Nghĩa đồng bào
- Hà Tĩnh đảm bảo ANTT khu vực cách ly COVID-19
- Công an TP Cần Thơ chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19
- 6,5 tỷ USD để ứng phó với đại dịch COVID-19
Từ 0h ngày 18/3, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài trong vòng 30 ngày, trừ trường hợp đặc biệt nhằm phòng chống dịch COVID-19. Nhưng cũng trong ngày 18/3, đã có khoảng 7.000 người Việt Nam từ các nước châu Âu, ASEAN trở về và được kiểm tra y tế, bố trí cách ly.
Theo CBCS Công an CKCHKQT Nội Bài, số người từ châu Âu trở về Việt Nam tăng nhanh trong những ngày qua. Riêng tối và đêm 16/3, sân bay Nội Bài đón gần 1.000 người trở về. Ảnh: X.Mai - X.Trường |
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết để locho bà con một cách tốt nhất. Đấy là nghĩa đồng bào”.
Vâng! Nghĩa đồng bào. Đúng như đồng chí Phó Thủ tướng – Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 nói, những ngày qua, người dân cả nước đã sát cánh cùng hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh và dang tay đón hàng vạn người Việt từ khắp nơi trở về. Có nhiều ông chủ ở Hội An, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh… đã giao khách sạn được đầu tư tiền tỷ cho chính quyền làm nơi cách ly. Có những chị em Hội liên hiệp phụ nữ ở Mõng Cái hay Thành phố Hồ Chí Minh ngày đêm quyên góp vải để may hàng nghìn chiếc khẩu trang hay nấu hàng trăm suất cơm mỗi ngày đem đến tặng bà con khu vực bị phong toả… Còn rất nhiều các cá nhân, tổ chức quyên góp, ủng hộ tiền để phòng chống dịch.
Bằng chứng là trong ngày 17/3, khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã ghi nhận sự đóng góp hơn 235 tỷ vào quỹ Phòng chống dịch COVID-19. Còn rất nhiều, rất nhiều các nghĩa cử cao đẹp mà bà con trong nước đã và đang làm để cùng Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền chống dịch. Chỉ riêng hoạt động đón hàng nghìn người Việt ở nước ngoài về mỗi ngày, bố trí nơi cách ly, việc ăn ở cho họ cũng đủ thấy, “nghĩa đồng bào” của người Việt chúng ta cao cả như thế nào.
Tối muộn ngày 18/3, đồng nghiệp của tôi khi có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài đã ghi nhận những hình ảnh cảm động từ hoạt động của các chiến sỹ Đồn Công an cửa khẩu. Từ khi khởi phát dịch đến nay, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh chuyển sang giai đoạn 2 (ngay sau khi xuất hiện bệnh nhân thứ 17, ngày 7/3), họ đã có những ngày làm việc dường như không nghỉ.
Công tác kiểm soát người trở về từ vùng dịch yêu cầu những điều kiện vô cùng nghiêm ngặt và cũng ẩn chứa đầy rủi ro. Chẳng thế mà, có những đồng đội của họ phải vào bệnh viện cách ly vì tiếp xúc gần với hành khách sau đó được xác định là dương tính với virus Corona.
Đặc biệt, khi dịch bệnh ở các nước châu Âu bùng phát, số lượng người Việt trở về ngày càng nhiều thì công việc của họ càng trở nên căng thẳng. Số lượng hành khách quá lớn, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ khiến họ phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực.
Chỉ trong ngày 15/3, có 20.000 người nhập cảnh vào Việt Nam. Con số này cho thấy rõ áp lực của những chiến sỹ kiểm soát tại của khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Cũng trong ngày này, trên mạng xã hội xuất hiện clip hành khách trở về từ nước ngoài to tiếng do phải đợi chờ.
Bằng thái độ từ tốn, người chiến sỹ trẻ Đồn Công an cửa khẩu đã giải thích, thuyết phục. Sau khi clip lan truyền rộng trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, lời nói, hành động của một số người vừa trở về không hợp lý trong hoàn cảnh này. Việc nhiều người ồ ạt trở về gây quá tải nên phải chờ đợi là không tránh khỏi.
