Lòng dân với công tác cán bộ

Chủ Nhật, 11/10/2015, 08:58
Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương về chủ đề lòng dân với công tác cán bộ.

Thực tiễn công tác bổ nhiệm và sử dụng cán bộ ở một số địa phương thời gian qua nổi lên những vấn đề khiến dư luận băn khoăn. Dù ở các góc độ khác nhau, tựu trung lại đều phản ánh mối quan tâm của nhân dân tới vấn đề hết sức quan trọng - công tác cán bộ, nhất là vào thời điểm Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 12, trong đó có nội dung bàn về công tác chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới.

Lắng nghe ý kiến nhân dân

Phóng viên (PV): Thưa ông, dư luận gần đây băn khoăn về hai sự việc, một là việc 9 người có quan hệ họ hàng, thân cận được bổ nhiệm, điều động các chức danh cùng huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và trường hợp bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam ở tuổi 30. Cả hai trường hợp này đều có “mẫu số chung” là đúng quy trình công tác cán bộ. Đã đúng quy trình rồi thì tại sao người dân còn băn khoăn, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hương: Ở cấp nào thì việc lựa chọn, xem xét, bổ nhiệm, điều động, sắp xếp cán bộ cũng đều đã có quy định khá chặt chẽ. Tối ưu nhất là công tác cán bộ thỏa mãn yêu cầu đúng ý Đảng và hợp lòng dân. Vì suy cho cùng công tác cán bộ nhằm chọn trúng cán bộ, để rồi người được chọn đó giữ vai trò vận động nhân dân thực hiện các phong trào, nhiệm vụ ở đơn vị, địa phương. Nếu vì lý do nào đó, chọn cán bộ không thực sự uy tín trong dân, không thực tài thì không chỉ việc chung không đạt mà việc hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ đó cũng khó khăn.

Qua kết luận của các cơ quan chức năng về hai trường hợp cụ thể trên, tôi thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì trước một vấn đề quan trọng như công tác cán bộ, dân quan tâm, tỏ rõ thái độ góp ý, thậm chí phê bình, nghĩa là họ có ý thức xây dựng công tác cán bộ; còn lo vì công tác này dù đã có nhiều đổi mới, nhưng trong thực tiễn hiện nay ở không ít địa phương, bộ, ngành vẫn bộc lộ những thiếu sót, những thiên lệch... cần phải khắc phục. Đúng quy trình công tác cán bộ rồi, khi bổ nhiệm, điều động... mà dân còn băn khoăn, nghĩa là công tác cán bộ ở địa phương đó còn có điều cần xem xét.

Trường hợp bổ nhiệm, điều động 9 cán bộ ở Mỹ Đức có quan hệ họ hàng, hoặc thân cận, thì dù đúng quy trình, làm sao ngăn được sự hoài nghi về tính khách quan, công tâm, và liệu có tránh được nể nang, cục bộ... khi điều hành công việc chung hay không? Người dân băn khoăn là ở chỗ đó.

Ông Nguyễn Đình Hương.

PV: Từ băn khoăn đó của người dân, gợi mở điều gì cần kiện toàn trong công tác cán bộ, dưới góc nhìn của ông?

Ông Nguyễn Đình Hương: Hai mươi năm trước, tôi đã trình bày ý kiến trước Bộ Chính trị về vấn đề, thời phong kiến người ta không bao giờ bổ nhiệm tri huyện làm ở địa phương nơi có thân nhân bản quán, mà phải đi tỉnh khác; Tỉnh trưởng cũng vậy.

Ở một số nước, những chức vụ như Bí thư, Chủ tịch... họ nhất quán không bổ nhiệm người thuộc địa phương đó. Hiện chúng ta đã quán triệt, có nghị quyết thực hiện vấn đề này, để khi thực hiện công tác cán bộ, tránh sự bao che, nể nang, bè phái...

