Nhiều tổ chức, cá nhân chiếm dụng hè phố

Chủ Nhật, 06/03/2016, 11:24
Chỉ trong vòng 1 tháng, tại Hà Nội đã có hơn 500 trường hợp đi bộ không đúng luật, bị lực lượng CSGT xử lý. Nhằm đảm bảo ATGT, dư luận phần lớn ủng hộ việc xử phạt nghiêm này. Tuy nhiên, có không ít ý kiến cho rằng, việc xử phạt là thiếu công bằng, khi mà vỉa hè trên nhiều tuyến phố đã bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Trong việc này, người ta cho rằng có lỗi thuộc về những người làm quản lý giao thông đô thị, chưa làm tròn trách nhiệm. Để người dân rõ hơn trong việc cấp phép, sử dụng lòng đường, vỉa hè, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

PV: Từ đầu tháng 2 năm 2016, CSGT Hà Nội thực hiện Nghị định 171, mở chuyên đề xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ vẫn đang diễn ra. Người đi bộ không còn cách nào khác phải vi phạm đi xuống lòng đường, đồng nghĩa với việc họ không có cơ hội đi đúng luật, nếu bị xử phạt thì là không công bằng. Đây có phải là bất cập của giao thông Hà Nội hiện nay? Theo ông, chúng ta nên giải quyết việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Về nguyên tắc theo quy định của Luật GTĐB thì lòng đường dành cho các phương tiện GT, còn hè phố dành cho người đi bộ. Tuy nhiên cùng với sự phát triển về kinh tế trong cơ chế thị trường, chúng ta vẫn phải thừa nhận “kinh tế vỉa hè” đã tồn tại từ lâu và ngày càng gia tăng đó là tình trạng các hộ có mặt tiền, dường như đã biến phần vỉa hè trước mặt thành của riêng, họ lấn chiếm để kinh doanh dưới mọi hình thức như bày bán hàng hóa, kinh doanh ăn uống... Bên cạnh đó là nhu cầu để xe của người dân và của các cơ quan, tổ chức ngày càng tăng cao. 

Để giải quyết tình trạng trên thì các ngành các cấp phải vào cuộc đồng bộ, từ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương (quận, phường sở tại) để các tổ chức cá nhân chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định. Không lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, cũng như để phương tiện trái phép. Bên cạnh đó chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.

PV: Hiện nay Sở GTVT quản lý bao nhiêu m vỉa hè trên các tuyến phố thuộc các quận nội thành Hà Nội? Việc cấp phép làm nơi đỗ xe, trông giữ phương tiện dựa trên nguyên tắc nào? Có hay không tình trạng “xẻ thịt” vỉa hè, cấp phép tràn lan, khiến vỉa hè bị chiếm dụng, dẫn đến người đi bộ không còn đường để đi? Người dân muốn tra cứu địa chỉ các vỉa hè được cấp phép hay không, thì có thể vào địa chỉ nào?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Theo các Quyết định của UBND TP, về cơ bản thành phố giao vỉa hè cho các quận, huyện quản lý, còn lòng đường (đã có tên đường phố) giao Sở GTVT quản lý. Tuy nhiên có một số tuyến đường trục chính thành phố Giao Sở GTVT quản lý đồng bộ cả lòng đường, vỉa hè, cụ thể như: Trần Phú, Phố Huế... 

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Việc cấp phép làm nơi để xe, trông giữ xe thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật (Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; trong đó có quy định về việc sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông giữ xe; Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 2-3-2011 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 26-2-2014 của UBND TP Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 9-5-2013 của UBND TP Hà Nội Ban hành quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 21-7-2015 của UBND TP Hà Nội sửa đổi bổ sung một số điều của quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 9-5-2013 của UBND TP Hà Nội; Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20-2-2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị) theo nguyên tắc khi cấp phép để xe trên hè, phần chiều rộng còn lại tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ, cách các đầu nút giao thông 20m và phải trừ chừa lối hạ hè lên xuống, ngõ đi chung, cổng cửa cơ quan... đặc biệt là các phần vạnh sơn cho người đi bộ sang đường.

Về nguyên tắc khi Sở GTVT hoặc UBND cấp quận, huyện cấp phép thì phải dựa trên các quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng, hoặc chiếm dụng hè phố không phép, sai phép.

