Không bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ Tư, 11/11/2015, 19:15
Để ngăn chặn tội phạm ma túy, việc không bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta trong tình hình hiện nay.

Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 194 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Khoản 4 Điều này quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;

b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;

c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng ba trăm gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;

h) Có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này”.

Lực lượng Công an bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép ma túy. Ảnh: Vũ Mạnh Hà

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Tính đến nay, vẫn còn hơn 200 triệu người nghiện các chất ma túy. Các loại tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy đã và đang thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng. Tội phạm và tệ nạn ma túy thực sự trở thành hiểm họa lớn, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ là nguy cơ đe dọa sự phát triển của giống nòi, gây mất an ninh, trật tự.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong cuộc chiến chống ma túy. Nhờ triển khai thực hiện liên tục, đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 10.915 vụ phạm tội về ma túy với 13.800 bị can, với số lượng hêroin thu giữ tăng 91,75% và số lượng ma túy tổng hợp thu giữ tăng 122% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 10, tội vận chuyển trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 250 với hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 4 là tử hình. Chúng tôi đồng tình với dự thảo và không đồng tình với một số ý kiến đề nghị  bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này, bởi lẽ:

Thứ nhất, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy thời gian qua bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận đồng tình, ủng hộ, có tác dụng răn đe, giáo dục chung. Việc áp dụng Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 không có khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật.

Nhiều vụ trọng án có nguyên nhân từ ma túy. Ảnh: Vũ Mạnh Hà

Thứ hai, mặc dù công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đã có chuyển biến tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp. Tình trạng tái nghiện còn cao, cai nghiện chưa hiệu quả; tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện hút ma túy và từ họ lây lan ra cộng đồng đang ở mức đáng lo ngại; tình trạng sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ma túy đá trong thanh thiếu niên, học sinh có xu hướng gia tăng, đáng báo động; các loại ma túy ngày càng đa dạng và dễ sử dụng; hoạt động của tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động. Nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy sẽ dẫn đến hệ quả tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta phức tạp hơn vì hình phạt cao nhất là chung thân chưa đủ sức răn đe tội phạm.

Thứ ba, do đặc điểm về địa lý, nước ta gần khu vực “tam giác vàng” là nơi sản xuất trái phép ma túy lớn trên thế giới. Để ngăn chặn tội phạm ma túy quốc tế vận chuyển trái phép ma túy qua Việt Nam đi nước thứ ba tiêu thụ, cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, trong đó có biện pháp pháp luật. Vì vậy, việc không bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta trong tình hình hiện nay.

Nguyễn Giao
.
.
.