Không để lợi ích nhóm chi phối báo chí

Thứ Bảy, 14/11/2015, 19:58
“Không có thương mại hóa báo chí, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối hoạt động báo chí…”- Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh khi tham gia thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng, đây là luật khó, phức tạp nhưng cũng là luật lớn, thể hiện quan điểm của Nhà nước ta về tự do báo chí. Hiện thế giới mới chỉ 21 nước có Luật Báo chí, nhiều nước lớn cũng chưa có.

Bên cạnh đó, nước ta là một trong những nước có nhiều cơ quan báo chí, tất cả các tỉnh thành đều có đài phát thanh truyền hình, tất cả các bộ đều có báo, có đầy đủ hệ thống báo chí dành cho người cao tuổi đến thiếu nhi, từ hội thanh niên, phụ nữ đến hội làm vườn… “Như vậy là chúng ta rất tôn trọng tự do báo chí, song thực tiễn cho thấy phải sắp xếp lại để báo chí phát triển mạnh hơn” – Bộ trưởng khẳng định.

Về các trang tin điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, thực tế trước đó ban soạn thảo đã đưa chế tài về trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội vào dự thảo. Sau đó qua thảo luận và đối chiếu Nghị định 17 thì báo chí không gồm trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội nên lại bỏ ra. “Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta hiện nay thống nhất báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tham gia thảo luận tại tổ, chiều 14/11.

Nếu đưa trang tin điện tử, truyền thông xã hội vào Luật Báo chí thì vô hình chung chúng ta thừa nhận báo chí tư nhân. Trong khi đó, Bộ Chính trị nhất quán quan điểm báo chí của ta là báo chí cách mạng, đặt trong sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Không có thương mại hóa báo chí, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối hoạt động báo chí” – đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề quản lý báo chí, quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là quản lý sao cho báo chí phát triển mạnh hơn nhưng chất lượng hơn, hiệu quả hơn, số lượng thích hợp. Việc xây dựng Luật báo chí phù hợp với việc triển khai Đề án quy hoạch báo chí, trên tinh thần tổ chức lại các cơ quan báo chí tinh gọn, giảm thiểu ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.

“Bộ chính trị đã có ý kiến khi xem xét quy hoạch báo chí thì phải đảm bảo không ảnh hưởng đến những nhà báo có nhiều năm cống hiến để họ tiếp tục hoạt động, đóng góp cho đất nước. Đồng thời phải tạo điều kiện cho những tờ báo tia-ra lớn, nguồn thu lớn được phát triển” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thông tin thêm.

Quỳnh Vinh
.
.
.