Một số du khách tỏ ra khá hồi hộp lo lắng nhưng đa phần các bạn trẻ cho biết, rất tin tưởng vào công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam nên trước sự bùng phát mạnh bệnh dịch này ở châu Âu, ai cũng cảm thấy may mắn vì đã được sớm trở về nước. Ảnh: X.Mai - X.Trường |
Còn trong ngày 18/3, với khoảng 7.000 người trở về, sân bay cũng trở nên chật kín người đợi chờ được kiểm tra y tế, lấy mẫu và phân luồng để đưa đi cách ly. Các chiến sỹ Công an của khẩu vì thế cũng có một ngày làm việc không ngơi nghỉ.
Thiếu tá Phùng Anh Đức, cán bộ Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có vợ làm trong ngành y. Những ngày này, cả hai người đều trong cao điểm chống dịch nên hai con nhỏ gửi ông bà ngoài, còn anh chị thì bám trụ tại cơ quan nên ít khi gặp mặt. Nêu ví dụ này để thấy, để đón những người đồng bào trở về từ bên kia biên giới, có sự tham gia của rất nhiều người, trong đó có những người vì nhiệm vụ chung mà hạnh phúc riêng bị san sẻ.
Không để bà con bị ùn, ứ quá 2,5h tại sân bay là yêu cầu đặt ra tại cuộc họp tối 18/3 ở Trung tâm Khẩn nguy Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc Phòng nhàm tháo gỡ ách tắc luồng khách nhập cảnh gia tăng tại cảng hàng không trong những ngày qua.
Để làm được điều này, phương thức lấy mẫu xét nghiệm thay đổi, được lấy tại nơi cách ly và rất nhiều lực lượng được tăng cường, trong đó có nhân viên y tế. Được biết, hiện nay đã có rất nhiều sinh viên năm cuối của trường Đại học Y Hà Nội sẵn sàng tăng cường.
Còn tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội chiều 18/3, ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận có 280 y, bác sỹ về hưu sẵn sàng tham gia làm công tác y tế khi được trưng dụng.
Các thanh niên trẻ sẵn sàng cho chuyến cách ly dài ngày để đảm bảo không mang dịch bệnh về nước, ảnh hưởng tới cộng đồng. Ảnh: X.Mai - X.Trường |
Ngày 18/3, Hà Nội vừa mở thêm hai điểm cách ly tập trung là khu nhà ở sinh viên ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và trường Cao đẳng công nghệ. Ngay từ sáng sớm, Công an phường Hoàng Liệt cùng các lực lượng làm công tác chuẩn bị. Buổi tối, hàng đoàn xe chở người cách ly từ sân bay về. Những khu nhà cao tầng ngày thường dành cho sinh viên giờ nhường cho bà con vừa trở về, chính quyền địa phương, Công an lại lo việc ăn ở, trông nom… Việc để người cách ly có điều kiện sinh hoạt tốt nhất có thể đang là việc mà Hà Nội đang làm hiện nay.
Được biết, không riêng gì Hà Nội mà việc chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung cũng được Bộ Quốc phòng chuẩn bị. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 18/3, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ. Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến giờ mới đạt hơn 21.000 chỗ.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày càng phức tạp, khi chứng kiến trong ngày 18/3 số ca nhiễm COVID-19 hơn 20.000. Cả thế giới hiện có ít nhất 218.768 người mắc COVID-19 với 8.945 người chết. Số người được điều trị khỏi là 93.333, tức còn hơn 125.400 người đang cần chăm sóc y tế.
Tại nước ta, trong ngày 18/3 đã phát hiện thêm 10 ca dương tính. Hiện tại, Hà Nội là nơi có nhiều ca bệnh nhất với 21 ca. Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyến cáo, từ nay đến hết tháng 3 người dân nên hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần kíp và dự báo trong những ngày tới số ca nhiễm sẽ tăng.
Dịch bệnh ngày càng phức tạp, kiều bào ở nước ngoài về nước càng nhiều nên những gì mà Chính phủ, người dân đang làm cho thấy, tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc ta đang được phát huy. 43 đám cưới ở quận Bắc Từ Liêm dự định tổ chức linh đình thì nay chỉ làm mâm cơm thắp hương gia tiên. 600 sinh viên trường Đại học Y tế cộng đồng tự nguyện lập 5 tổ phản ứng cùng các Trung tâm y tế…Mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều đang chung tay cùng các cấp chính quyền “chống giặc COVID-19”.
Đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả lực lượng đã vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ. Đặc biệt là sự tham gia của người dân. Qua khó khăn càng thấy rõ sức mạnh của Nhân dân và của hệ thống chính trị. Chúng ta phải tiếp tục phát huy”.