Hai sự việc trên, bên cạnh việc giữ vững nguyên tắc, một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải lắng nghe ý kiến người dân mỗi khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ. Lấy dân làm gốc chính là chỗ này. Người dân họ giám sát đối với cán bộ bằng số đông, nhiều góc độ, tất cả các vấn đề và cả quá trình của con người, tổ chức đó... nên có nhiều thông tin, để phân tích, quyết định cho chính xác; thứ hai, là qua đây, chúng ta có điều kiện nhìn lại, xem xét và rút ra kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, của cơ quan thanh tra, công tác cán bộ, để bịt kín những sơ hở, thiếu sót...

Chịu lắng nghe, trọng ý kiến của quần chúng còn cho phép chúng ta sàng lọc loại bỏ những thông tin không chính xác về cán bộ, bảo vệ cán bộ, đồng thời chống được hành vi lách luật, chạy bằng cấp, chạy chức quyền...

Lấy thực tiễn soi rọi cán bộ

PV: Cái khó là làm thế nào thông tin từ phía người dân đến được cơ quan có thẩm quyền đúng lúc, đúng chỗ, trong khi người dân thì không phải ai cũng nắm vững nguyên tắc trong công tác tổ chức cán bộ để phản ánh. Theo ông, làm thế nào để người dân có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa vào công tác cán bộ?

Ông Nguyễn Đình Hương: Đảng, Nhà nước ta cũng như quy định của pháp luật đã mở rất nhiều kênh cho người dân thảo luận, góp ý về những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như đời sống dân sinh, trong đó có công tác cán bộ. Cụ thể, như việc lấy ý kiến đối với cán bộ, đảng viên không chỉ ở cơ quan, đơn vị mà còn ở nơi cư trú; hay quy định kê khai tài sản,... Tuy nhiên, trong thực hiện kết quả còn nhiều hạn chế.

Khắc phục điều này, tôi cho rằng, trước hết là những người có trách nhiệm ở cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải lắng nghe quần chúng, cựu chiến binh, cán bộ lão thành, thanh niên, phụ nữ, người lao động... những người trong hoặc gần cận cơ quan, đơn vị, địa phương đó phản ánh về cán bộ và công tác cán bộ. Khi những người này đồng thuận, ủng hộ, thì tôi tin công tác đó thuận lợi và ngược lại.

PV: Có ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam tuổi 30 là tiền lệ tốt, khích lệ những người trẻ giàu chí tiến thủ; nhưng cũng có đánh giá trường hợp này còn quá ít trải nghiệm cho chức vụ đó, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi ủng hộ việc trẻ hóa cán bộ. Đây cũng là quy luật của sự phát triển. Nhưng, cán bộ được bổ nhiệm phải đủ tiêu chuẩn, lao động có thành quả mà mọi người đều thừa nhận. Loại trừ yếu tố con ai, nếu thành quả lao động của người đó đóng góp cho tập thể rõ ràng, được mọi người thừa nhận thì không có gì phải bàn.

Cứ xem quá trình và kết quả đóng góp, kể cả thời gian ngắn làm Phó Giám đốc sở, thì sẽ rõ thôi. Lấy thực tiễn mà soi rọi cán bộ, đây là kinh nghiệm xương máu của Đảng. Trong lịch sử Đảng ta, nhiều đồng chí được giao trọng trách khi còn rất trẻ, nhưng các đồng chí đó đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị, khí tiết đấu tranh trong thực tiễn cách mạng, ai cũng nhận thấy, sử sách đã ghi.

PV: Đích đến của công tác cán bộ là chọn trúng người đức-tài. Nhưng đường đến mục tiêu thì còn lắm gian nan, theo ông mấu chốt để hóa giải những vướng mắc đó là gì?

Ông Nguyễn Đình Hương: Hội nghị Trung ương 12 Khóa XI đang họp về công tác chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành khóa mới. Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư đã khá toàn diện, chứa đựng cả mong muốn lẫn quyết tâm của Đảng và nhân dân. Tôi chỉ muốn nói một điều, quan trọng là phải quán triệt nghị quyết, tổ chức thực hiện thật sự dân chủ, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ, mới chọn được trúng người đức-tài phụng sự việc chung.

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.