Một số vấn đề đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2015

Thứ Năm, 11/05/2017, 08:36
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng của Quốc hội đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015. Quá trình sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, Bộ Công an đã tham gia tích cực trong đó có nhiều ý kiến tham gia bằng văn bản và tại các cuộc họp liên ngành.

Nhiều  ý kiến tham gia của Bộ Công an đã được cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 và cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo Luật. Báo CAND xin giới thiệu một số vấn đề nổi cộm trong giai đoạn hiện nay mà Bộ Công an tham gia ý kiến với các cơ quan chức năng trong quá trình sửa đổi Bộ luật này.

Hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đang ngày càng có những diễn biến phức tạp. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, một số đối tượng đã “biến tướng” phương thức bán hàng này để trục lợi mà hành vi phổ biến là tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, đầu tư tài chính, lập sàn giao dịch cho - nhận...

Trước sự phức tạp của hoạt động kinh doanh đa cấp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương, điều tra, khám phá nhiều chuyên án tội phạm sử dụng phương thức bán hàng đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bắt giữ một đối tượng lừa đảo kinh doanh đa cấp trên mạng.

Tổng cục Cảnh sát đã tham mưu cho Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 31-10-2016 về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh đa cấp”.

Chỉ thị quy định rõ Bộ Công an có trách nhiệm phát hiện những sơ hở, bất cập trong quy định của pháp luật để kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để người dân tham gia kinh doanh thuận lợi và an toàn.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các đơn vị trong đó có Bộ Công an xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này.

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, tình hình hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như vụ Công ty cổ phần Thương mại Cộng đồng Việt lừa đảo chiếm đoạt 108 tỷ đồng của 2.929 người dân; Công ty Liên kết Việt lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của 45.000 người dân, Công ty MB24 lừa đảo chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng của 10.000 người dân...

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các hành vi nêu trên đều được xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do việc phải chứng minh có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo (như phải làm rõ được ý thức chủ quan của người phạm tội, người bị hại phải tố cáo, hậu quả đã xảy ra...) mới được khởi tố, điều tra, xử lý dẫn đến quá muộn, không thể khắc phục được hậu quả, không thể thu hồi được số tiền bị chiếm đoạt.

Để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn hậu quả do việc vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp gây ra, Bộ Công an đề nghị bổ sung Tội vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, Bộ Công an đề nghị thiết kế điều luật như sau:

- Phạm vi đối tượng xử lý hình sự: trong kinh doanh theo phương thức đa cấp, người tổ chức là người đứng ra thiết lập mạng lưới, điều hành, tổ chức hoạt động kinh doanh, tất cả những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp đều phải ký hợp đồng với người tổ chức và doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đều chuyển về cho người tổ chức, do vậy, cần xử lý nghiêm đối với người tổ chức.

Riêng đối với người tham gia mạng lưới, trong các vụ kinh doanh theo phương thức đa cấp có rất nhiều người tham gia mạng lưới theo nhiều tầng nấc khác nhau, thông thường những người này chỉ hưởng hoa hồng từ người tổ chức chi trả. Nếu xử lý những người này sẽ mở rất rộng phạm vi xử lý hình sự, không đúng người, đúng vi phạm. Do vậy, chỉ xử lý người tham gia (đại lý hoặc bán hàng) nếu là đồng phạm với người tổ chức.

- Về hành vi: thực tiễn đấu tranh với kinh doanh đa cấp trái phép cho thấy, chủ yếu tập trung ở các hành vi tổ chức kinh doanh đa cấp không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng cố ý thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh đa cấp hoặc thực hiện kinh doanh đa cấp sai với nội dung giấy phép (đa số các vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp nêu trên đều tập trung ở các trường hợp có giấy phép, hoạt động đúng nội dung giấy phép nhưng vi phạm các điều cấm theo quy định của pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp dẫn đến gây thiệt hại cho người tham gia mạng lưới).

Do vậy, Bộ Công an đề nghị quy định xử lý hình sự đối với 3 hành vi, đó là tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc vi phạm các điều cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

- Về cấu thành cơ bản của tội phạm: nhất trí với 3 yếu tố là gây thiệt hại, thu lợi bất chính hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tuy nhiên, để đạt được mục đích xử lý sớm phòng tránh hậu quả, tác hại (thường là rất nghiêm trọng) của hành vi kinh doanh đa cấp trái phép cần xem xét bổ sung quy định về yếu tố quy mô số người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp trái phép là một trong những dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm, không nên chỉ coi là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Trong cấu thành tăng nặng, đề nghị bổ sung tình tiết sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội vì việc kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng phương tiện nêu trên có mức độ nguy hại hơn rất nhiều so với môi trường khác, do tính lan truyền rất nhanh và rộng dẫn đến việc lôi kéo được nhiều người tham gia.

- Về hình phạt: như đã phân tích ở trên, những vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp thường gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhiều người với số tiền chiếm đoạt lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự. Do vậy, để phù hợp với tính chất, mức độ hậu quả của hành vi này, đề nghị nghiên cứu thiết kế điều luật với khung hình phạt phù hợp để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, cần có sự phân hóa về mức hình phạt ở các khoản cho phù hợp với các trường hợp cụ thể (trường hợp phát hiện sớm, chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng thì áp dụng hình phạt nhẹ hơn; trường hợp đã gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải có hình phạt tương xứng).

Trung tướng, GS. TS Nguyễn Ngọc Anh (Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an)
.
.
.