Vụ Nguyễn Khắc Thủy và niềm tin của công chúng

Thứ Sáu, 18/05/2018, 09:14
Gần một tuần nay, dư luận dậy sóng khi bản án của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được tuyên. Và hiệu ứng của làn sóng này là các hội, ngành, cơ quan chức năng vào cuộc. 

Nhìn lại toàn bộ vụ án này thì thấy, ngay từ giai đoạn điều tra, công chúng đã rất quan tâm và đồng hành cùng nạn nhân và gia đình của họ. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ trẻ thơ, bài trừ cái xấu này luôn có sự sát cánh của hàng nghìn người nổi danh và ẩn danh cùng với một niềm tin, công lý luôn đứng về lẽ phải.

Báo CAND có bài: “Vụ Nguyễn Khắc Thủy được tuyên “án treo”: Sai cả lý lẫn tình”, trong đó viện dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh về việc, Hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong phiên xử ngày 11-5 đã sai trong việc áp dụng Nghị quyết Hội đồng thẩm phán (Nghị quyết 01/20013/NQ-HĐTP ngày 6-11-2013) và áp dụng tình tiết giảm nhẹ (Bộ luật Hình sự 1999).

Đây chỉ là một trong số rất nhiều các bài báo đề cập đến vụ án này, bởi qua theo dõi, tôi thấy có rất nhiều, rất nhiều các bạn đồng nghiệp đã đeo bám theo vụ án này từ giai đoạn đầu. Cùng với báo chí, rất nhiều luật sư đã đồng hành cùng nạn nhân và thân nhân của họ, đưa ra những căn cứ xác đáng chỉ rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Khắc Thủy cũng như bảo vệ các cháu bé.

Họ đã giúp thân nhân các nạn nhân không đơn độc và nản lòng trong hành trình tìm đến công lý. Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Thủy, 78 tuổi, cựu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu về tội dâm ô với trẻ em là thành quả bước đầu.

Rồi đến phiên xét xử sơ thẩm ngày 17-11-2017, TAND thành phố Vũng Tàu tuyên cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù giam. Thế nhưng, bị cáo tuổi gần bát thập này đã kháng cáo và TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mở phiên xét xử phúc thẩm, tuyên bị cáo 18 tháng án treo. Việc này đã tạo nên sự phẫn nộ của dư luận.

Thông qua mạng xã hội, báo chí chính thống, rất nhiều, rất nhiều các phụ huynh, luật sư, cá nhân đủ các ngành nghề và một số hội, ngành lên tiếng. Hiệu ứng truyền thông đem lại là sự đồng lòng của cộng đồng, của công chúng trong việc đấu tranh với loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em.

Tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em ngày càng trở nên phức tạp và nhức nhối. Có những ý kiến cho rằng, việc kết tội những tên yêu râu xanh đội lốt người là khó khăn do thiếu chứng cứ, đối tượng tinh vi, một số nạn nhân còn e ngại không dám lên tiếng…

Trong một xã hội cởi mở, tiệm cận những giá trị văn minh như hiện nay, không lẽ gì vì khó mà chúng ta phải né tránh hay bỏ lọt những kẻ biến thái, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của con người.

Có lẽ vì thế mà gần đây, những vụ xâm phạm tình dục trẻ em luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của dư luận. Điển hình phải kể đến vụ dâm ô với trẻ em ở quận Hoàng Mai, Hà Nội; vụ cháu bé bị người thân hiếp dâm ở Bạc Liêu…

Khi những con thú đội lốt người bị đưa ra xét xử, không chỉ là hình phạt với những kẻ chà đạp lên mọi giá trị đạo đức mà còn là kênh giáo dục pháp luật, răn đe. 

Ngoài ra, việc làm này còn cho thấy, chúng ta dần không còn coi lạm dụng tình dục là chuyện tế nhị, cần phải tránh né nữa. Việc thay đổi nhận thức này sẽ giúp cho những thiên thần nhỏ của chúng ta được bảo vệ tốt hơn.

Trước làn sóng của dư luận, hiệu ứng truyền thông và sự cấp thiết của vụ án, ngành chức năng liên tục có những động thái tích cực. Mới đây nhất là ngày 16-5, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản đề nghị Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm để xét xử lại. 

Trước đó, TANDTC yêu cầu rút hồ sơ vụ án Nguyễn Khắc Thủy để xem xét lại. Những việc làm tích cực này khiến công chúng thêm căn cứ để tin rằng, luật pháp luôn công bằng và công minh.

Cao Hồng
.
.
.