Người dân đồng tình với phương án đục thông 127 vòm cầu đường sắt ở Hà Nội

Thứ Sáu, 30/06/2017, 08:12
Nhằm tạo cảnh quan, bổ sung thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đang nghiên cứu phương án đục thông 127 ô vòm cầu đường sắt chạy qua một số tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Vấn đề này đang được dư luận quan tâm. PV Báo CAND đã ghi nhận thực tế và tìm hiểu các thông tin có liên quan.


Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vào ngày 20-6, trước thềm Kỳ họp thứ 4 - HĐND thành phố Hà Nội, khóa XV, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND thành phố tới đây sẽ thực hiện một số dự án để tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai dự án đục thông 131 vòm cầu đường sắt (trong đó, có 4 vòm cầu đã làm đường đi) đoạn thuộc quận Hoàn Kiếm. Cũng theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, thành phố đã giao UBND quận Hoàn Kiếm mời các chuyên gia tham gia ý kiến, xây dựng dự án. 

Sau khi có thông tin trên, người dân, đặc biệt là các hộ dân cư sinh sống trên tuyến phố Phùng Hưng, Gầm Cầu… nơi có cầu đường sắt đi qua bày tỏ sự quan tâm tới các phương án của thành phố. 

16h ngày 29-6, có mặt trên tuyến phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), chúng tôi thấy nhiều bác cao tuổi không ngớt bàn tán về những vấn đề liên quan đến phương án đục thông các vòm cầu. 

Nhiều người đồng tình với phương án đục thông vòm cầu đường sắt.

Sinh ra và lớn lên ở phố Phùng Hưng – đối diện với cầu đường sắt, bác Nguyễn Anh Quế, 72 tuổi, nhà ở số 81 phố Phùng Hưng hiểu khá rõ về cầu đường sắt và các vòm cầu đi kèm. Bác Quế bảo cây cầu đường sắt và 131 vòm cầu trên có từ những năm đầu thế kỷ XX (vào thời Pháp thuộc). Đến nay, tuổi thọ của nó đã hơn 100 năm.

Những năm 1980, 1981, do tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, cư trú bất hợp pháp của một số người khiến tình hình an ninh trật tự luôn tiềm ẩn phức tạp. Chính quyền thành phố đã cho xây bịt kín hàng loạt vòm cầu lại cho đến tận bây giờ. 

Vừa qua, khi thành phố có chủ trương nghiên cứu, triển khai dự án đục thông 127 vòm cầu đường sắt còn lại, hàng chục hộ dân trong Tổ dân phố 23, Khu dân cư số 7 – phường Hàng Mã mà bác Quế đang cư trú tỏ ra rất quan tâm. 

Theo bác Quế, chủ trương đục thông các vòm cầu đường sắt trên là rất phù hợp. Bởi, khi đã đục thông các vòm cầu rồi cũng đồng nghĩa với việc không gian nơi đây trở nên thông thoáng, người dân ở các khu dân cư số 7 và số 8, 9 sẽ có thêm điều kiện giao lưu với nhau hơn. Đặc biệt, khi các vòm cầu đã thông thoáng, tình trạng mất vệ sinh, kinh doanh nhếch nhác gần khu vực cầu đường sắt đi qua sẽ không còn nữa.

Ghi nhận trên dọc tuyến phố Phùng Hưng – Gầm Cầu (có chiều dài gần 1 km), chúng tôi nhận thấy, các vòm cầu có diện tích khoảng 14-18 mét vuông cho một sàn. Số vòm cầu này nằm ở chân đế của trụ bê tông đỡ đường ray đường sắt cho tàu hỏa di chuyển từ Ga Hà Nội đi Ga Đầu Cầu (Ga Long Biên). Do vòm cầu bị bịt kín lâu nay, nên không ít vị trí đã trở thành nhà vệ sinh của một số người thiếu ý thức. 

Tại nhiều đoạn đường, việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn nhất là phố Gầm Cầu. Do vậy, việc đục thông vòm cầu sẽ góp phần giải quyết nhu cầu sinh hoạt của một bộ phận người dân trên địa bàn. 

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chiều 29-6, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, bản thân ông rất đồng tình với phương án đục thông các vòm cầu đường sắt qua phố Phùng Hưng, Gầm Cầu… của thành phố Hà Nội. Trước đây, việc bịt các vòm cầu trên là giải pháp nhất thời của thành phố trong việc đẩy lùi tình trạng mất vệ sinh, mất an ninh trật tự. 

“Giờ, khi đô thị đã phát triển, việc mở lại các vòm cầu, nhằm tạo sự thông thoáng về mặt không gian cho thành phố, góp phần xóa bỏ hình ảnh phản cảm trên tuyến phố (phóng uế bừa bãi, kinh doanh nhếch nhác…) của thành phố là rất cần thiết. Và khi các vòm cầu được thông thoáng, được quản lý, sử dụng một cách hợp lý, tạo ra không gian văn hóa rồi thì mọi hành vi gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường như hiện nay tự động sẽ… không còn!”, ông Nguyễn Tấn Vạn cho biết thêm.

Trước một số ý kiến cho rằng, việc đục thông các vòm cầu sẽ gây ra tình trạng lún, sụt, ảnh hưởng đến an toàn đường sắt, ông Nguyễn Tấn Vạn cho hay, tuyến theo thiết kế cũng như khi đưa vào khai thác, sử dụng, bản thân các vòm cầu đã rỗng. Nên giờ, cải tạo, đục thông các vòm cầu sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn của kết cấu tuyến đường sắt. Song, trong quá trình cải tạo, sửa chữa cũng phải tính toán các phương án thật cụ thể. 

Cũng theo đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, sau khi đã đục thông các vòm cầu, thành phố phải có phương án sử dụng, quản lý số vòm cầu rỗng này ra sao? Đấy là vấn đề cần được triển khai một cách đồng bộ. Có như vậy, sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong mỗi người dân. Cùng với đó, trong thời gian này, chính quyền thành phố cũng cần tranh thủ thêm những sáng kiến, phương án cải tạo, quản lý một cách rộng rãi từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Trần Huy
.
.
.