Khi người dân có nhu cầu tra cứu địa chỉ các vỉa hè được cấp phép hay không, thì có thể gửi câu hỏi đến đường dây nóng của Sở GTVT hoặc UBND cấp quận, huyện.

PV: Sau khi cấp phép thì bao lâu Sở GTVT hậu kiểm một lần? Vì trên thực tế theo ghi nhận của PV tại các tuyến phố như: Cầu Giấy, Láng, Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Lê Văn Lương... hàng quán, các bãi đỗ xe gần như chiếm hết vỉa hè. Liệu ở  đây có sự “lơ” đi của lực lượng chức năng?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Công tác kiểm tra xử lý là nhiệm vụ thường xuyên, Sở GTVT giao cho lực lượng chức năng của Sở là Thanh tra GTVT có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuần tra và kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông như chiếm dụng hè phố bày bán hàng hóa, trông giữ phương tiện và để xe không đúng quy định.

Tuy nhiên tình trạng chiếm dụng hè phố xảy ra trên địa bàn rộng, mọi thời gian (cả ngày, đêm) dẫn đến các lực lượng chức năng chưa kịp kiểm tra xử lý, hoặc xử lý xong, lực lượng chức năng rút đi, thì tình trạng tái phạm lại tiếp diễn.

PV: Trong năm 2015, và tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có đơn vị nào bị xử lý về tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè không đúng quy định? Mức xử phạt cụ thể? Trong trường hợp để vi phạm tái diễn, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Mức xử phạt đối với nhà quản lý sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trong năm 2015, Sở GTVT đã xử lý 156 trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện, phạt 970.550.000 đồng; xử lý 586 trường hợp chiếm dụng lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, phạt 406.450.000 đồng. 2 tháng đầu năm 2016 đã lập biên bản xử lý 16 trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện, xử phạt 81.000.000 đồng; xử lý 62 trường hợp chiếm dụng lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, phạt 61.000.000 đồng.

Để quy định về chế độ trách nhiệm, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định pháp luật và quy định của thành phố về phí trông giữ phương tiện, giải tỏa ngay những điểm không được cấp phép; nếu để xảy ra các vi phạm trên địa bàn quản lý, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã, phường, thị trấn phải kiểm điểm trước Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. 

Trường hợp trên địa bàn để các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí không đúng quy định, mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND thành phố.

PV: Để đảm bảo sự công bằng, trong trường hợp, người dân phát hiện vỉa hè bị lấn chiếm, phải đi xuống lòng đường, thì họ có thể chụp ảnh ghi hình lại gửi về Sở GTVT Hà Nội được hay không? Nếu được thì gửi về số điện thoại đường dây nóng nào? Và với hình ảnh đấy, liệu có thể làm căn cứ xử phạt “nóng” nơi vi phạm?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Chúng tôi rất mong người dân gửi ngay hình ảnh về Sở GTVT qua đường dây nóng, ngoài ra để kịp thời xử lý, thì kiến nghị ngay với chính quyền cơ sở là UBND và Công an phường sở tại về các hành vi vi phạm chiếm dụng hè phố trái phép. Cụ thể: chuyển ngay thông tin phản ánh về Thanh tra Sở GTVT 04 38217922 để kịp thời cử lực lượng đến kiểm tra xử lý.

PV: Ngoài việc vỉa hè bị lấn chiếm, thì những công trình như hầm, cầu, đèn đỏ dành cho người đi bộ cũng rất thiếu, thậm chí bị hư hỏng. Thời gian tới Sở GTVT có giải pháp khắc phục vấn đề trên như thế nào, để người đi bộ được đảm bảo sự công bằng?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Sở GTVT thường xuyên giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng trực thuộc như: Ban QLDA Duy tu hạ tầng giao thông, Ban QLDA Giao thông 3 và các đơn vị quản lý đường, thanh tra GTVT thường xuyên tuần tra rà soát, thống kê các sự cố, các vạch sơn cũ mờ và hệ thống biển báo, để kịp thời duy tu sửa chữa thay thế bổ sung. Cụ thể ngày 29-1-2016 Sở GTVT đã có Công văn số 437/SGTVT-GTĐT về việc rà soát, thực hiện duy tu sơn kẻ vạch đi bộ cho người đi bộ sang đường tại các vị trí nút giao thông, các vị trí người đi bộ sang đường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Huyền
.
.
.