Kiểm soát chặt và minh bạch thì “lợi ích nhóm” không còn cơ hội

Chủ Nhật, 26/02/2017, 12:22
Liệu có hay không việc cơ chế sinh ra xung đột quyền lợi, tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” có thể tạo ra kẽ hở để tư lợi và cách nào để bịt những lỗ hổng này?


Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình sở hữu một số lượng cổ phiếu lớn của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà mình phụ trách.

Đích thân Tổng Bí thư và Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguồn gốc khối tài sản. Đúng – sai ra sao còn phải đợi kết quả. Tuy nhiên, từ câu chuyện của một người đã đặt ra những vấn đề trong cơ chế quản lý: Liệu có hay không việc cơ chế sinh ra xung đột quyền lợi, tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” có thể tạo ra kẽ hở để tư lợi và cách nào để bịt những lỗ hổng này?

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Đức Thụ  - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu, người gắn bó nhiều năm với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và dành nhiều tâm huyết cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).                       

PV: Thưa ông, nhìn lại quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN thời gian qua, ông có thấy điều gì đáng tiếc khiến tài sản nhà nước bị thất thoát?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Quá trình CPH DNNN nói riêng và sắp xếp, đổi mới DNNN nói chung là đòi hỏi bức xúc của thực tiễn. Những năm vừa qua, nhiều DNNN làm ăn kém hiệu quả, khó bảo tồn vốn, nhiều DN lâm vào nguy cơ phá sản, thậm chí “chết” không “chôn” được; đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, cần đẩy mạnh sắp xếp lại khu vực này.

Tuy nhiên, nhìn lại suốt 5 năm vừa qua, lộ trình tái cơ cấu DNNN cũng bị chậm và bộc lộ sơ hở ở nhiều điểm, nhất là về cơ chế, chính sách. Thứ nhất là định giá DN. Đây là việc không đơn giản, vì ngoài xác định tài sản hữu hình: máy móc, thiết bị, hàng hóa tồn kho... còn có tài sản vô hình: trình độ khoa học công nghệ, thương hiệu...

Trên thực tế, thẩm định của các cơ quan thẩm định giá chưa thực sự chặt chẽ và chưa đủ năng lực, đủ những điều kiện để thẩm định hết các DN một cách kỹ lưỡng.

Một vấn đề nữa ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhà nước là tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị tài sản DN. Giá trị sử dụng đất theo khung giá quy định là quá thấp so với giá trị thực trên thị trường.

Ví dụ ở Hà Nội, khung giá đất cao nhất chỉ có 81 triệu đồng/ m², so với thực tế, nhiều quận huyện không phải vùng lõi, chỉ là vùng ven, bám lấy quốc lộ đã leo lên tới 200 triệu/ m². Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách mà đằng sau đó là nguy cơ lợi ích nhóm, cũng như tạo mảnh đất màu mỡ để tham nhũng, tiêu cực có thể xuất hiện.

PV: Thời gian qua, đa phần các DNNN được CPH ở thời điểm “đáy” của giá trị DN, tức là khi họ kinh doanh bết bát, khó khăn nhất, giá trị thấp nhất, khiến Nhà nước thu về được rất ít. Ông có cho rằng đây là một điểm sai lầm có thể làm thất thoát tài sản của Nhà nước?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Đối tượng CPH đúng là thay đổi qua từng thời kỳ. Giai đoạn đầu, những DNNN nào làm ăn hiệu quả thì ta không CPH với lý do cái làm tốt thì sao lại không phát huy để kiếm lời? Chỉ nên CPH chỗ nào Nhà nước không cần nắm giữ, muốn trả lại cho thị trường; những khu vực Nhà nước bao quá rộng, không kiểm soát được, dẫn đến kém hiệu quả, thua lỗ, mất mát.

Những năm gần đây, đã mở rộng đối tượng hơn, CPH không chỉ các DN làm ăn thua lỗ mà cả những DN làm ăn có hiệu quả để huy động thêm nguồn vốn đầu tư, tăng quy mô, tăng doanh thu, áp dụng khoa học công nghệ để lột xác DN, tạo nên đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của DN.

