh tinh thần đó.
Cùng việc xử lý hình sự những vụ tham nhũng lớn thì nhiều cán bộ lãnh đạo đương chức hoặc đã nghỉ hưu cũng đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương “điểm danh” và ra quyết định kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật nghiêm minh. Đó là các trường hợp như ông Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Nguyễn Xuân Anh, ông Ngô Văn Tuấn, ông Phạm Văn Vọng... Cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật như ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phong Quang, ông Dương Anh Điền, ông Nguyễn Văn Thiện...
Thêm nữa, việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật là công việc thường xuyên của Đảng và những diễn biến gần đây, nhất là kết luận các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy sự cải biến mạnh mẽ cả về phương diện kiểm tra và thi hành kỷ luật.
Ngày nay, câu chuyện “lưu hành nội bộ” đã thay đổi. Sự công bố rộng rãi vừa đảm bảo nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, vừa có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu.
Việc kiểm tra, kết luận tuân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nguyên tắc khách quan, thận trọng, đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Đây cũng chính là bài học lớn trong chống tham nhũng, suy thoái, Đảng muốn dân tin tất phải xử nghiêm, phải loại bỏ yếu tố “vùng cấm”, phải nêu gương chính mình để dân tin, dân nghe, dân ủng hộ.
(còn tiếp)