Ngăn ngừa suy thoái, chống chủ nghĩa cá nhân

Chủ Nhật, 20/05/2018, 07:06
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cán bộ, công chức, của toàn Đảng, toàn dân hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Theo Người, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng là một nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và quyết định đến sự thành, bại của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Do vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cán bộ, công chức, của toàn Đảng, toàn dân hiện nay. 

Chủ nghĩa cá nhân có tính chất đặc biệt nguy hại, luôn là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trăn trở, suy nghĩ và tìm nhiều biện pháp kiên quyết phòng, chống. Từ tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927) đến tác phẩm Di chúc và khoảng gần 200 bài nói, viết về công tác xây dựng Đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên,… tất cả đều thể hiện hệ thống những quan điểm, biện pháp hữu hiệu của Người về chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa cá nhân từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Năm 1969, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, diện mạo của chủ nghĩa cá nhân được Bác chỉ ra tương đối toàn diện và cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những cán bộ, đảng viên hăng hái, dũng cảm trong công tác vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất còn thấp kém, mang nặng “chủ nghĩa cá nhân”, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Theo Người, cái gì không phải chủ nghĩa xã hội là cá nhân chủ nghĩa; chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những căn bệnh làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. 

Chủ nghĩa cá nhân là “trái ngược với đạo đức cách mạng… là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân… Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân, cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. 

Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết trên trán mình hai chữ “cộng sản” là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, vô cùng nguy hiểm, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải hết sức đề phòng những kẻ địch đó”. Do đó, Người nêu lên nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, cho dù cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra các loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống, đó là: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực” (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều); bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh… 

Chủ nghĩa cá nhân biểu hiện trong nhiều lĩnh vực: trong công việc, hoạt động lãnh đạo và quản lý; trong sinh hoạt; trong quan hệ với quần chúng nhân dân; trong thực hiện kỷ luật, chế độ công tác. Từ đó, dẫn đến nhiều hậu họa và sai lầm nghiêm trọng, trở thành nguy cơ của Đảng cầm quyền.

Sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Người cho rằng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. Xét đến cùng dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm sức chiến đấu trong Đảng đó chính là chủ nghĩa cá nhân: “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân” và cũng “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”.

Trong giai đoạn hiện nay, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi, nhưng thường thể hiện trước hết ở lối sống buông thả, hưởng thụ, vì lợi ích cá nhân vị kỷ, tìm mọi cách, bằng mọi giá thực hiện cho bằng được ý đồ cá nhân, coi tập thể, tổ chức, coi sự thành bại của công việc ở dưới lợi ích cá nhân. Tiếp đó là tác phong hách dịch, độc đoán trong sinh hoạt và điều hành, nhất là của người đứng đầu. 

Hách dịch, độc đoán không đơn giản chỉ thể hiện ở thái độ nóng nảy, quát nạt mà còn ở cả sự khôn khéo, tinh vi hơn, ở những lời mềm dẻo, nhũn nhặn, thậm chí là “sẵn sàng lắng nghe”, nhưng quyết định ngược lại. Tác phong độc đoán bao giờ cũng gây tai hại cho tổ chức nhưng có lợi cho cá nhân. Sau hách dịch, độc đoán là bệnh bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết...

Do tác động của kinh tế thị trường, lối sống vị tiền dần phổ biến trong xã hội đã khiến một bộ phận cán bộ, công chức tìm mọi cách để kiếm tiền, tham ô, tham nhũng rồi dùng đồng tiền để hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng,... để chi phối các quan hệ khác. Trong những năm qua, những biểu hiện trên không giảm đi mà ngày càng có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ tiếp tay cho các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà còn trực tiếp gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10-2016) ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là sự tiếp nối nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra trước đây, đồng thời phản ánh yêu cầu bức thiết hiện nay cần phải nhận thức rõ, quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, giải pháp đồng bộ để tạo ra sự chuyển biến căn bản, vững chắc với hiệu quả thiết thực. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đề ra mục tiêu, quan điểm và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) xác định, các tổ chức Đảng khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất hiện nay. Quá trình tiến hành kiểm điểm phải bảo đảm thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, cách làm, thời gian mà Trung ương, Bộ Chính trị đã đề ra.

TS Dương Minh Huệ
.
.
.