Nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng
- Tu dưỡng, luyện rèn, xứng đáng niềm tin của nhân dân
- Tổng Bí thư: Chống tham nhũng để giữ uy tín và củng cố niềm tin của nhân dân
Dự thảo này được thiết kế nhấn mạnh đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có quy định chung cho cán bộ, đảng viên là: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Thể hiện sự đồng tình cao đối với quy định này, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng đây là việc làm đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Trung ương trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có năng lực phẩm chất tốt, góp phần nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nhân dân tin vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tức là tin vào Đảng
Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Bác Hồ đã từng nói: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", do đó, mọi việc diễn ra trong Đảng dù tốt hay xấu đều phản ánh sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, sau đó đến các đồng chí đứng đầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương, bởi, những đối tượng này là quan trọng nhất, có sự ảnh hưởng sâu rộng nhất.
Dân tin Đảng hay không, trước hết phải nhìn vào những tấm gương của những đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và các đồng chí đứng đầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố.
Thể hiện sự tin tưởng vào việc việc Trung ương đang làm, đang triển khai, đang quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng, đồng chí Phạm Thế Duyệt cho rằng bước tiếp theo là cần quyết tâm làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.
"Nếu phát huy được toàn Đảng, toàn dân thực hiện, chắc chắn việc chuẩn bị cán bộ chủ chốt cho Trung ương, cho Bộ Chính trị, cho Ban Bí thư khóa XIII sẽ có sự thuận lợi. Nhưng khi ban hành được quy định, cần phải triển khai, đánh giá một cách toàn diện, bởi dám nhìn vào sự thật, đánh giá đúng con người, đúng sự thật là hết sức quan trọng" – đồng chí Phạm Thế Duyệt phân tích.
Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (khóa VII) nhận định: "Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng" được đưa ra trình Trung ương trong thời điểm hiện nay là phù hợp. Để đội ngũ cán bộ cấp cao có thể thực sự là những tấm gương sáng, Trung ương cần nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Đồng chí Vũ Oanh kiến nghị: Việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất là quan trọng trong hiện tại cũng như tương lai. Các Mác đã chỉ rõ: Quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ trước hết phải gắn liền với phát triển kinh tế, xây dựng bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, cùng với đó phải có pháp luật đi cùng.
Bên cạnh đó, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, đòi hỏi cần xây dựng mặt bằng dân trí cao, phát triển thêm ngày càng đông đội ngũ các nhà khoa học, tiến sỹ khoa học cơ bản, tiến sỹ khoa học công nghệ... để phù hợp với sự phát triển của thế giới trong thời đại 4.0.
Đảng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cần có sự tham gia ý kiến của người dân, cho phép người dân được tham gia, góp ý kiến. Ví dụ như tại Đại hội XIII tới đây, Trung ương khi xây dựng danh sách bầu Ban Chấp hành Trung ương, cần liệt kê rõ ưu, khuyết điểm của từng cán bộ để nhân dân góp ý kiến, sau đó, Trung ương bầu. Người được trúng cử phải xây dựng Đề án hằng năm và 5 năm để người dân có thể nhận xét, đánh giá về việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên đó. Việc nêu gương của các đồng chí cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng cần có sự tham gia, cho ý kiến của người dân để soi rõ từ đảng viên, từng cán bộ lãnh đạo – đồng chí Vũ Oanh nêu ý kiến.
Mỗi đảng viên phải tự rèn luyện, gương mẫu đi đầu
Quy định trách nhiệm nêu gương của từng cán bộ, đảng viên được xây dựng theo nguyên lý: "có xây có chống, xây trước, chống sau". Theo đó, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện 9 điểm liên quan đến mối quan hệ với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, chức trách, nhiệm vụ, gia đình…
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên do Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị có mục đích để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên.
Dự thảo quy định từng Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí trong Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải thực sự gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng nếu không liên tục rèn luyện để suy thoái đạo đức lối sống, làm sai quy định của Nhà nước sẽ làm mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng, như vậy công lao phấn đấu cả đời của cán bộ, đảng viên đều vô nghĩa.
"Tinh thần chỉ đạo lần này phải đi sâu, mỗi đảng viên phải rèn luyện mình, đi đầu gương mẫu. Đảng đi đầu, ở đâu khó, chỗ nào có hy sinh, gian khổ cần phải lao vào chứ đảng viên có lợi là thu lợi, đó chính là tự diễn biến. Tất cả các cấp ủy từ địa phương đến trung ương mà rời khỏi vai trò lãnh đạo của mình hoặc không xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình thì đó là tự diễn biến lớn nhất, sâu sắc nhất trong điều kiện hiện nay" - ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.