Sự kiện và suy ngẫm

Không để cát tặc lộng hành, thách thức pháp luật

Thứ Sáu, 17/03/2017, 09:55
Cát sỏi là nguồn tài nguyên phải mất hàng triệu năm mới hình thành nên trong quá trình vận động, kiến tạo của trái đất. Việt Nam có địa hình trải dài ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ hình thành nhờ sự bồi lắng các trầm tích của những dòng sông lớn, nên cát, sỏi có vai trò rất quan trọng với sự ổn định địa chất.

Vậy mà, những ngày qua dư luận vô cùng lo lắng khi báo chí thông tin hàng vạn mét khối cát vùng ven biển một số tỉnh miền Nam và miền Trung bị khai thác ồ ạt đem bán cho Singapore. Hậu quả là vùng đất ven biển nhiều nơi bị xói mòn, tốc độ xâm thực tăng nhanh, trong khi lượng phù sa từ sông Mekong ngày càng ít do các đập thủy điện chặn dòng và biến đổi khí hậu.

Vùng ven biển đã vậy, trong nội địa ở hầu khắp cả nước cũng không thoát khỏi thảm họa hàng ngàn tàu cát (có chiếc công suất lên đến 100m³/h) đang ngày đêm móc ruột những lòng sông. Hệ lụy đau lòng là nhiều diện tích hoa màu bị xói lở, ruộng vườn, làng xóm ven sông dần bị “hà bá” nhấn chìm; đời sống của hàng vạn người dân bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, một bộ phận cán bộ thoái hóa giàu lên trông thấy nhờ chống lưng, bảo kê cho khai thác cát trái phép. Nguy hiểm hơn, cát tặc ngày càng lộng hành, trở thành những thế lực ngầm có thể thao túng hoặc đe dọa cán bộ, chính quyền cơ sở…

Tình trạng nhức nhối đã kéo dài khiến ngày 7-3-2017, Chính phủ phải mở một hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn việc chống cát tặc.

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã khẳng định: “Một số nơi cấp ủy, chính quyền ở cơ sở còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Việc xử lý vi phạm thiếu nhất quán, chưa đủ tính răn đe đối tượng vi phạm… Chúng ta cũng phải thấy một thực tế là có những vi phạm diễn ra công khai, ban ngày, liên tục nhưng vẫn không bị xử lý gì. Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí là có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm…”.

Tại hội nghị này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, có cả sự vi phạm của các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác chứ không chỉ là vi phạm của cát tặc. “Ví dụ như cấp phép cho ông nạo vét có 5m, nhưng ông nạo vét tới 15m, gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho môi trường, xói lở, đời sống người dân” – Thượng tướng Lê Quý Vương nêu lí giải.

Theo số liệu báo cáo tại cuộc họp này của 22/63 tỉnh, thành phố từ năm 2013 đến 2016, các địa phương đã phát hiện và xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 38 tỷ đồng, chỉ chuyển xử lý hình sự 7 vụ vi phạm…

Con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi việc bắt giữ, xử lí các vụ việc khai thác cát trái phép là điều không đơn giản; như ý kiến của Thượng tướng Lê Quý Vương tại hội nghị: “Hà Nội năm ngoái chúng tôi phối hợp mãi mới bắt được vụ vi phạm các quy định về tài nguyên, môi trường. Phối hợp để bắt một vụ trên sông là không dễ, vừa phải chống tội phạm vừa phải đảm bảo an toàn”.

Để minh chứng thêm những khó khăn này, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Khó khăn trong quản lý khai thác cát chủ yếu là các đối tượng hoạt động rất tinh vi, khai thác từ 23h đến 3h sáng và canh chừng rất kĩ. Khi lực lượng chức năng phát hiện ra thì các đối tượng nhấn chìm ghe, hành động rất manh động. Bên cạnh đó, do địa bàn trải dài, lực lượng chức năng mỏng nên việc xử lý cũng có những khó khăn nhất định và chế tài chưa đủ sức răn đe”…

Sau hội nghị trên đúng 1 tuần, dư luận thêm bức xúc trước thông tin cát tặc ngang ngược đe dọa cả Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và một số cán bộ cơ quan chức năng của tỉnh, vì đã quyết liệt ngăn chặn khai thác cát trái phép. Trong công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ “chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ Trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”.

Thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị cát tặc đe dọa khiến nhiều người nhớ tới việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng (năm 2008) cũng bị giang hồ đe dọa sát hại vì cương quyết chỉ đạo chống “than thổ phỉ”. Đây không phải là lời đe dọa suông, bởi sau đó lực lượng Công an đã phải triển khai các biện pháp an ninh cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và gia đình…

Xâu chuỗi các vụ việc cho thấy, cát tặc cũng như than tặc, đã có lúc trở thành một thế lực ngầm, dám đe dọa cả những người đứng đầu bộ máy chính quyền một địa phương; vậy thì, với những cán bộ, người dân bình thường, chúng sẽ lộng hành, tác oai tác quái đến mức nào.

Trở lại hội nghị của Chính phủ về chống khai thác cát trái phép, người dân và dư luận rất đồng tình với sự chỉ đạo cương quyết của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Bộ Công an trước mắt mở đợt đấu tranh cao điểm chống cát tặc từ 15-3 đến 1-6-2017. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Phải chỉ đạo lập chuyên án, làm rõ đường dây khai thác cái trái phép”.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu: “Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an đề xuất chế tài cần thiết, đủ sức răn đe các hành vi khai thác cát trái phép. Chế tài xử lý phải xử lý, tránh để đối tượng kiện ngược lại lực lượng chức năng. Bắt tàu cát khai thác trái phép thì tàu đó là phương tiện phạm pháp cần phải xử lý, chứ không thể để tình trạng họ đánh chìm tàu rồi quay lại kiện ngược cơ quan chức năng. Kiến nghị TAND tối cao hướng dẫn xử lý trước mắt, có án lệ, chứ để bó tay là không được”.

Không để cát tặc nói riêng và tội phạm nói chung hoành hành, thách thức pháp luật. Đó là điều người dân đang mong đợi sự chỉ đạo cương quyết của bộ máy chính quyền và sự vào cuộc hiệu quả của các cơ quan chức năng.

Duy Hiển
.
.
.