Còn quan điểm nên CPH vào thời điểm nào? Những DN đang làm ăn có hiệu quả có CPH không, thì như tôi vừa trả lời, quan điểm hiện tại là nếu cần thì vẫn cho, chứ không bó buộc. Còn đối với những DN đang khó khăn, có nên CPH ngay, hay nên “hà hơi, tiếp sức”, phục hồi đến mức độ nào đó để bán cổ phần được nhiều hơn, thì theo tôi phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể.

Đối với DN không phục hồi được, thua lỗ nhiều năm thì nên CPH càng sớm càng tốt. Thực tế giai đoạn vừa qua, có những DN thuộc đối tượng này, chúng ta cứ kỳ vọng rất nhiều, nhưng cuối cùng để càng lâu thì không những nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, mất vốn ngày càng nhiều.

Một số DN, kể cả tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn, trình ra đề án tái cơ cấu để hi vọng phục hồi lại rồi tiến hành CPH, nhưng trên thực tế kết quả đạt được không như mong đợi, như Vinashin, Vinalines. Tôi cho là xem xét đề án tái cơ cấu để phục hồi lại rồi mới CPH hay CPH ngay cũng phải hết sức khả thi.

Có lẽ đề án này không chỉ cơ quan có thẩm quyền quyết định. Nên công bố công khai các vấn đề lớn, nhất là đề án tái cơ cấu đụng đến số tiền lớn của Nhà nước, từ nguồn thuế của dân đóng góp, cũng nên cho dư luận, báo chí, các cơ quan lên ý kiến, để Nhà nước có cái nhìn nhiều chiều về vấn đề, có cơ sở lựa chọn phương án khả thi nhất, tránh được những phương án không sát thực tiễn để phải trả giá.

PV: Trong hội nghị về sắp xếp DNNN do Thủ tướng chủ trì, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may đã thẳng thắn chia sẻ có biểu hiện những “ông chủ” đại diện vốn ở DNNN cố tình “dìm” giá DN khi CPH để biến tài sản công thành tài sản tư? Hay việc lợi dụng chính sách bán cổ phiếu nội bộ với giá ưu đãi rồi mua gom, khiến tài sản DN tập trung vào tay một số lãnh đạo. Có cách nào để ngăn chặn được tình trạng này?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: CPH không chỉ đụng đến cái ghế của người lãnh đạo, mà cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của cán bộ, công nhân viên. Để bảo vệ người lao động, giúp họ cũng là người làm chủ DN thì Nhà nước có cơ chế cho phép mua lại một số lượng cổ phiếu nhất định với giá ưu đãi.

Tôi cho rằng, về chủ trương, quan điểm là đúng, nhưng cần tổng kết để đánh giá cho phù hợp. Trợ cấp cho người lao động là cần thiết, nhưng nên làm kiểu khác, còn bán cổ phần nên bán theo giá thị trường. 

Bây giờ, ưu đãi cho người lao động, nhưng người có chức, có quyền, có tiền lại mua gom, dẫn đến tích tụ tài sản vào một số người. Quan điểm của tôi là không nên một chính sách làm 2, 3 chức năng rồi lẫn lộn, lợi dụng lẫn nhau.

Vấn đề nữa đặt ra ở đây là việc một người vừa đóng góp vốn lớn vào DN lại vừa làm công tác quản lý Nhà nước, phụ trách lĩnh vực DN đó kinh doanh. Pháp luật đã có quy định, cán bộ lãnh đạo không được tham gia quản lý DN, quy định kể cả đối với người thân trong gia đình, để tránh vừa đá bóng vừa thổi còi, là vì tài sản của tôi, vợ tôi, con tôi thì tôi ban hành chính sách có lợi cho nó, đem đơn đặt hàng, cơ chế tài chính ưu đãi cho nó...

Tôi đề nghị rà lại, chỗ nào sai phạm ta xử lý công khai, kịp thời. Về nguyên tắc, quản lý Nhà nước phải tách bạch với sản xuất, kinh doanh. Nếu như chúng ta nhập nhằng giữa 2 cái này thì dẫn đến thị trường bị méo mó, cạnh tranh không bình đẳng.

PV: Quan điểm của ông gợi nhớ câu chuyện của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và Công ty Điện Quang. Nhưng băn khoăn của dư luận về khối tài sản của bà Thoa và gia đình liệu có cơ sở không? Liệu vẫn còn cơ chế Bộ quản lý DN thì có nảy sinh xung đột lợi ích hay không?

