Bộ nào giữ “quán quân” về tỷ lệ lãnh đạo/công chức?

Thứ Ba, 24/10/2017, 09:27
Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương: thuộc khối tổng cục là 3/4; khối vụ, đơn vị là 7/8. Ở Bộ Giao thông Vận tải: khối tổng cục là 3/8, khối vụ, đơn vị là 1/2. Ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: khối tổng cục là 4/7, khối vụ, đơn vị là 2/3....


Do cơ cấu tổ chức có quá nhiều đầu mối, đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, mất cân đối giữa số người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.

Đơn cử, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương: thuộc khối tổng cục là 3/4; khối vụ, đơn vị là 7/8. Ở Bộ Giao thông Vận tải: khối tổng cục là 3/8, khối vụ, đơn vị là 1/2. Ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: khối tổng cục là 4/7, khối vụ, đơn vị là 2/3.

Ở Văn phòng Chính phủ: khối vụ, đơn vị là 8/9. Ở Bộ Nội vụ: khối tổng cục là 2/3, khối vụ, đơn vị là 1/2. Ở Bộ Tài chính: thuộc khối tổng cục là 1/6, khối vụ, đơn vị là 2/3...

Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở tỉnh Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Kiên Giang là 1/2. Số lượng người hưởng chế độ cấp “hàm” còn nhiều. Có vụ có 3 hàm Vụ trưởng, 18 hàm Phó Vụ trưởng.


Việc hình thành nhiều tổ chức phối hợp liên ngành trong giai đoạn 2011 – 2016 đã làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế, khiến các bộ than phiền về việc thiếu lãnh đạo đi họp nhưng lại làm tăng tình trạng đùn đẩy trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan. Đây là thực tế được Đoàn Giám sát về cải cách bộ máy hành chính giai đoạn 2011 – 2016 của Quốc hội nêu ra.

Đoàn giám sát cho rằng: Cơ chế xác định trách nhiệm “chủ trì, phối hợp” đã dẫn đến hình thành thêm nhiều tổ chức liên ngành và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cơ quan. Mặc dù nhiều nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của từng Bộ, nhưng vẫn có tình trạng thành lập thêm tổ chức phối hợp liên ngành ở Trung ương do Thủ tướng, Phó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đứng đầu (123 tổ chức).

Việc hình thành những tổ chức loại này dẫn đến số lượng các cuộc họp, hội nghị cần sự tham gia của đại diện, lãnh đạo các Bộ, ngành tăng, nhưng hiệu quả lại không cao. Các cơ quan thuộc thành phần các ban chỉ đạo thường xuyên than phiền về việc thiếu thời gian, thiếu lãnh đạo để đi dự họp. Do đó, trong nhiều trường hợp các Bộ, ngành tham gia phối hợp thường ỷ lại, trông chờ vào các ban chỉ đạo, hội đồng liên ngành mà nòng cốt là bộ phận thường trực lại chính là Bộ, ngành chủ trì, dẫn tới không chủ động triển khai các phần việc thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình khi chưa có ý kiến của ban chỉ đạo, hội đồng liên ngành.

Điều này dẫn đến nhiều lãng phí về kinh phí, thời gian, nguồn lực và thậm chí phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế nhưng hiệu quả không rõ ràng, không xác định được trách nhiệm khi có vấn đề phát sinh.

Theo thống kê, vẫn có 24 tổ chức liên ngành có Văn phòng thường trực đặt tại Bộ, ngành chủ trì, có biên chế và được ngân sách nhà nước bảo đảm như: Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 – 2015; Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020; Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu...

Một số ban chỉ đạo hoặc văn phòng Ban chỉ đạo được nâng cấp thành các đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ như Ngân hàng Nhà nước thành lập Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính trên cơ sở tổ chức lại Ban Điều phối và triển khai chương trình đánh giá khu vực tài chính.

Một số tổ chức phối hợp liên ngành có hệ thống từ Trung ương đến địa phương nhưng chưa phân định rõ thẩm quyền, địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, trách nhiệm của từng cấp hoặc nếu có thì việc quy định còn chưa đúng thẩm quyền của tổ chức phối hợp liên ngành.

Bộ Công Thương là đơn vị phải quyết liệt sắp xếp bộ máy hiện rất cồng kềnh.

Về nguyên tắc, những tổ chức phối hợp liên ngành không thực hiện chức năng quản lý nhà nước mà chỉ để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành. Tuy nhiên, xét thực chất, những nhiệm vụ, quyền hạn mà một số tổ chức này đảm nhiệm vẫn có yếu tố quản lý nhà nước như chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện mà đoàn giám sát lấy Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia làm ví dụ.

Việc hình thành các tổ chức phối hợp liên ngành đã tạo nên sự chồng chéo, không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và cơ quan nào tham gia phối hợp thực hiện đối với những việc có liên quan đến nhiều Bộ, ngành cũng như trách nhiệm giữa các tổ chức phối hợp liên ngành với trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong cơ chế chủ trì, phối hợp.

Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc dẫn đến một nội dung chuyên môn do chuyên viên xử lý để được báo cáo lên Bộ trưởng thường phải trải qua quy trình 7 bước – 7 người cho ý kiến, từ Phó trưởng phòng cho đến Bộ trưởng; giữa quy trình này có thể còn phải tổ chức họp, bàn.

Tương tự như vậy, một chỉ đạo của Bộ trưởng để xuống đến người trực tiếp thực hiện có khi cũng phải trải qua nhiều tầng nấc, làm cho việc xử lý mất nhiều thời gian. Số đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trực thuộc các Bộ là rất lớn: 198 đơn vị, dẫn đến tình trạng “Bộ trong Bộ”. Đến tháng 12-2016, tỷ lệ cục, tổng cục so với tổng số vụ và tương đương trung bình là 50%, trong đó có 8 Bộ có tỷ lệ trên 50%.


Vũ Hân
.
.
.