Ông Bùi Đức Thụ.

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa là một trường hợp nổi lên, nóng trong thời gian gần đây. Việc này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kể cả cấp cao nhất như Tổng Bí thư cũng đã có chỉ đạo kịp thời và rất sát, rất quyết liệt.

Thủ tướng cũng đã có chỉ thị các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan phải trả lời: Nếu pháp luật sơ hở thì sửa đổi, hoàn thiện ngay. Nếu sai phạm trong quản lý thì căn cứ vào mức độ để có hình thức xử lý công khai kịp thời.

Tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo và qua đây thấy được tinh thần đổi mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ này; cho thấy quyết tâm tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực bằng những việc cụ thể. 

Và tôi cũng xin nói rằng, không chỉ trường hợp này đâu, bất kỳ trường hợp nào nếu vi phạm những nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính, cũng đều phải được Nhà nước xem xét, xử lý kịp thời.

Tôi hoan nghênh báo chí, dư luận vừa qua đã có thông tin, cũng là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý phát hiện thêm. Đó là câu chuyện của một người, nhưng đằng sau nó là nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách.

Cũng phải nói là đối với cán bộ lãnh đạo, việc kê khai tài sản đã có rồi, giờ cũng có cải tiến là công khai rộng hơn so với trước kia, nhưng có lẽ cũng phải tiến tới giao cho một số cơ quan thẩm định, trước hết đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Bây giờ cũng có tổ chức thẩm định kê khai khi đề bạt, nhưng tôi xin nói là cơ chế không rõ, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chưa cụ thể, cơ quan được giao lại rất nhiều nhiệm vụ, nên chưa làm hết được. 

Có lẽ cũng phải thể chế hóa nhiệm vụ này, từ đó nó cũng là một dữ liệu để chúng ta xem xét. Nhà nước cũng phải vươn dài cánh tay kiểm soát của mình, lúc bấy giờ vấn đề sẽ rõ.

PV: Trở lại vấn đề CPH DN ở thời điểm đáy của giá trị, đơn cử Điện Quang được CPH lúc kinh doanh rất khó khăn, và sau đó tình hình lại khả quan nhanh chóng, gây nên rất nhiều dư luận khác nhau. Điều này cũng liên quan đến vấn đề ông đã đề cập là lỗ hổng trong định giá. Vậy có cách nào để xử lý những trường hợp cố tình vi phạm gây thất thoát tài sản nhà nước không?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Nhà đầu tư bỏ vốn vào DN lúc khó khăn, sau đó tài sản tăng lên nhiều lần, DN lột xác, giá trị cổ phiếu tăng, thì điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường. 

Còn loại thứ hai là giá trị DN của Nhà nước là 10, nhưng đề án CPH xác định là 2, rồi mua cổ phần của nhà nước với giá rẻ, bằng cơ chế này cơ chế kia để tái phân phối bất hợp pháp lợi ích của nhà nước bỏ vào túi một số tổ chức, cá nhân thì cần phải khắc phục.

Định giá DN phải minh bạch, công khai, phải theo thị trường. Để theo thị trường, phương án CPH nên công khai, nên có tổ chức thẩm định giá độc lập với Nhà nước. Không thiếu tổ chức làm được việc đó. Theo tôi, nếu cần, mở nhiệm vụ thẩm định giá cho nhiều đối tượng. Đại hội Đảng lần thứ 12 đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực, tôi rất tâm đắc chỗ đó.

Trong hoạt động của cơ quan nhà nước, không có lãnh thổ riêng. Lúc đó mới đảm bảo được minh bạch. Thêm vào đó, nên bán cổ phiếu công khai, rộng rãi, niêm yết trên thị trường chứng khoán để đảm bảo khách quan thì lợi ích nhóm sẽ không còn cơ hội.

Định hướng thì có rồi, nhưng làm thế nào để những định hướng đó nó sống được trong đời sống thực tiễn thì còn phải có quy định cụ thể hướng dẫn, cái gì hở thì ta “khép” lại, cái gì chưa chuẩn ta chỉnh vào đúng đường ray.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Vũ Hân (thực hiện)
.
.
.